Hãy lắng nghe

25/12/2023 - 06:55

PNO - Nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh vào viện trong tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng nề. Thậm chí, có trường hợp đã có hành vi tự sát, làm bản thân bị thương nặng…

Các chuyên gia khẳng định rằng việc lắng nghe để thấu hiểu, cảm thông với các bà mẹ sau sinh là một trong những “liều thuốc” để sớm phát hiện bệnh, giúp họ lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế đây không phải là điều bà mẹ nào cũng có thể nhận được.

Bác sĩ Vũ Sơn Tùng - Phó trưởng phòng Điều trị rối loạn tâm thần cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, thời gian qua, đơn vị này tiếp nhận nhiều người mẹ mắc trầm cảm sau sinh. Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng nề. Thậm chí, có trường hợp đã có hành vi tự sát, làm bản thân bị thương nặng…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sự xuất hiện của con nhỏ cùng sự thay đổi hoóc môn là các nguyên nhân ảnh hưởng tới phụ nữ ở thời điểm trước và sau thai kỳ. Từ đó, phụ nữ có thể xuất hiện nhiều cảm xúc khác so với thông thường, từ vui vẻ, yêu thương tới buồn chán, đau khổ, giận dữ. 

Theo vị chuyên gia, thể nhẹ nhất của trầm cảm sau sinh là “baby blue”, có thể xuất hiện từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm sau sinh. Thể nặng hơn có thể xuất hiện từ ngày thứ năm đến ngày thứ bảy sau sinh… Biểu hiện chung của bệnh là ở giai đoạn sớm, người mẹ có khí sắc giảm, cảm xúc thay đổi, buồn rầu, dễ cáu, dễ khóc… Những hứng thú của người mẹ giảm, rối loạn ăn uống, giảm tập trung chú ý, dễ cáu gắt. Đặc biệt, mất ngủ là một trong những dấu hiệu khá điển hình. 

Ở giai đoạn toàn phát, khí sắc trầm nơi người mẹ tăng, xuất hiện trạng thái bi quan, chán nản, buồn bã, mặc cảm, tự ti, tội lỗi, đau khổ… Việc giao tiếp cũng trở nên khó khăn, không chỉ với người thân xung quanh mà ngay cả với con. Sản phụ cũng gặp các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật hoặc rối loạn hành vi như bồn chồn, bất an, thậm chí có ý định tự sát.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân - Đơn nguyên Rối loạn cảm xúc - Phòng Điều trị rối loạn cảm xúc và ăn uống Viện Sức khỏe tâm thần - cho biết, trầm cảm sau sinh diễn biến rất phức tạp và dễ dẫn tới tự sát. Nguyên nhân của hành vi này là do người bệnh rơi vào trạng thái chán nản, tuyệt vọng, thấy bản thân kém cỏi, có lỗi với gia đình. Người bệnh cảm thấy cuộc đời mình không đáng sống và nghĩ đến cái chết, cho rằng chỉ có chết đi mới thoát khỏi những khổ đau ở hiện tại.

Theo nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản, tỉ lệ trầm cảm sau sinh của phụ nữ từ 11,6 - 33%. Viện Sức khỏe tâm thần cũng thông tin, ước tính có tới 50% phụ nữ trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế. Vì vậy, nhiều bà mẹ không được phát hiện bệnh kịp thời, không được điều trị dẫn tới bệnh cảnh ngày càng nặng nề, có thể để lại những hậu quả đau lòng.

Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định, khoảng 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có thể hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức. “Trong trường hợp phát hiện sớm, người bệnh mắc trầm cảm sau sinh có thể chỉ cần được tư vấn tâm lý để điều chỉnh, cân bằng lại hành vi và cảm xúc. Tình trạng nặng hơn có thể nhập viện, dùng hóa dược và các phương pháp kết hợp để điều trị. Do đó, người bệnh cần được thăm khám để có sự tư vấn kịp thời” - bác sĩ Vũ Sơn Tùng cho hay.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

Bên cạnh đó, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc phát hiện và điều trị trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.

Các gia đình nên dành thời gian quan tâm chăm sóc người phụ nữ sau sinh, tránh đặt ra các áp lực như giới tính, cân nặng của trẻ… lên vai người mẹ. Đặc biệt, người chồng nên đồng hành cùng vợ trong việc chăm sóc con cái, thấu hiểu và chia sẻ để vợ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Việc lắng nghe những tâm sự của phụ nữ sau sinh được xem là một trong những “liều thuốc” hữu hiệu nhằm sớm phát hiện bệnh, đồng thời giúp người thân có thể đồng hành cùng bệnh nhân để điều trị ổn định các bệnh lý tâm thần. 

H.Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI