PNO - Không chỉ là câu chuyện riêng về một gia đình trải dài hơn nửa thế kỷ, Bụi từ tâm còn như một tập phim tài liệu quay lại một cách hết sức trung thực, trong dòng chảy của một giai đoạn đất nước nhiều biến động
Đạo diễn Minh Nguyệt (ảnh) vốn được biết đến như một người dựng kịch tài hoa với những vở vừa nghệ thuật vừa ăn khách như Tôi chờ ông đạo diễn, Tiếng chim vườn ngọc lan, Cánh đồng bất tận… bên cạnh “ngón nghề” kinh doanh bất động sản cũng giỏi giang không kém. Biết chị từng là cô giáo dạy văn, lại có khả năng tự viết kịch bản cho mình dựng, song tôi cũng không khỏi bất ngờ khi nhận được cuốn hồi ký Bụi từ tâm mà chị viết về gia đình mình để tặng người cha kính yêu - người không chỉ sinh ra chị, mà còn giúp chị vững bước trên đường đời với lòng “từ tâm” học được ở cha mẹ những ngày thơ bé…
Thoạt đầu, tôi chưa hiểu ý nghĩa của tiêu đề Bụi từ tâm, nhưng khi đọc một mạch hơn hai trăm trang, nhắm mắt lại để tận hưởng cảm xúc ngọt ngào từ câu chuyện chị kể, tôi thật thán phục vì không thể có cái tên nào chính xác hơn ba từ “bụi từ tâm” mà chị đã chọn. Đó là hạt bụi của Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”, và của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Từng hạt bụi nhỏ, lăn qua bao kiếp luân hồi…”. Hạt bụi lăn qua thân người, sống cuộc đời trần thế, rồi trở về với cát bụi. Vậy nên, hãy là hạt bụi từ tâm, trao cho nhau lòng nhân ái khi còn cùng nhau ở dương gian, bởi tất cả rồi cũng sẽ tan biến vào hư không...
Với cách hành văn mộc mạc và chân tình, Minh Nguyệt cho người đọc “sống” cùng gia đình mình, bắt đầu từ lúc mẹ chị - một cô thiếu nữ nông thôn tuổi 20 nói với người bạn gái cùng ngồi dệt cửi: “Nếu chê anh ấy nghèo, chị không ưng thì tôi ưng”. Chính thái độ quyết liệt trong tình yêu đó, đã khởi đầu cho một cuộc hôn nhân đẹp như một bức tranh thêu theo thời gian càng lúc càng nhuận sắc, với sự ra đời của chín người con và một đàn cháu nối tiếp…
Cha chị vì hoàn cảnh, không được học hành nhiều, song là người thông minh, có đầu óc kinh doanh giỏi, có tâm hồn văn nghệ, thích làm thơ và thuộc nhiều thơ. Từ một bầy vịt được ông nội chị chia cho cha khi lập gia đình, cùng một gánh vải của bà ngoại để lại cho mẹ, cha mẹ chị đã chăm chỉ làm ăn, dựng nên một cơ ngơi giàu có bậc nhất ở quê nhà. Ông lại là một vị chức sắc trong đạo Cao đài, thấm nhuần tinh thần “thế giới đại đồng”, một thế giới chỉ có tình thương và lẽ thật, nên ông luôn biết chia sẻ với tha nhân bằng nhiều hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng, như bỏ tiền túi và kêu gọi Mạnh Thường Quân đóng góp xây trường học, mở chợ, tu bổ đường sá, lập hãng xe đò cho bà con có phương tiện đi lại… Ông sống tốt đời, đẹp đạo, nên được mọi người trong vùng thương yêu, quý trọng.
Mẹ chị tuy chỉ quanh quẩn ở nhà, song là một hậu phương vững chắc, thay ông quán xuyến trong ngoài cũng như nuôi dạy con cái. Bà còn là người nhân hậu, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo khó trong làng. Được lớn lên từ gốc rễ của cây “từ tâm”, nên dẫu cuộc sống không thiếu những gian nan, gập ghềnh, song các anh em chị đều hướng về ánh sáng cội nguồn, chọn lối sống đẹp, như lời cha chị từng dạy: “Các con hãy thương những kẻ chẳng thương con, chớ ghét những người con đáng ghét…”. Điều dễ khiến người đọc xúc động là chị kể về từng người trong gia đình, từ các anh, chị, em cho đến các cháu, con, dâu, rể… đều với một lời lẽ nồng ấm yêu thương trộn lẫn sự hàm ơn. Bởi dù trong hoàn cảnh nào, ở đâu, tất cả cũng đã trao tặng cho nhau những ân tình ruột thịt, điều không phải gia đình nào cũng có được.
Không chỉ là câu chuyện riêng về một gia đình trải dài hơn nửa thế kỷ, Bụi từ tâm còn như một tập phim tài liệu quay lại một cách hết sức trung thực, trong dòng chảy của một giai đoạn đất nước nhiều biến động mà gia đình Minh Nguyệt là một trường hợp điển hình. Sống trong vùng quản lý của bên này, nhưng gia đình chị có không ít người đi bên kia; hết bên này càn quét tới bên kia chiếm đóng… buộc con người ta ở giữa hai bờ phải lựa chọn. Rồi chiến tranh tàn phá, rồi thời cuộc đổi thay, khiến gia đình chị từ chỗ giàu có nhất làng trở thành tay trắng. Mọi người trong gia đình đều phải bỏ công việc chuyên môn, lăn ra đường kiếm sống. Những thử thách nghiệt ngã của hoàn cảnh có lúc tưởng như hủy diệt tất cả giềng mối của một gia đình, thế nhưng, chính sức mạnh của ý chí, được tưới tắm bởi tình thương ruột thịt, được vun bồi từ giáo huấn của đạo mà người cha chính là thuyền trưởng tài giỏi, đã đưa gia đình đến bến bờ bình yên.
Đạo diễn Minh Nguyệt là con thứ bảy trong số chín người con, ba trai, sáu gái. Chị cũng là người thừa hưởng rõ nét nhất những tinh hoa từ người cha như trí thông minh, tài kinh doanh, năng khiếu nghệ thuật… Cuộc đời chị cũng trải qua nhiều thăng trầm sóng gió, song như chị nói, noi theo gương cha mẹ, chị đã vượt qua và trưởng thành để không sân si, sống tử tế và thiện lương. Chị viết cuốn hồi ký với mục đích làm món quà tặng cha, đồng thời để con cháu sau này hiểu biết về nguồn gốc, về ông bà, cô chú… Nhưng cha chị chỉ mới đọc sơ vài đoạn trong bản thảo, chưa kịp nhìn thấy cuốn sách hoàn chỉnh thì ông đã ra đi trong một đêm giông gió cách đây ba năm. Và điều quý nhất ông để lại cho con cháu, cũng như cho tất cả người đọc chúng ta, là lời dặn rút tỉa từ chính cuộc đời mình, đó là hãy làm một hạt bụi từ tâm.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.