Hãy hỏi vì sao họ rời đi

25/02/2022 - 06:33

PNO - Trạm y tế phường nằm trong mạng lưới y tế cơ sở (YTCS), là tuyến y tế gần dân nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân.

Lần đầu tiên sau hơn 40 năm sinh sống tại Q.10, TPHCM, tôi mới có dịp bước đến trạm y tế phường. Đó là lúc tôi đi làm thủ tục hoàn thành cách ly sau thời gian tự điều trị COVID-19 tại nhà. Khi đó, trạm chưa có bác sĩ nên  tôi phải qua phường khác để được ký xác nhận hồ sơ.

Nhân viên y tế phường test nhanh COVID-19 cho người có triệu chứng
Nhân viên y tế phường test nhanh COVID-19 cho người có triệu chứng

 Trạm y tế phường nằm trong mạng lưới y tế cơ sở (YTCS), là tuyến y tế gần dân nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân. Nghị quyết số 20-NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe trong tình hình mới xác định “y tế dự phòng là then chốt, YTCS là nền tảng”. Theo đó, hệ thống YTCS phải quản lý, theo dõi sức khỏe của từng hộ, từng người dân trên địa bàn, có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu, hạn chế nhập viện để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện.

Theo các quy định hiện hành, trạm y tế phường, xã, thị trấn phải đảm trách 19 chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em, lao, tâm thần, da liễu, HIV, người cao tuổi, khám nghĩa vụ quân sự, vệ sinh môi trường, sốt rét, nha học đường, tiêm chủng mở rộng, truyền thông sức khỏe, bệnh không lây, khám bảo hiểm y tế (BHYT)…Gần đây, trạm y tế còn phải tham gia phòng, chống dịch COVID-19, quản lý, hướng dẫn và điều trị cho người mắc COVID-19 (F0) tại nhà.

Có quá duy ý chí hay không khi các nhiệm vụ hàng đầu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân đang bị “chất đống” lên lưng hệ thống YTCS vốn còn đầy bất cập về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, chính sách phát triển nguồn nhân lực? 

Trên thực tế, người dân đến với YTCS để sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc tham vấn về bệnh tật chiếm tỷ lệ khiêm tốn do chưa có niềm tin vào chất lượng dịch vụ. Ngay tại Trạm y tế P.5, Q.3 - mô hình điểm của TPHCM, nơi có bác sĩ tuyến trên trực tiếp khám bệnh, có sự hợp tác chuyên môn từ các bệnh viện hàng đầu của thành phố - số lượng người đến khám BHYT vẫn thấp, trước dịch COVID-19 chỉ khoảng hơn 100 bệnh nhân/tháng. 

Qua công tác giám sát, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM - ngao ngán về cơ chế: “Người dân đến khám bệnh ở trạm y tế rồi lại phải lên xếp hàng ở các bệnh viện lấy thuốc. Cử tri kiến nghị cơ quan bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế cần nghiên cứu tạo điều kiện cho người cao tuổi, người có bệnh mãn tính được nhận thuốc BHYT định kỳ tại các trạm y tế thay vì phải đến các bệnh viện nhằm giảm áp lực cho tuyến trên và thuận lợi cho người dân hơn”.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng thẳng thắn đánh giá về YTCS: “Khối lượng công việc thuộc chức năng đã nhiều, số lượng nhân viên y tế ở mỗi trạm lại quá ít. Vì vậy, một trong những bài học hết sức quan trọng rút ra từ các đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua là phải củng cố, nâng cao năng lực YTCS. Muốn vậy, ưu tiên số một vẫn là bổ sung nhân lực cho YTCS”. Để hiện thực hóa điều này, trong năm 2022, Sở Y tế TPHCM đã đưa 297 bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp về thí điểm thực hành lâm sàng tại 310 trạm y tế.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Bùi Minh Trạng - Giám đốc Viện Tim TPHCM - cần giải quyết một số vấn đề gốc rễ của YTCS nói chung, nhân lực YTCS nói riêng. Sắp tới, dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, bổ sung sẽ được trình Quốc hội; nếu được thông qua tại kỳ họp tới, luật sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2023. Luật mới dự kiến cho phép trạm y tế cấp xã có giường lưu bệnh trong 72 giờ, nghĩa là nhân sự ở trạm phải có chứng chỉ hành nghề để điều trị. Nếu khoảng cách về thu nhập, đãi ngộ còn lớn thì bất cứ nhân viên y tế nào hội đủ điều kiện đều muốn bỏ YTCS để lên tuyến trên hoặc chuyển sang hệ thống y tế tư nhân để có thu nhập và cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn.

“Ở các bệnh viện tuyến trên, cơ hội nâng cao khả năng nghề nghiệp, cơ hội học hành nhiều hơn, họ dễ trở thành chuyên gia có uy tín hơn. Cơ sở ở tuyến dưới ngại cho người ta đi học do lo rằng, khi trình độ cao hơn, nguy cơ nghỉ bỏ nhiệm sở cũng cao hơn. Ngoài nhu cầu được đào tạo, rèn luyện, cần luân chuyển bác sĩ và nhân viên y tế chứ không nên buộc họ ở mãi YTCS được” - bác sĩ Bùi Minh Trạng nói.

Còn nhiều vấn đề về YTCS cần được mổ xẻ. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu một đề xuất nhỏ: để đánh giá chính xác các vấn đề của YTCS, nên có những khảo sát khoa học với chính những người đã từng rời bỏ YTCS. Hiện nay, trong các chương trình nghiên cứu cấp bộ, sở, các bản mẫu khảo sát chỉ chủ yếu dành cho những người còn bám trụ với YTCS. Như vậy, sẽ không thể nắm được chính xác thực trạng, sự bất cập của YTCS và những gì đang khiến nhân sự của YTCS chưa yên tâm làm việc, cống hiến. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI