Người tiêu dùng nên chú ý chọn mua thiết bị tiết kiệm năng lượng vừa bảo vệ môi trường và tránh tiêu tốn về lâu dài
Mới đây, ngày 24/5/2023 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 14/2023/QĐ-TTg (QĐ14), trong đó, điều 3 của QĐ 14 là Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Bỏ qua phần tổ máy phát điện hiệu suất thấp, 2 phần đầu tiên của Điều này là loại bỏ nhóm thiết bị điện gia dụng và nhóm thiết bị văn phòng và thương mại khiến bà con có chút hoang mang. Bởi vì các thiết bị nằm trong 2 nhóm này ít nhiều gắn liền với đời sống của mọi người.
Hiểu rõ nội dung để mua sắm và sử dụng các thiết bị điện, thiết bị văn phòng trong đời sống hàng ngày, chúng ta cần chú ý:
Danh mục và lộ trình thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ được quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này. Đọc Phụ lục 1 chúng ta sẽ thấy đa số các thiết bị cấm sản xuất, kinh doanh từ ngày 15/7/2023 hoặc từ 1/4/2025 nếu không đạt tiêu chuẩn quốc gia. Đa số tiêu chuẩn này ban hành từ 2017 trở về trước. Nhưng theo Quyết định 04/2017/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực 25/4/ 2017) các thiết bị trong Phụ lục 1 đã buộc phải có dán nhãn Tiết kiệm năng lượng. Cho nên từ nay nếu mua sắm các thiết bị thiết bị điện gia dụng và nhóm thiết bị văn phòng và thương mại chỉ cần xem thiết bị đó có dán nhãn Tiết kiệm năng lượng là có thể yên tâm mua về sử dụng. Riêng bình đun nước nóng có dự trữ, máy điều hòa không khí không ống gió, máy thu hình, máy tính xách tay, máy tính để bàn, có 2 tiêu chuẩn sản xuất trước và sau năm 2017. Ví dụ, máy thu hình được sản xuất theo TCVN 9536:2012 vẫn có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, nhưng phải loại bỏ sau 1/4/2015 vì đã có Tiêu chuẩn thay thế là TCVN 9536:2021. Vì vậy, khi mua các thiết bị nói trên phải xem trong nhãn Tiết kiệm năng lượng ghi sản xuất theo tiêu chuẩn nào, nếu đúng theo tiêu chuẩn nêu trong Phụ lục 1 chúng ta mới mua.
Thật ra đối với mọi người hành vi tiêu dùng lệ thuộc vào bài toán kinh tế của gia đình mình. Tiếp tục sử dụng thiết bị điện không đáp ứng theo danh mục trong Phụ lục 1 kể trên hay mua sắm thay thế. Khi thiết bị điện hư hỏng người ta vẫn có thể đem ra tiệm để sửa chữa, rẻ hơn mua mới. Thậm chí mua sắm thiết bị mới không cần quan tâm đến có nhãn Tiết kiệm năng lượng hay không miễn rẻ là được (thường không có nhãn Tiết kiệm năng lượng thì rẻ hơn đáng kể). Tuy nhiên những cách sử dụng kể trên về lâu dài không phải là bài toán tiêu dùng thông minh vì hao phí tổng thể chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Cho nên, ngoài việc các bộ, ngành địa phương nghiêm túc thực hiện loại bỏ phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng theo danh mục trong QĐ14 nói trên, mọi người cần phải chủ động quan tâm đến tiết kiệm năng lượng khi mua sắm. Có như vậy chúng ta mới sử dụng hiệu quả tiền bạc của mình. Điện năng sẽ có giá thành ngày càng cao do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và do chính sách bảo vệ môi trường của cả thế giới.
Hãy tiết kiệm điện khi mua sắm thiết bị điện gia dụng để tiết kiệm tiền, bảo vệ môi trường và cũng là cách tiêu dùng thông minh.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.