Hãy hiểu và thương những người đang có bệnh về tinh thần

21/02/2022 - 14:58

PNO - Những ngày qua, câu chuyện nam sinh viên quê Bình Định vào TP.HCM nhập học nhưng đã tự tử ở sông Sài Gòn gây bàng hoàng dư luận. Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trao đổi cùng chị Trần Thu Hà - nhà báo, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, tác giả của ba cuốn sách bán chạy gồm "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay" và "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc" - về vấn đề sức khỏe tinh thần.

Phóng viên: Là người liên tục lên tiếng về vấn đề sức khỏe tinh thần, theo chị, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Chị Trần Thu Hà: Tôi nhớ lúc dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, mọi phương tiện truyền thông đều đăng tải và cập nhật thông tin về nó, về triệu chứng, đường lây nhiễm và cách phòng ngừa… nên chúng ta chỉ cần thấy bản thân, người nhà, hàng xóm có triệu chứng tương tự là lập tức nghĩ ngay đến COVID-19. Đó là do sự đồng lòng của truyền thông, từ khu phố đến văn phòng công ty, báo, đài, các group trên Zalo, Viber, Facebook Messenger, sự truyền tai. Cảnh giác là vậy đó.

 

Chị Trần Thu Hà trong một buổi trao đổi với phụ huynh về vấn đề sức khỏe tinh thần
Chị Trần Thu Hà trong một buổi trao đổi với phụ huynh về vấn đề sức khỏe tinh thần

Với sức khỏe tinh thần, tôi cứ ước, giá mà chúng ta cũng được phủ sóng với thật nhiều thông tin, để đủ nhạy cảm lắng nghe, nhìn thấy, cảm nhận được ngay từ những biểu hiện đầu tiên nhỏ xíu, như cách chúng ta lắng nghe tiếng hắt xì của mọi người xung quanh.

Tôi đã gặp rất nhiều người đã và đang bất ổn về sức khỏe tinh thần nhưng chính họ không nhận biết mình bất ổn, hoặc có thì rất mơ hồ, cho đến khi mọi thứ trở nên trầm trọng. Chính tôi cũng như vậy. Ngày xưa, khi tôi bị mất ngủ, tôi chỉ biết đi chữa mất ngủ; khi tôi bị chàm da, tôi tới bệnh viện da liễu; khi đau dạ dày, tôi chữa ở khoa tiêu hóa. Mấy năm trời sau, tôi mới biết rằng, hóa ra những bệnh đó của tôi, chỉ cần những liệu pháp nâng cao sức khỏe tinh thần là khỏi hết. Nên chúng ta, ngay từ lúc này, hãy luôn quan sát mình, kể cả làn da, giấc ngủ, cơn nóng giận, niềm vui, nỗi buồn.

* Làm thế nào để số đông quan tâm tới vấn đề về sức khỏe tâm thần, thưa chị?

- Tôi đã tìm hiểu, trao đổi với nhiều chuyên gia về đề tài này, và luôn khát khao rằng, chúng ta đẩy mạnh truyền thông và giáo dục hơn nữa ở trường, ở nhà, nơi công cộng để mọi người ý thức hơn về đời sống tinh thần của mình. Có một khảo sát về tuổi thọ khiến chúng ta bất ngờ. Để sống thọ, yếu tố quan trọng bậc nhất không phải là thể thao, thực phẩm sạch mà chính là đời sống tinh thần và sự kết nối xã hội. Một đời sống tinh thần tốt ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất, ảnh hưởng hơn bất cứ điều gì, kể cả thực phẩm, sự vận động.

* Chị nghĩ sao về tác động của sự lắng nghe, chia sớt, động viên?

- Chăm sóc một bệnh nhân trầm cảm khó gấp ngàn lần chăm sóc những người bệnh khác bởi nhìn bên ngoài, bệnh nhân hoàn toàn bình thường, thậm chí còn to khỏe hơn ta. Tôi từng ở cạnh bệnh nhân trầm cảm và tôi hiểu, phải thật kiên nhẫn, rất kiên nhẫn, thấu cảm và bình an. Điều tốt nhất lúc này là nên bỏ bớt những lời giáo điều, những chất vấn kiểu như “sướng vậy sao lại bệnh”, hay giục giã “hãy cố nghĩ đến điều vui”, “suy nghĩ tích cực lên”, “phải quên đi chứ”.

Những điều này chỉ khiến bệnh nhân khép chặt lòng mình hơn, càng cảm thấy mình kém cỏi, phiền toái, càng nghĩ mình cô độc, nói ra chắc gì người khác hiểu. Chúng ta có thể sẵn lòng gánh giúp việc khi đồng nghiệp bị tai nạn, bị bệnh về thể chất, nhưng đâu có ai vui vẻ làm giúp khi có người bỗng nhiên lười, bỗng nhiên chán làm, bỗng nhiêu cáu giận? Nhưng biết đâu, họ chính là một bệnh nhân trầm cảm trong hình hài một người khỏe mạnh, lành lặn chân tay.

* Xã hội nên làm gì để mỗi người có sức khỏe tinh thần tốt?

- Chúng ta đã được xã hội định nghĩa và cổ vũ quá nhiều về sự tích cực, tươi vui, kiên trì, năng lượng lạc quan… mà quên mất con người ai cũng có những góc khuất, những lúc mệt mỏi, cạn năng lượng, mất cân bằng. Nên có lẽ, không ai dễ dàng chấp nhận góc khuất của người khác, thậm chí không chấp nhận góc khuất của chính mình.

Chẳng ai gọi người bị bỏng, bị gãy chân là thiếu đạo đức, nhưng các biểu hiện về bệnh tinh thần lại thường bị xếp vào đạo đức. Trong nhà trường, tiêu chí xếp loại hạnh kiểm là năng động, nhiệt tình, kết nối tốt với bạn bè, tích cực tham gia các hoạt động, hòa đồng… và được ghi thẳng vào trong học bạ. Trong công sở, những biểu hiện này cũng được mang ra để bình xét thái độ, tư cách vào cuối quý, cuối năm. Phần trái ngược lại là những gì chắc các bạn cũng biết. Đâu ai nghĩ rằng, một nhân viên mấy tháng này bỗng trở nên thụ động, không kết nối với đồng nghiệp, lầm lì, nóng nảy, uể oải, hay từ chối… đôi khi là do sức khỏe tinh thần họ đang không tốt chứ họ không phải là nhân viên xấu, kém đạo đức. Họ đang cần được giúp đỡ, cần hỗ trợ thêm chứ không phải bị đào thải. 

Cách đây hơn 70 năm (1948), Tổ chức Y tế Thế giới đã định nghĩa “sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần, xã hội và không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật. Nhưng vế sau, chúng ta vẫn còn hay quên lắm. Thực sự đã đến lúc cần đánh giá con người đa chiều hơn, công bằng hơn để thấu cảm, hiểu và thương cả những người đang có bệnh về tinh thần. 

Tạ Khánh Tâm (thực hiện
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI