Một công dân dũng cảm trèo lên tầng cao phá cửa cứu người trong khói lửa hỏa hoạn; một cán bộ công an nhanh chóng cứu người đuối nước; một em nhỏ nhặt được của rơi mang trả lại cho người mất... Ngay sau đó họ được chính quyền, thầy cô khen thưởng, tất cả đều xứng đáng. Tôi tin rằng bằng khen đó sẽ mang đến cho họ lòng tự hào trong suốt cuộc đời.
|
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Gò Vấp, TPHCM) phát giấy khen cho học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng trở lên, dưới mức đóng này thì chỉ nhận thư khen. Ảnh: Nhà trường |
Khen thưởng là biện pháp quản lý của người lãnh đạo. Nó nhằm khuyến khích động viên cấp dưới làm việc tốt hơn theo định hướng của tổ chức. Ban tặng giấy khen, bằng khen tuy dễ mà khó. Điều kiện quá cao thì chẳng ai muốn phấn đấu. Ngược lại quá dễ dãi thì mất giá trị của khen thưởng. Và quan trọng hơn là khen thưởng phải đúng người, đúng việc, đúng hoàn cảnh, không thì phản tác dụng.
Khi đọc tin một hiệu trưởng trường tiểu học cấp giấy khen cho những học sinh đã quyên góp từ 100.000 đồng trở lên để cứu trợ đồng bào bị nạn trong cơn bão Yagi, tôi nghĩ đó là chuyện đùa trên mạng. Bởi tôi không tin một nhà giáo lại so sánh tấm lòng thiện nguyện của các em học sinh bằng giá trị tiền bạc. Tình cảm và tấm lòng của mỗi học sinh đối với đồng bào gặp khó khăn do bão lũ không thể được đo đếm bằng con số cụ thể. Đây là hành động tự nguyện, tùy thuộc vào khả năng tài chính và hoàn cảnh của từng gia đình.
Cùng một số tiền đối với em này chỉ là tương đương một ngày tiêu vặt. Đối với em khác là cả một tuần dành dụm. Chưa nói đến xin tiền cha mẹ cho để quyên góp. Mà điều kiện gia đình của mỗi em mỗi khác. Để đánh giá tấm lòng của các em qua số tiền đóng góp là một cách làm thiếu công bằng và phản giáo dục. Nhiều em sẽ thấy xấu hổ vì mình không đủ khả năng tài chính để được nhận khen thưởng như bạn bè.
Lẽ ra hiệu trưởng chỉ cần biểu dương dưới cờ việc các em đã nhiệt tình đóng góp một cách chung chung là đủ. Mà những em nhận được giấy khen ấy có thật sự tự hào hay không? Hay trong thâm tâm chỉ thấy đó là một cuộc trao đổi, mua bán.
Nhân đây cũng nói về việc khen thưởng trong trường học. Nhớ ngày xưa đi học, hàng tháng mỗi lớp có 3 bạn được nhận bằng danh dự. Tổng kết học kỳ, tổng kết năm học cũng chỉ có 3 bạn. Cũng chẳng có thắc mắc, ngạc nhiên vì học chung với nhau, sức học từng người cả lớp đều biết.
Nhưng ngày nay, hầu như cả lớp đều là học sinh giỏi với số điểm 9, 10 đỏ chói. Và để phân biệt lại phải phát sinh danh hiệu học sinh xuất sắc, tức là trên cả giỏi. Người ta đã hạ cái chuẩn của giỏi xuống bằng cách tạo ra 1 tầng lớp học sinh xuất sắc. Thế là kết quả của năm học cả lớp chủ yếu chỉ có giỏi và xuất sắc. Nhiều trẻ và phụ huynh ngộ nhận rằng con em mình giỏi, thậm chí rất giỏi, từ đó dẫn đến thiếu ý thức kèm cặp rèn luyện hoặc lại kèm cặp theo một điều kiện khắt khe để trẻ có thể trở thành “thiên tài”.
Khen thưởng là con dao hai lưỡi, cần tỉnh táo, nếu khen đúng lúc, đúng người chúng ta sẽ xây dựng được những thế hệ đầy lòng nhân ái. Ngược lại chúng ta có thể tạo ra 1 thế hệ chạy theo thành tích, trong môi trường giáo dục lại càng nguy hiểm hơn.
Nguyễn Thu Đăng