Hãy giúp người già sống khỏe, sống vui

22/09/2023 - 06:31

PNO - Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng tuổi khỏe mạnh lại không tương xứng.

Năm nay 72 tuổi, bà M. đi đứng khó nhọc do đau thần kinh tọa, hậu quả của một đời buôn gánh bán bưng. Trước đây, bà có vài lần được các đoàn bác sĩ khám từ thiện. Bác sĩ nói bà bị cao huyết áp, suy tim và phát cho một ít thuốc. Nhưng lần khám bệnh hồi tháng 8/2023 ở Trạm Y tế phường 2, quận Tân Bình, TPHCM - nơi bà cư trú - thì khác. Bà được khám bệnh, siêu âm, thử máu, lưu danh sách để theo dõi sức khỏe thường xuyên. Tất cả đều miễn phí. 

Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

Việc khám sức khỏe miễn phí như trên là một phần trong kế hoạch khám, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi (NCT) giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo do UBND TPHCM triển khai. Theo kế hoạch này, mỗi năm, chính quyền thành phố sẽ chi 150 tỉ đồng để khám sức khỏe cho 1 triệu NCT, cả thường trú lẫn tạm trú. 

Cách đây gần 20 năm, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng - giai đoạn quý nhất của mỗi quốc gia khi số người lao động nhiều gấp đôi số người phụ thuộc. Theo các nhà kinh tế học, giai đoạn dân số vàng chính là bệ phóng đưa các quốc gia nhanh chóng phát triển.

Thế nhưng, giai đoạn vàng này lại sắp qua nhanh khi Việt Nam nằm trong số những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Vào năm 2019, số người Việt từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12%, nhưng dự báo đến năm 2050, sẽ tăng lên 25%, nghĩa là cứ 4 người, sẽ có 1 người trên 60 tuổi.

Tốc độ già hóa dân số nhanh ở nước ta là do tỉ lệ tử vong giảm, tuổi thọ tăng, tỉ lệ sinh giảm mạnh. Dân số già đặt ra yêu cầu rất lớn về chăm sóc sức khỏe cho người già. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những vấn đề sức khỏe phổ biến ở NCT là giảm thính lực, đục thủy tinh thể, viêm xương khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, ung thư, bệnh tim mạch, trầm cảm và sa sút trí tuệ. 

Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng tuổi khỏe mạnh lại không tương xứng. Những năm cuối đời, đa số người già phải sống chung với bệnh tật và hậu quả của chúng.
Không chỉ có sức khỏe kém, phần lớn người già Việt Nam còn đối mặt với tình trạng khó khăn về kinh tế. Theo khảo sát của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện vào năm 2021, gần 46% người Việt từ 60-69 tuổi, 30% người Việt từ 70-79 tuổi và 10% người Việt trên 80 tuổi vẫn phải lao động kiếm sống. Kinh tế khó khăn khiến người ta gặp hạn chế trong việc chăm sóc bản thân, khó tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ y tế. Lâu ngày, sức khỏe sa sút, bệnh tật phát sinh.

Chăm sóc sức khỏe người già là một trong những ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà Liên hiệp quốc đã chọn giai đoạn 2021-2030 là Thập kỷ lão hóa khỏe mạnh (Decade of Healthy Ageing) với mục tiêu cải thiện và tạo sự bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe người già, trong đó có việc phân phối các dịch vụ y tế cơ bản và chăm sóc sức khỏe lồng ghép, lấy con người làm trung tâm.

Ở nước ta, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn coi trọng việc chăm sóc sức khỏe người già. Năm 2009, Luật NCT ra đời cùng hàng loạt nghị quyết, nghị định và thông tư đi kèm. Kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở NCT giai đoạn 2024-2025 do UBND TPHCM triển khai cũng nằm trong chủ trương này.

Già hóa dân số là điều khó tránh khỏi và không thể đảo ngược. Đó là một thách thức nhưng cũng là cơ hội nếu hiện thực hóa được mục tiêu “lão hóa khỏe mạnh” nhằm góp phần phát triển kinh tế đất nước. Để làm điều này, chăm sóc sức khỏe người già là bước đi đúng đắn và thiết thực. Người già khỏe mạnh vẫn là một lực lượng lao động tốt. Họ có thể tạo thu nhập cho bản thân và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Phan Sơn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI