Hãy hôn nhau đi…

03/07/2020 - 05:54

PNO - Một cái hôn nhẹ nhàng lên má để trao nhau năng lượng đầu ngày, để biết vợ chồng còn thương nhau, cần có nhau bên cạnh.

Nhóm bạn chúng tôi đi chơi ở Vũng Tàu. Bình minh trên biển thật đẹp và yên bình. Trời hừng lên một màu hồng. Tia nắng còn trốn ở đâu đó để chiếc áo mây thêm nhiều màu sắc. Vợ chồng Sơn và Tâm ngồi ngắm bình minh ngay phía trước tôi. Tâm dụi đầu vào vai chồng, giọng nũng nịu: “Sáng nay anh quên chưa hôn em đó nghen”. Sơn ồ lên: “Vậy hả? Để anh hôn bù nghen”. 

Cái hôn chụt vào má vợ của Sơn khiến tôi lây theo cảm xúc êm đềm và ngọt ngào của họ. Thấy tôi nhìn, Tâm mỉm cười thẹn thùng quay đi. Tôi ngưỡng mộ bạn quá chừng, U50, đã có cháu ngoại, vậy mà hai người vẫn nồng nàn với nhau.

Tôi tò mò hỏi Tâm: “Sáng nào vợ chồng bạn cũng hôn nhau à?”. Tâm kể đó là quy ước của hai vợ chồng từ hồi mới cưới. Nhiều bữa vợ chồng giận nhau, lên giường mỗi đứa quay mỗi hướng. Sáng ra theo lệ thường, ai thức trước thì hôn người kia, hôn rồi mới nhớ tối qua còn giận nhau, ngượng ngùng nhìn nhau rồi bật cười. Vậy là huề.

Cũng có khi nhớ đang giận nhau, nhưng vẫn nhắm mắt hôn đại một cái. Đâu có sự hòa giải nào dễ thương đến vậy, nên bấy nhiêu năm, chưa khi nào vợ chồng hờn giận quá hai ngày.

Nụ hôn môi thời thanh xuân là biểu hiện tình yêu nồng cháy, còn hôn má là biểu hiện của thương. Yêu có thể phai nhạt theo thời gian, nhưng thương vẫn còn hoài ở đó, dẫu mái tóc pha sương. Thương thì nên hôn. Một cái hôn nhẹ nhàng lên má để trao nhau năng lượng đầu ngày, để biết vợ chồng còn thương nhau, cần có nhau bên cạnh. Hôn để gắn kết nghĩa vợ chồng bền chặt, cần lắm phải không?

Hãy hôn nhau đi
Hãy hôn nhau đi


Tôi nhớ ba má chồng mình. Năm đó ba có vợ bé. Má tới tận nơi nhìn tận mặt ba rồi về. Má chỉ nhìn thôi là ba sợ, bỏ luôn cô kia. Nhưng sự tổn thương trong lòng má không dễ chữa lành. Má không nói chuyện với ba, có chuyện cần thì nhắn qua con cái. Ba chồng tôi nỗ lực chuộc lỗi, làm phụ má mọi việc để má vui. Nhưng má vẫn lặng lẽ không chịu mở lời. 

Năm đó, vợ chồng tôi tổ chức chuyến đi Đà Nẵng để hòa giải ba và má. Năn nỉ gãy lưỡi má mới chịu đi. Suốt chuyến đi má vui vẻ ngắm cảnh, thưởng thức đặc sản cùng con cháu nhưng vẫn không nói chuyện với ba, xem ba như vô hình. Ngày cuối cùng của chuyến du lịch, má đột ngột lên huyết áp, ngất lịm.

Trước khi đẩy má vào phòng cấp cứu, ba chồm tới hôn lên mặt má, thầm thì: “Bà ráng khỏe nghen, tui chờ bà ở đây”. Tôi tin má nghe được lời đó của ba, cảm nhận được cái hôn xiết bao run sợ của ba nên lúc tỉnh lại, câu đầu tiên má hỏi là: “Ba đâu con?”. Ba ào tới, kề sát vào mặt má. Lần này má không né tránh, cũng không lạnh nhạt, giọng má khẽ khàng: “Tui chưa chết, ông đừng lo quá”. Cái hôn hòa giải của ba khiến má hiểu rằng ba luôn cần có má, vẫn thương má như thuở nào…

Cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực, khiến người ta mệt mỏi nên lười yêu, lười thể hiện cảm xúc. Một cái hôn lên má đâu có mất bao nhiêu thời gian, nhưng lại thể hiện thông điệp rất rõ ràng: chúng mình là vợ chồng và chúng mình thương nhau. Gian nan sỏi đá đường đời, cái hôn của người kia để biết mình luôn được yêu thương, gian nan mấy cũng thành nhỏ bé.

Tôi chẳng biết mở lời thế nào để… rủ rê chồng hôn, thôi thì tự mình thực hành trước. Tôi tin chồng chẳng thể từ chối cái hôn yêu thương của vợ. Và, yêu thương trao đi sẽ nhận lại yêu thương. Tình nhạt rồi sẽ lại nồng. 

Thuỳ Gương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI