Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên GAIA:

Hãy hiểu, yêu và sẵn sàng hành động vì thiên nhiên

18/04/2021 - 16:57

PNO - Lớn lên với tình yêu cây cối, chim chóc, chị Đỗ Thị Thanh Huyền chọn theo ngành sinh học rồi đến với nghề bảo tồn môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Chị nói về nghề bằng sự say mê, tràn đầy năng lượng và hạnh phúc, dẫu nghề chị chọn trong mắt nhiều người chẳng khác nào “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Suốt hai mươi năm, chị Huyền miệt mài đi từ Bắc vào Nam, theo chân các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn thiên nhiên. Khi chị rời đi cũng là lúc GAIA ra đời. Chọn tên của nữ thần đất mẹ trong thần thoại Hy Lạp để đặt, chị Huyền nuôi khát khao dựng nên một tương lai mà ở đó, con người có thể thấu hiểu và sống hòa hợp với thiên nhiên.

Hoạt động chủ yếu của GAIA tập trung vào truyền thông, giáo dục như tổ chức trại hè, chương trình trải nghiệm thiên nhiên, khóa học “trường rừng” cho các bạn trẻ và các em học sinh.

Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên GAIA:
Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên GAIA

Một dấu ấn nổi bật khác của GAIA chính là chương trình Góp một cây là góp rừng, kêu gọi mọi người tham gia trồng rừng đầu nguồn tại vườn quốc gia, các khu bảo tồn từ Bắc chí Nam. Sau khi góp cây để trồng, người góp sẽ được GAIA cập nhật để biết cây họ đã trồng lớn như thế, có gặp vấn đề gì không... 

Chị Huyền chia sẻ, các trường cũng có thể tham gia trồng và giám sát một khu rừng mang tên trường. Khu rừng này sẽ trở thành địa điểm học tập hằng năm lý tưởng cho nhà trường, trong rất nhiều môn học khác nhau, như sinh học, toán, vật lý, hóa học, nghệ thuật, văn học... “Những trải nghiệm về thiên nhiên đến từ các hoạt động thực tiễn là cách giáo dục bảo vệ môi trường hiệu quả nhất. Tôi tin, khi một đứa trẻ yêu và gắn bó với thiên nhiên, lớn lên chúng sẽ dành cho thiên nhiên sự cân nhắc cẩn trọng để tìm giải pháp ổn thỏa trước mục tiêu phát triển chung”.

Tạo cơ hội cho người trẻ hành động 

Phóng viên: Yêu môi trường từ bé, từng làm việc cùng rất nhiều tổ chức quốc tế về môi trường như WWF (tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên), Plan… vì sao mãi đến năm 2016 chị mới thành lập GAIA?

Chị Đỗ Thị Thanh Huyền: Tôi luôn tin rằng đi cùng nhau sẽ đi xa hơn. Gần 20 năm, tôi luôn đi cùng với các tổ chức rất uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng, các hoạt động giáo dục truyền thông môi trường có lẽ chưa được nhìn nhận đúng về tầm quan trọng và tác động của nó. Nếu một dự án bị thiếu tiền, phần giáo dục sẽ bị cắt đi đầu tiên, do nhà tài trợ không nhìn thấy ngay được kết quả mà hoạt động giáo dục mang lại.

Do đó, tôi quyết tâm thành lập GAIA với nỗ lực tập trung vào các hoạt động giáo dục để mọi người hiểu, yêu, biết cách và sẵn sàng hành động vì thiên nhiên, vì một tương lai nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên.

* GAIA đã “bổ sung” những mặt hạn chế nào mà trong suốt quá trình tham gia những tổ chức quốc tế trước đó, chị nhận thấy họ chưa làm được?

- Việc gây quỹ cộng đồng để giải quyết các vấn đề cộng đồng khá mới trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. GAIA có lẽ là tổ chức tiên phong trong việc thu phí tham gia hoạt động/các kỳ trại của mọi người. Người tham gia là nhà tài trợ của chính họ. Tôi nhận thấy, khi ai đó sẵn sàng tài trợ cho bản thân để hoạt động cùng GAIA, họ nhiệt tình tham gia vào hoạt động hơn nhiều so với việc họ được mời dự phần một chương trình miễn phí. Và vì vậy, chúng tôi có cơ hội lớn hơn nhiều để truyền tải thông điệp bảo vệ thiên nhiên đến mọi người.

* Chủ điểm của GAIA là chọn giáo dục, truyền thông để tác động và làm thay đổi từ ý thức đến hành vi bảo tồn thiên nhiên. Đó là một hành trình dài và đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn. Lý do nào khiến chị chọn con đường gian nan như vậy?

- Tôi thấy hầu như mọi vấn đề về thiên nhiên đều xuất phát từ con người. Vì vậy, tôi muốn tìm ra cách hài hòa nhất để bảo tồn thiên nhiên mà vẫn mang lại lợi ích cho con người. Và giáo dục là con đường bền vững, hiệu quả lâu dài nhất, giúp tạo ra một thế hệ biết cư xử thân thiện, biết sống hòa hợp với thiên nhiên. Có rất ít người hiện thực sự tâm huyết với công tác giáo dục truyền thông môi trường ở Việt Nam. Tôi hy vọng thời gian tới điều này sẽ được cải thiện. 

* Từ hoạt động ngoại khóa đến thực tiễn còn khoảng cách khá xa và chịu nhiều tác động từ ngoại cảnh. Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách ấy?

- Quả thực, từ giáo dục đến hành động là cả một khoảng cách dài, có khi tới 10 năm, 20 năm, thậm chí cả một đời người. GAIA đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách ấy bằng cách tạo cơ hội cho các bạn trẻ được hành động ngay để góp phần tham gia bảo tồn thiên nhiên, ví dụ như việc góp cây cho rừng, lan tỏa các câu chuyện bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đến mọi người.

* Trong hành trình đó, có lúc nào chị chùn bước hoặc cảm thấy đơn độc?

- Có rất nhiều lần gặp khó khăn, tưởng chừng không thể tháo gỡ nhưng tôi luôn nghĩ lại lý do vì sao mình bắt đầu, để rồi tôi lại có thêm động lực mạnh mẽ để tiếp bước. Thật may mắn là hơn 20 năm làm việc vừa qua, tôi hầu như không cảm thấy mình phải đi làm một ngày nào bởi mỗi ngày được làm việc vì thiên nhiên, với tôi đều là ngày sung sướng, hạnh phúc.

* Gần 5 năm nhìn lại, với chị đâu là những cột mốc đáng nhớ nhất của GAIA?

- Khi thành lập vào năm 2016, chúng tôi bắt đầu với các hành trình trải nghiệm thiên nhiên cho trường học. Từ đó đến nay, GAIA phát triển thêm nhiều chương trình khác nhau, dựa vào nhu cầu thực tế của người Việt, để giải quyết các vấn đề bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Ví dụ như chương trình trồng rừng, chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, chương trình rác thải nhựa và sống xanh.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều thách thức, trong đó, thách thức gần và nổi bật nhất là quá trình gây quỹ cộng đồng và xin chủ trương gây trồng 50ha rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cà Mau. Thật mừng là sau rất nhiều nỗ lực, tâm huyết, khu rừng ở Cà Mau của chúng tôi được khoanh nuôi và sẽ chuyển biến 50ha bãi bồi này thành rừng ngập mặn trong vòng sáu năm tới. 

Tôi luôn tâm niệm, mỗi thử thách đều là một cơ hội để chúng tôi trưởng thành hơn, đóng góp tốt hơn nữa cho công cuộc bảo tồn thiên nhiên Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi luôn bình tĩnh đón nhận mọi thách thức và tìm ra cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất. 

Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ con người 

* Theo quan sát của chị, ý thức về môi trường của người Việt những năm gần đây đã chuyển biến như thế nào?

- Tôi thấy khá mừng là gần đây, không chỉ các bạn trẻ mà cả người dân và cán bộ lãnh đạo đã quan tâm hơn đến việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Có lẽ phần nào đó mọi người đã bắt đầu “thấm đòn” và phải gánh chịu hậu quả của việc tàn phá thiên nhiên, như thiên tai bão lũ ở miền Trung, hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TPHCM.

Một dấu ấn nổi bật khác của GAIA chính là chương trình Góp một cây là góp rừng
Một dấu ấn nổi bật khác của GAIA chính là chương trình Góp một cây là góp rừng

Quả thực, môi trường là cuộc sống, sẽ đến ngày việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên trở thành tất yếu, trở thành chuyện quan trọng hàng đầu, vì thiên nhiên đáp ứng cho chúng ta mọi nhu cầu cơ bản từ ăn, mặc, ở… Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ chính chúng ta.

* Ở giai đoạn nhận thức của người dân về môi trường ngày một khác, khi biến đổi khí hậu tác động lên đời sống ngày một rõ rệt hơn và nhanh hơn thì kế hoạch phát triển của GAIA trong tương lai sẽ có những thay đổi nào so với trước đây?

- Trong thời gian tới, GAIA sẽ nỗ lực hơn nữa không chỉ trong việc giáo dục mọi người mà còn tham gia hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, ví dụ như thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, hạn chế rác thải nhựa, sống xanh thân thiện với thiên nhiên.

* Khi quá yêu một cái gì đó, người ta thường bỏ quên mình. Cũng có người vì quá yêu môi trường mà trở nên khắc kỷ với bản thân và những người xung quanh. Chị thì sao?

- Mọi người, kể cả người thân trong gia đình cũng hay bảo: sao khổ thế, học hành đàng hoàng, người ta thì đi Tây đi Tàu, còn cô này suốt ngày chỉ thấy đi rừng đi rú, đi bản làng. Thế nhưng, tôi không thấy mình khổ. Ngược lại là đằng khác, tôi thật sự hạnh phúc với công việc mình đang làm.

Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn công việc này dù quả thật những người thân bên cạnh tôi cũng chịu thiệt thòi vì không được tôi chăm sóc chu đáo như những người khác. Vậy nên, tôi luôn cố gắng hết sức để có thể cân bằng mọi việc xung quanh. 

* Chị truyền lửa cho những người đồng hành và thế hệ kế thừa như thế nào?

- Một trong những hoạt động tôi rất tâm huyết là làm việc với các bạn trẻ, giúp các bạn ấy định hướng tương lai hoặc truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên để sau này, khi các bạn ấy thành đạt, dù ở lĩnh vực nào cũng sẽ không quên thiên nhiên, không ra những quyết định tổn hại lớn đến thiên nhiên.

Chính vì vậy, hiện nay, GAIA đang làm việc với rất nhiều bạn trẻ trong các chương trình khác nhau. Tôi hy vọng và tin rằng các bạn ấy sẽ cùng tôi lan tỏa thông điệp yêu thương thiên nhiên đến nhiều người hơn.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Hoàng Linh Lan (thực hiện). Ảnh: T.H.

 

 

 


 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI