Hãy hy vọng ở trẻ tự kỷ

29/04/2017 - 06:30

PNO - Đánh thức ban mai là tập sách về trẻ tự kỷ của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà. Bản thân chị đã có nhiều tháng năm làm người trong cuộc và lắng nghe bố mẹ của các trẻ tự kỷ sẻ chia.

Hay hy vong o tre tu ky
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà

Phóng viên: Theo chị, có thể hy vọng gì ở những em bé tự kỷ?

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà: Mình nghĩ hy vọng để nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, để xác định đúng hướng cho con hòa nhập với cuộc sống, để con có thể có cuộc sống bình thường nhất: biết tự phục vụ, nuôi sống bản thân, biết làm một nghề nào đó đơn giản (như bán hàng, trồng hoa màu, sửa chữa vật dụng đơn giản…) để sinh sống.

Và trong một số trường hợp cá biệt, những trẻ tự kỷ và chậm phát triển có thể có một năng khiếu nổi trội nào đó mà nếu biết cách chăm bồi, sẽ phát triển… Tuy nhiên, không nên hy vọng quá nhiều vì dễ dẫn đến ảo tưởng, sẽ khó khăn trong việc giúp trẻ hòa nhập, thậm chí dễ gây ra nản chí, tuyệt vọng. Phải biết chấp nhận thực tế để cải thiện thực tế theo hướng tích cực nhất, tốt nhất cho trẻ tự kỷ.

 Điều gì khiến chị trăn trở với các bé tự kỷ? 

Đó là sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng đối với các bé tự kỷ nói riêng và cộng đồng người tự kỷ nói chung. Sự khó khăn trong giao tiếp và tiếp xúc với thế giới bên ngoài sẽ hạn chế rất nhiều điều trong cuộc sống; nếu không có sự thấu hiểu và sẻ chia, người tự kỷ sẽ không cách nào hòa nhập được.

Chứng tự kỷ không có thuốc chữa và gần như không thể chữa khỏi hoàn toàn. Như vậy, những trẻ mắc tự kỷ, dù được can thiệp sớm, cũng chỉ giúp cho các em cải thiện phần nào về tâm lý. Trẻ tự kỷ lớn lên sẽ là những người lớn tự kỷ. Hiện nay, mọi người dường như chỉ quan tâm đến việc điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ và gần như “bỏ ngỏ” đối với thanh niên mắc tự kỷ. 

Theo chị, hiện gia đình, xã hội đã có sự ứng xử đúng mực với trẻ tự kỷ chưa?

Không như trước kia, tự kỷ hiện đang được hiểu, nhận được sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, đa số mọi người vẫn còn không hiểu rõ về vấn đề này. Chính vì hiểu sai nên tự kỷ bị kỳ thị. Nhiều người cho rằng người tự kỷ hoàn toàn vô dụng, thậm chí làm phiền gia đình và xã hội.

Về phía gia đình, điều tích cực là các bậc làm cha, làm mẹ đã hiểu biết nhiều hơn, chủ động nhiều hơn trong việc đồng hành cùng con. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều gia đình đã giao hoàn toàn con mình cho các trung tâm, các trường chuyên biệt và có rất ít sự hỗ trợ tích cực, số khác lại nản chí, buông xuôi. Đồng thời, vẫn còn quá nhiều gia đình giấu tình trạng của con mình do mặc cảm, xấu hổ…

Xin chị chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ về trẻ tự kỷ?

Khi cuốn sách Đánh thức ban mai ra đời, có người mẹ tên Lam ở Thuận An, Bình Dương gọi đến cho tôi. Cô ấy đã xin địa chỉ để đến Cà Mau, nơi tôi đang sống. Tôi nói mình sắp lên Sài Gòn nên sẽ gặp ở đó cho đỡ xa xôi. Ngày tôi lên, do quá bận rộn nên không gọi cho Lam được.

Lam nhìn thấy dòng tin tôi ghi lên facebook nên đã gọi, cô ấy nói sẽ đợi tôi xong việc. Lúc đó là 3 giờ chiều, tôi sắp lên xe về Cà Mau, mới nhớ đến Lam, vì nghĩ chỉ gặp nói chuyện thông thường thôi nên không quá chú ý, nhưng Lam tha thiết lắm…

Tôi gọi cho Lam; 15 phút sau, Lam đến, cùng đi với cô ấy là một bé trai khoảng sáu tuổi, con cô ấy. Cháu không biết nói, hò hét, quăng quật và chưa làm chủ được việc đi vệ sinh… Cháu gần như không biết gì cả, kể cả khi mẹ gọi.

Lam gần như quỳ xuống chân tôi khóc nức nở khiến tôi cũng quỳ xuống và tâm hồn chấn động mạnh. Con cô ấy tự kỷ, trường chuyên biệt nơi cô ấy đưa con theo học khuyên mang con về tự dạy vì mấy năm trời, con cô ấy không hợp tác, không mảy may tiến bộ.

Lam đã đưa con đi tìm rất nhiều chuyên gia cho đến khi đọc cuốn sách và xin tôi hãy cho cô ấy lời khuyên và chút sức lực. Tôi bắt đầu chơi với thằng bé, không rõ là do sự đồng cảm hay do kỹ thuật, thằng bé bắt đầu hợp tác và tôi nói Lam hãy thử đi…

Trong một phút giây hiếm hoi, thằng bé chạm mắt mẹ. Lam như nín thở… Chiều ấy, tôi trễ chuyến xe về Cà Mau. Sự kiên trì, nhẫn nại và tình yêu thương của mẹ sẽ làm thay đổi con mình.

Võ Thu Hương
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI