Hãy hỏi con vì sao chúng muốn "bùng nổ"

03/05/2022 - 09:59

PNO - Đôi khi, chính phụ huynh (vô ý) trở thành địa ngục của con, nhân danh lòng thương con mà ép con, làm cho con mệt mỏi, chán nản và hành động tiêu cực.

Vừa qua, MV “There's no one at all" của ca sĩ Sơn Tùng MTP ra mắt đã vấp phải làn sóng tẩy chay dữ dội của một bộ phận phụ huynh có con trong độ tuổi 10-18. Nguyên nhân do MV sử dụng hình ảnh được cho là cổ súy giới trẻ tự tử.

Hình ảnh về MV There's no one at all của ca sĩ Sơn Tùng MTP
Hình ảnh về MV "There's no one at all" của ca sĩ Sơn Tùng MTP

Trong khi các vị phụ huynh lo sốt vó thì thực tế trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều em học sinh nói rằng chúng không để tâm lắm đến chi tiết nhân vật trong MV đi tự tử. Các em quan tâm đến giai điệu bài hát, Sơn Tùng dùng kỹ thuật phòng thu gì, hiệu ứng có tốt không, màu sắc của MV có đẹp không, thời trang trong MV có bắt mắt không, góc máy có nghệ thuật không...

Khi tôi hỏi: “Xem MV, con có bị ám ảnh dẫn đến hành vi tiêu cực không?”, 2 trong số 3 trẻ teen trong nhà trả lời rằng "không", 1 trường hợp còn lại thì trả lời: "Bản thân con thì không, nhưng có thể với các bạn có suy nghĩ tiêu cực mà gặp bế tắc thì MV sẽ gợi ý cho bạn đó dẫn đến hành động tự hủy". 

Bọn trẻ lý giải rằng, vấn đề mấu chốt để đưa một học sinh đến hành động tự tử là do bế tắc trong suy nghĩ, áp lực trong học hành, áp lực từ quan hệ bạn bè, trẻ bị bắt nạt, ức hiếp hoặc bị lạm dụng... Và chiếc MV hay hành động tiêu cực nào đó của thần tượng chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi.

Trên thế giới mạng, còn vô số các tác phẩm bi thương, bế tắc, cổ suý bạo lực và hành động tiêu cực, phụ huynh không đủ sức và không thể kiểm soát hết.  Phụ huynh chỉ có thể trò chuyện với con hàng ngày để biết con đang vui hay đang buồn, con đang bị áp lực gì, bế tắc ở chỗ nào và có thể đưa ra gợi ý giải pháp…

Ước mơ, mong muốn của con là gì? Làm cách nào để con suy nghĩ thông suốt? Điều gì khiến con hạnh phúc, mà hạnh phúc đó phải xuất phát từ suy nghĩ của con chứ không phải từ suy nghĩ áp đặt của cha mẹ.

Thậm chí, đôi khi chính phụ huynh (vô ý) trở thành địa ngục của con, nhân danh lòng thương con mà ép con phát triển theo ý thích của mình, làm cho con mệt mỏi, chán nản và hành động tiêu cực. Đến lúc đó, nhiều phụ huynh lại đổ lỗi cho xã hội mà không chịu nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm của mình.

Áp lực, yêu cầu từ cha mẹ mới chính là nguồn cơn khiến trẻ muốn bùng nổ (Ảnh minh họa)
Áp lực, yêu cầu quá sức từ cha mẹ mới chính là nguồn cơn khiến trẻ muốn bùng nổ (Ảnh minh họa)

Các con cũng nói tôi thử đọc đoạn viết được hơn 2.400 lượt share trên Facebook của tài khoản Mô Mô (nickname của một bạn trẻ đang là học sinh lớp 12) để tìm hiểu vì sao cả ngàn đứa trẻ teen đồng ý với bài viết.

Chủ tài khoản này đã chia sẻ: “… Bảo trẻ em sẽ kéo nhau tự tử vì cái MV của Sơn Tùng còn hài hơn, nếu sự việc đó có xảy ra thì nó suy cho cùng cũng chỉ là cái trigger (bùng nổ) cuối cùng của bao nhiêu thứ mà đứa trẻ đó phải chịu đựng để chọn đi đến con đường tự sát. Hỏi thử có ai đang sống vui vẻ hạnh phúc, gia đình, ba mẹ yêu thương không gây áp lực quá mức, ủng hộ con cái theo đuổi đam mê, tạo điều kiện học tập thuận lợi cho con phát triển tự nhiên, chăm lo cho sức khoẻ và tâm sinh lý của nó đầy đủ... mà nó đi xem cái MV xong nó lại muốn đi chết không?

Hay là do một số quý phụ huynh suốt ngày "áp lực mới tạo ra kim cương” bắt con mình không phải thành thần đồng cũng phải là học sinh giỏi quốc gia. Đi thi không được điểm 9 thì cũng phải là điểm 10? Ở nhà bực là lôi con ra chửi, lôi con ra xả tức. Một năm ăn chửi thì nhiều, mà đào một lời khen ra từ quý phụ huynh thì còn khó hơn tìm thấy kim cương?”.

Nếu được nghe ý kiến bọn trẻ, tôi nghĩ các phụ huynh sẽ nghiêm túc nhìn nhận những vấn đề của con mình, không đổ hết trách nhiệm cho một nghệ sĩ, một tác phẩm nghệ thuật hay bất cứ ai ngoài kia và sẽ tự hỏi mình quan tâm con đủ chưa và đúng chưa. MV đã được gỡ khỏi Việt Nam, Sơn Tùng cũng đã xin lỗi, nhưng đừng ai vội lấy kết quả đó làm yên tâm. Bọn trẻ vẫn có thể đổi IP để "cày view" cho "sếp Tùng" lên "top trending" quốc tế hoặc nếu không phải là fan của Sơn Tùng thì nghe sự vụ “ầm ĩ” quá trẻ cũng phải “leo rào” bằng nhiều cách để xem MV cho biết.

Mà cho dù không có ca khúc There’s no one at all của Sơn Tùng thì vẫn còn nhan nhản những MV, những bộ phim, clip có nội dung tự huỷ hoại trên thế giới mạng, liệu chúng ta có dọn dẹp được không?

Và "dọn dẹp" rồi thì sao nữa? Trẻ con có phải vì thế mà thôi hành động dại dột nếu cha mẹ vẫn không hiểu chúng? Mong các phụ huynh hãy cùng bàn luận về câu hỏi này.

Cảnh Hân (Bình Dương)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI