Hãy làm từ thiện thật tử tế

23/09/2024 - 16:00

PNO - Bão lũ để lại hậu quả nặng nề cho đồng bào miền Bắc, không chỉ thiệt hại lớn về tài sản mà còn mất mát về người. Nghĩa cử “Người trong một nước phải thương nhau cùng” được người dân hai miền Nam và Trung thể hiện bằng những chuyến cứu trợ...

Bão lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền Bắc vừa qua đã lấy đi sinh mạng, của cải của nhiều người dân. Sự mất mát đó không thể nào đo đếm nổi, nhiều gia đình sau một đêm bỗng trắng tay, mất sạch của cải gầy dựng cả đời, mất nhà cửa, mất người thân. Cái ăn, cái mặc trước mắt trông chờ vào sự trợ giúp của những nhà hảo tâm. Vì vậy, ngoài các tổ chức nhà nước thì doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cũng cùng chung tay ủng hộ đồng bào từ nhu yếu phẩm, tiền bạc... Một trong số hàng cứu trợ thiết thực nhất là quần áo cũ đã qua sử dụng.

Số luọngq quần áo cũ được gửi cho chuyến đi từ thiện nhiều vô kể
Số lượng quần áo cũ được gửi cho chuyến đi từ thiện nhiều vô kể - Ảnh: Vũ Huỳnh

Mới đây, tôi được tham gia cùng người dân khu phố hỗ trợ sắp xếp phân loại quần áo trước khi mang đến nơi cứu trợ bà con vùng lũ miền Bắc. Ngoài những người cẩn thận sắp xếp quần áo gọn gàng, thẳng thớm từng loại rồi ghi chú rõ ràng bên ngoài, để người thực hiện công tác cứu trợ dễ dàng phân phát. Khi cầm những gói quà đó, dù không phải là đối tượng được nhận nhưng tôi cảm nhận rõ sự trân trọng của người gửi tặng. Chưa kể, những dòng chữ thân thương “Đồng bào miền Bắc cố lên!” “Chúc các anh/chị sớm hồi phục lại cuộc sống”... như sự động viên, tiếp sức cho người dân vượt qua cơn khốn khó.

Bên cạnh đó còn phần đông người làm từ thiện theo kiểu nhân... cơ hội bỏ rác. Khi mở những túi đồ vừa cũ vừa rách nát, thậm chí có cả đồ lót nam - nữ đã qua sử dụng đã ố màu, tôi thiết nghĩ, quần áo, đồ lót rất cần nhưng nếu quá cũ và ố màu như vậy là khá nhạy cảm và mất vệ sinh. Những món đồ lót đã dùng một lần, trao cho bản thân chúng ta, chưa chắc chúng ta đã sử dụng, nói gì đã nhàu nát, giãn thun, vàng ố đến khó coi... Có người trong nhóm tôi bảo: “Thật sự khi mở ra mình còn không dám cầm chứ nói gì đến mặc vào người. Đồng bào bị bão lũ mất trắng không còn gì nhưng nếu có lòng thì hãy mua cái mới, rẻ tiền cũng được để tôn trọng người nhận...”

Đồ lót xuống màu trông khá bẩn
Đồ lót xuống màu trông khá bẩn

Một chị khác nói: “Có khi chủ nhân của những món đồ này ngại đi vứt rác, thậm chí sợ tốn công vận chuyển, sẵn tiện có dịp vừa thể hiện nghĩa cử cao đẹp vừa có người “dọn rác” giùm nên mới cho kiểu “thượng vàng hạ cám” như vậy.

Chưa kể, khi ủng hộ đồng bào bão lũ, những chiếc đầm váy hoặc áo dây, các loại áo kiểu khá rườm rà phù hợp cho lễ tiệc cũng là một trong những vấn nạn mà chúng tôi cười ra nước mắt. Chị trưởng nhóm của tôi bảo: “Giữa cảnh đường sá hư hại, nồi cơm còn không có, đồng bào bị cô lập, lấy đâu ra lễ hội mà diện đầm váy. Thậm chí, nhà cửa bị nước cuốn, gia đình ly tán thì tâm trạng đâu mặc trang phục đẹp. Hay mặc đẹp để đón nhận cứu trợ?” Câu nói đùa vui của chị nhưng là thực tế đau lòng mà các “nhà từ thiện” cần đáng lưu tâm.

Đồng bào vùng lũ chỉ cần những bộ đồ lành lặn, dù cũ nhưng sạch sẽ giúp giữ ấm và bảo vệ cơ thể. Làm từ thiện không phải là lúc dọn tủ hay thanh lý đồ, mà cách mình suy nghĩ chọn lựa "cho đi" sao cho phù hợp với người cần. Một việc làm đúng sẽ được tri ân lâu dài. Một việc làm không đúng sẽ để lại hệ lụy cho người khác. Ví như chúng tôi, sau khi soạn đồ cũ, rách hoặc không phù hợp sẽ phải để lại tìm nơi khác để trao tặng tiếp hoặc phải tìm nơi tiêu hủy, vì quần áo là một trong số những chất phân hủy chậm, làm ảnh hưởng đến môi trường sống.

Một trong số những dòng ghi chú cẩn thận từ người tặng ( Ảnh: Vũ Huỳnh )
Một trong số những dòng ghi chú cẩn thận từ người tặng - Ảnh: Vũ Huỳnh

Cho không phải không phù hợp cũng cho, và nhận không phải cái gì cũng nhận. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ và xác định đúng đối tượng. Cách cho mới quan trọng, nên hưởng ứng lời kêu gọi thiện nguyện nhưng đừng ép mình làm theo... cho có hay để khoe khoang trên mạng xã hội, để thể hiện mình cũng có tấm lòng bác ái...

Làm từ thiện bằng cái tâm trong sáng và luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người được nhận để thấu hiểu và chia sẻ một cách đúng đắn. Khi đó, cả người cho đi và người được nhận cùng cảm nhận đúng giá trị tình thương yêu.

Vũ Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI