Hãy giúp người đúng cách

30/11/2023 - 06:13

PNO - Trong số các vụ ngộ độc xảy ra trong những tháng đầu năm nay, có không ít vụ ngộ độc do ăn đồ phát miễn phí.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong. Tuy nhiên, chỉ mới 7 tháng của năm 2023, cả nước đã xảy ra 60 vụ ngộ độc thực phẩm với 860 người nhập viện, có đến 12 người tử vong. Trong số các vụ ngộ độc xảy ra trong những tháng đầu năm nay, có không ít vụ ngộ độc do ăn đồ phát miễn phí.

Thân nhân người bệnh đến Bếp yêu thương trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy để nhận cơm - Ảnh: Phạm An
Thân nhân người bệnh đến Bếp yêu thương trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy để nhận cơm - Ảnh: Phạm An

Tháng 2/2023, bà N.T.T. (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đi chợ mua nguyên liệu về nấu chè đậu trắng nước cốt dừa, đựng trong bịch ni lông nhỏ, phát miễn phí cho người dân trong xóm và người đi đường nhân ngày rằm tháng Giêng. Đến tối cùng ngày, 88 người ăn chè này có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó có 35 người nhập viện cấp cứu, 1 người tử vong.

Ngày 29/9, ban quản trị một chung cư ở TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức tết Trung thu cho các bé trong chung cư. Chủ hộ kinh doanh ở chung cư này đã tài trợ 210 phần bánh su kem, phát tặng cho khoảng 200 người. Sau khi ăn bánh, gần 20 trẻ phải nhập viện nghi do ngộ độc, 1 trẻ tử vong. 

Tặng suất ăn từ thiện là nghĩa cử cao đẹp, san sẻ với người khó khăn, người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, người tặng suất ăn nhất thiết phải bảo đảm rằng suất ăn mình tặng phải an toàn. Muốn vậy, họ phải bảo đảm nguyên liệu an toàn, quá trình chế biến, phân phát phải an toàn. 

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM - trừ ngộ độc do methanol, nhiều năm qua, TPHCM không xảy ra vụ chết người do ngộ độc thực phẩm cho đến khi có vụ bé gái tử vong sau đêm Trung thu. Theo bà, thực phẩm phát từ thiện không nhằm mục đích kinh doanh nên không cần đăng ký, đóng thuế. Không đăng ký kinh doanh nên cơ quan chức năng không thể thẩm định, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, việc quản lý những thực phẩm từ thiện vẫn còn nhiều khoảng trống và chưa có cách quản lý hiệu quả.

Thực phẩm từ thiện hay không từ thiện vẫn phải đảm bảo an toàn. Khi xảy ra sự cố thì người bán hay người tặng đều phải chịu trách nhiệm. Do đó, cần có các quy định yêu cầu thẩm định, cấp phép đối với các cơ sở chế biến, cung cấp suất ăn từ thiện. Cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm cho người dân và giám sát các bếp ăn tập thể trên địa bàn; tập huấn kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhóm chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phát thức ăn miễn phí tại các điểm công cộng. 

Đó là yêu cầu đặt ra về mặt quản lý. Về phần mình, chính các cá nhân, tổ chức có hoạt động phát suất ăn từ thiện phải ý thức sâu sắc về vấn đề an toàn thực phẩm, bằng cách nói không với thực phẩm bẩn, trang bị cho mình và những người liên quan kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối suất ăn. Người nhận thực phẩm từ thiện cũng cần tập thói quen dùng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tự trang bị kiến thức về bảo quản thực phẩm an toàn.

Sự chia sớt khó khăn, sự yêu thương đùm bọc nhau là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Phát cơm từ thiện cũng là hoạt động tốt đẹp, giàu ý nghĩa. Nhưng nếu suất ăn từ thiện đến tay người nhận không chỉ thơm ngon, no lòng mà còn giàu dinh dưỡng, an toàn với sức khỏe, mới thực sự ý nghĩa. Các suất ăn đựng trong hộp xốp đậy kín, trong bịch ni lông, thức ăn trộn lẫn vào nhau, được chở bằng xe ba gác, phát bên lề đường đầy nắng, bụi, liệu có an toàn hay không?

Do vậy, cả người cho lẫn người nhận đều phải luôn ý thức về an toàn thực phẩm. Ăn không chỉ để no, để ngon mà quan trọng là để khỏe.

Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI