“Hãy gọi dì bằng tiếng mẹ đi con”

06/12/2023 - 11:36

PNO - Dì về làm dâu với sự xa lánh của 3 đứa con chồng, với những lời bóng gió gần xa chuyện mẹ ghẻ con chồng.

“Hãy sống bằng tình thương, đừng lạnh lùng ích kỷ thế

Chấp nhận về với bố con mình, dì làm mẹ kế

Bố nghĩ cũng vì thương con…”.

Ngày ba đưa dì về ra mắt mấy chị em sau 4 năm mẹ ra đi, ba đã nói với tôi như vậy. Trong đầu óc dở người lớn dở trẻ con của đứa con gái sớm phải lo toan chuyện gia đình, dẫu mới chưa đầy 13 tuổi lúc bấy giờ, tôi nghĩ dì là người đang rắp tâm chia rẽ tình cảm, muốn thay thế vị trí, hình ảnh của mẹ trong ngôi nhà của cha con tôi. Từ ý nghĩ ấy, không chỉ ghét dì, tôi còn xui em trai mình cũng bày tỏ thái độ xa lánh, dửng dưng, chống đối.

Dì theo ba về làm vợ, làm mẹ bất đắc dĩ, chỉ đơn sơ vài mâm cơm, không váy cưới, không xe hoa, cũng chẳng có tiếng pháo nổ vu quy. Dì về làm dâu với sự xa lánh của 3 đứa con chồng, với những lời bóng gió gần xa chuyện mẹ ghẻ con chồng. Là con gái thôn quê, dì có một tâm hồn bao dung, chân chất. Có dì, ngôi nhà bớt cô quạnh, ba bớt đăm chiêu suy nghĩ và những bữa ăn đã ngon ngọt cơm canh.

Ba là bộ đội, xa nhà biền biệt. Từ khi sinh ra và những năm tháng ấu thơ, chị em chúng tôi chỉ quẩn quanh bên mẹ và ông bà nội ngoại. Những lần ba về phép đếm trên đầu ngón tay. Cha con chưa kịp quen hơi lại phải xa nhau. Những con búp bê, những món đồ chơi ba mang về làm sao khỏa lấp được tình cảm ruột thịt.

Ba của tác giả (thương binh Nguyễn Hữu Tình) và dì Trần Thị Ngân đã 20 năm sống bên nhau
Ba của tác giả (thương binh Nguyễn Hữu Tình) và dì Trần Thị Ngân đã 20 năm sống bên nhau

Rồi ba cùng đơn vị được điều sang chiến trường K. Với quân hàm đại úy, ba thành chuyên gia quân sự và cố vấn cho địa phương nơi đóng quân. Trong một lần đi cơ sở, đoàn xe của ba bị phục kích; mấy đồng đội hy sinh và ba cũng để lại chân phải của mình nơi xứ người. Ba được đưa về nước chữa trị rồi giải ngũ với tấm thẻ thương binh 2/4. 

Ba trở về, dẫu không lành lặn, nhưng gia đình được đoàn tụ. Mẹ thôi cảnh đằng đẵng ngóng trông mỗi chiều, chị em tôi có người chỉ bảo, bày học mỗi tối. Hạnh phúc đời thường bình dị ấy ngỡ sẽ lâu dài. Nhưng đến năm tôi học lớp Bốn, em trai bước vào lớp Hai thì mẹ ngã bệnh. Sau hơn 1 tháng chống chọi, mẹ qua đời trong sự tiếc thương của 2 bên nội ngoại và sự đau khổ tột cùng của cha con tôi.

Vết thương chiến tranh, vết thương lòng làm ba dường như ngã quỵ. Chị em tôi được nội ngoại bao bọc, yêu thương. Sự ra đi đột ngột của người vợ hiền khiến tóc ba bạc trắng khi tuổi chưa đến 40. Chúng tôi giờ được ở gần bên ba thì lại thiếu bóng hình mẹ; bữa cơm đầy đủ, ấm cúng không còn như xưa.

Vốn quen với đường binh nghiệp, về đời thường, ba lại vụng về. Từ ruộng vườn đến nấu nướng, tắm rửa, giặt giũ cho con, ba làm lóng ngóng cùng chiếc chân giả và đôi nạng gỗ, nhìn thật thương. Rồi ba con còn làm ruộng, chăn nuôi. Cuộc sống cơ bản tạm ổn. Chỉ biết rằng, mỗi tối khuya, bày cho chị em tôi học xong, ba lại ra đầu hồi hút thuốc, ngồi mãi tận khuya. Có lẽ ba nhớ mẹ nhiều.

Khi vết thương lòng đã nguôi ngoai, với sự thúc giục của anh em, đặc biệt là bà ngoại; nhờ sự mai mối, ba đã đến tìm hiểu dì. Lúc bấy giờ, chúng tôi nào đã hiểu sự khó khăn của gia đình khi thiếu bàn tay của người phụ nữ, nào đã hiểu nỗi thăm thẳm, vời vợi cô đơn của ba, đâu nghĩ đến khi chúng tôi trưởng thành rồi con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Chúng tôi cứ lạnh lùng, dửng dưng trước sự chăm sóc ân cần của dì. Những bữa cơm đã sum vầy mà không thấy sự ấm cúng. Giữa chị em tôi và dì vẫn còn một khoảng cách khó vượt qua. 

Khi dì có bầu, chúng tôi lại càng ghét dì. Chúng tôi sợ em sẽ là bức tường ngăn cách cha con tôi, sẽ chia sẻ tình cảm của ba. Đến ngày, đứa con của ba và dì (em trai chúng tôi) ra đời. Ba lặng người khi em sinh ra phải nằm trong lồng kính, chẳng thể ngồi dậy, chẳng thể chạy nhảy. Chúng tôi chẳng còn ganh tị với em, cũng chẳng còn ghét dì. 

Khoảng cách giữa dì và chúng tôi được rút gần lại. Một lần, em bị sốt xuất huyết, phải nằm viện, chúng tôi mới thay đổi cách nhìn, mới yêu thương dì thật lòng. Nhìn dì túc trực, chăm cho em từng muỗng cháo, mắt thâm quầng vì mất ngủ bởi vừa chăm con chồng vừa lo cho con mình đã khiến tôi thực sự cảm động. Em khỏe mạnh, ra viện, dì làm một mâm cơm để cảm ơn tổ tiên phù hộ, đồng thời cũng để liên hoan. Trong khoảnh khắc nghẹn ngào ấy, tôi và em trai đã xúc động bày tỏ sự biết ơn, nhưng vẫn chưa thể thay đổi cách xưng hô để được gọi dì bằng mẹ thân thương.

Rồi tôi học xong, ra trường, lấy chồng quê người. Em trai tôi cũng bước vào giảng đường. Phận làm dâu, tôi mới vỡ lẽ, mới thấy thương dì - mẹ hơn. Giá như thời gian quay lại. Giá như chúng tôi đã không vô tâm dửng dưng. Chắc lúc ấy, dì tủi thân lắm. Sang sông một chuyến đò chiều, rồi lại gặp cảnh mẹ gà con ngan. Dì lầm lũi vào ra trong chính ngôi nhà mình dành cả phần đời còn lại để yêu thương. Mỗi khi về lại ngôi nhà ấu thơ, nhìn hình bóng ba và dì nương tựa vào nhau trong bóng chiều bên bậu cửa, chị em tôi lại nghèn nghẹn một lời tạ lỗi: Mãi xin được gọi dì bằng tiếng mẹ thiêng liêng. 

Thiện Ánh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI