Hãy dũng cảm thay đổi!

09/03/2017 - 09:18

PNO - Be Bold for Change (Hãy dũng cảm thay đổi) - chủ đề của ngày Quốc tế phụ nữ (PN) 8/3 năm nay do các tổ chức nữ quyền chọn là tuyên ngôn xốc dậy tinh thần không chỉ của nữ giới mà của cả cộng đồng.

Sự thay đổi lan tỏa mọi ngóc ngách tư duy mới là cú hích tạo nên cộng lực hướng đến một xã hội phát triển, nơi bất cứ ai cũng có quyền nhận diện giá trị bản thân. Thông điệp Be Bold for Change mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm xé toạc những giới hạn cũ kỹ thay vì chỉ là lời cam kết kêu gọi bình đẳng như thông điệp chủ đề năm 2016 (Pledge For Parity).

Bước ngoặt bứt phá

Truyền thông thế giới có cùng nhận định: ngày Quốc tế PN năm nay mang màu sắc khác hẳn nhiều năm trước. Be Bold for Change kêu gọi tất cả cùng chung tay tạo nên sự thay đổi. Bất kể bạn mang giới tính nào, bạn cũng là mắt xích không thể thiếu trong cộng đồng của bạn. Đặc biệt là ở Mỹ, phong trào cất tiếng nói vì nữ quyền bỗng trở nên sôi sục hơn bao giờ hết. Khởi nguồn là sự kiện Women’s March (Cuộc diễu hành vì PN) ngày 21/1, một ngày sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, hàng triệu PN và cả nam giới, không chỉ ở Mỹ mà ở các thành phố lớn trên thế giới như Paris (Pháp), London (Anh), Berlin (Đức), Sydney (Úc)… đồng loạt xuống đường, bật lại những lời lẽ đanh thép mà ông Trump nhằm thẳng vào nữ giới. Vì đó là những lời lẽ thô tục, đi ngược với hệ quy chiếu của nền văn minh nhân loại. Theo thống kê, có khoảng 700 cuộc tuần hành lớn nhỏ đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu, thu hút 4,5 triệu người tham gia.

Trong lịch sử hiện đại, quả thật chưa có ngày Quốc tế PN nào mà thông tin về những cuộc tuần hành vì nữ quyền nhiều như năm nay. Tuần hành ở London (Anh) diễn ra ngày 5/3 với hàng ngàn PN xuống đường lêu gọi quyền bình đẳng giới, yêu cầu hỗ trợ nhiều hơn cho những PN là người tị nạn. Nhà hoạt động nhân quyền người Anh gọi đây là ngày trả lại bình đẳng giới.

Các nhà hoạt động nữ quyền ở Ba Lan đã kết nối với các nhà hoạt động nữ quyền ở Hàn Quốc, Nga, Argentina, Ireland, Israel và Italia để tổ chức sự kiện ngày 8/3 với tên gọi International Women’s Strike (Ngày Quốc tế PN đình công). Một trong những hoạt động chính của sự kiện này là A Day Without A Woman (Ngày không PN). Vào ngày đó, những nhân viên điều dưỡng yêu chuộng nữ quyền sẽ tạm rời xa bệnh nhân, những tài xế ủng hộ bình đẳng sẽ không đón khách, các nhà khoa học muốn bảo vệ PN sẽ rời phòng thí nghiệm… Họ sẽ xuống đường diễu hành, nói không với bất bình đẳng trong kinh tế, về tình trạng bạo lực mà nam giới gây ra cho PN. Bà Ai-jen Poo, Giám đốc Liên minh lao động trong nước của Mỹ cho biết, cũng trong ngày 8/3, sẽ có cuộc tuần hành đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nữ giới trong môi trường làm việc; từ tiền lương đến các chế độ phúc lợi xã hội.

Women’s March chính là làn gió tạo sự lây lan vì PN hiện diện trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống. Chính những ai ủng hộ Women’s March sẽ tiếp tục có mặt trong hàng loạt cuộc tuần hành sắp tới của Mỹ. Đó là March for Science (Diễu hành vì khoa học) ngày 22/4, People’s Climate March (Diễu hành vì môi trường) ngày 29/4 và Immigrants March (Diễu hành vì người nhập cư) ngày 6/5. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà nữ quyền chọn Women’s March là sự kiện đầu tiên cho chuỗi các cuộc xuống đường ở Mỹ và sau đó lan tỏa trên phạm vi toàn thế giới.

Bà Debra Hauser, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ Advocates for Youth (Đứng về người trẻ) cho biết, mỗi ngày, trên thế giới có 830 PN chết vì mất sức hay những căn bệnh do quá trình sinh con thiếu an toàn, nguy hiểm gây ra. Hầu hết họ là những người ở các quốc gia có thu nhập thấp. Mỗi năm, thế giới chứng kiến khoảng 2 triệu PN phá thai ở các dịch vụ ngoài luồng đầy rủi ro và hàng ngàn người mất mạng hàng năm cũng vì dịch vụ không đảm bảo này. Bà Debra Hauser nói: “Chúng ta cần phải suy ngẫm về những con số này và tiếp tục nỗ lực vì PN. Đó là lý do chúng ta cần nhớ đến ngày Quốc tế PN nhiều hơn, liên tục hơn, nếu muốn thế giới này phát triển bền vững".

Ngày 3/3, trước thềm ngày Quốc tế PN, nghị sĩ Ba Lan, ông Janusz Korwin-Mikke thẳng thừng tuyên bố rằng PN kiếm ít tiền hơn đàn ông là chuyện đương nhiên vì theo ông, PN yếu hơn, nhỏ bé hơn và kém thông minh hơn. Nữ nghị sĩ Tây Ban Nha Iratxe Garcia Perez ngay lập tức đáp trả bằng lời lẽ thấm thía: “Tôi ở đây để bảo vệ tất cả PN châu Âu khỏi những người đàn ông như ông”. Chủ tịch Quốc hội Ba Lan đã ra lệnh điều tra chống lại tuyên bố của ông Korwin-Mikke. Cụ thể, ông này có thể sẽ bị khiển trách, phạt tiền hoặc tạm đình chỉ chức vụ. Phát biểu của ông Janusz Korwin-Mikke chính là “cái tát” vào nỗ lực của toàn châu Âu kêu gọi bình đẳng giới.

Tôn trọng nữ quyền từ mỗi gia đình

Anh Byron Hurt (người Mỹ) là một trong những ông bố ủng hộ bình đẳng giới, ủng hộ nữ quyền nhưng anh không nói bằng lời mà anh hành động. Byron có cô con gái nhỏ và tất cả những gì anh có thể làm là giúp con hiểu con có quyền đón nhận thế giới như cách mình mong muốn. Byron sẵn sàng chia sẻ công việc nhà với vợ. Anh nói: “Tôi muốn con gái mình lớn lên với suy nghĩ bất cứ ai cũng có thể lao vào làm việc nhà, đó chẳng phải chuyện của đàn ông, cũng chẳng phải nghĩa vụ của đàn bà”. Theo anh, bất bình đẳng xuất phát từ những điều rất gần gũi và khi mỗi người dũng cảm xóa đi nếp nghĩ quen thuộc, bình đẳng sẽ hiển hiện.

Cô Catherine Hill, chuyên gia về bình đẳng giới thuộc Hiệp hội PN các trường đại học Mỹ cho rằng: “Bạn không chỉ vun đắp một đứa trẻ tôn trọng nữ quyền mà bạn cần xây dựng một tổ ấm bình quyền”. Nơi đó, mức thu nhập hay số lượng công việc nhà không phản ánh ưu thế vượt trội của bất cứ cá nhân nào. Thay vào đó, tình yêu thương và sự tôn trọng mới là yếu tố then chốt. Mở rộng ra, theo Catherine Hill, xã hội cần phải dỡ bỏ những giới hạn cứng nhắc về vị trí và vai trò của nữ giới, không có ngành nghề thuộc về nam giới hay nữ giới. Để có cách tư duy hiện đại đó thì ngay từ nhỏ, những đứa trẻ không có khái niệm màu sắc hay bất cứ món đồ chơi nào là nữ tính hay nam tính. Đó là cội rễ của sự bình quyền mà chính người lớn đã vô tình đóng khung cho những đứa trẻ.

Quả ngọt ấy chính là những cá nhân trưởng thành với sự tự tin mình có quyền được tôn trọng vì là chính mình. Chia sẻ trên tờ Femina về ý nghĩa của sự bình quyền, nữ diễn viên, người mẫu được yêu thích bậc nhất Ấn Độ Sonam Kapoor đã kể câu chuyện đời mình. Năm 13 tuổi, ở độ tuổi dậy thì, với gương mặt xinh đẹp và vóc dáng yêu kiều, Sonam Kapoor từng bị quấy rối, bị soi mói, chỉ trích bởi vẻ ngoài nổi bật. Ở Ấn Độ, nếu một cô gái bị quấy rối bằng lời nói, thậm chí bị tấn công tình dục thì định kiến xã hội trước tiên sẽ quy chụp chính nạn nhân là người ăn mặc hoặc có cử chỉ không phù hợp mới dẫn đến sự việc ngoài ý muốn. Với Sonam Kapoor, đó là cách nghĩ cho thấy sự ấu trĩ của lối tư duy mà quan niệm bất bình đẳng giới đã thâm nhập quá sâu.

May mắn, cô có bố mẹ luôn đứng về phía mình. Từ khi Sonam còn nhỏ, bố cô, tài tử Anil Kapoor, một người tôn trọng nữ quyền, đã dạy cho cô điều quan trọng nhất là sự đối xử bình đẳng. Ông công bằng với ba con (hai gái, một trai). Đây là hình mẫu xử sự giúp Sonam nhận ra chỉ có sự bình đẳng, trách nhiệm và tình thương mới giúp duy trì mối liên kết gia đình bền vững. Đó là chìa khóa cho cô bước vào đời, đối diện với những định kiến nặng nề mà xã hội đè nặng lên PN. Khi bị quấy rối, Sonam không ngại nói với bố mẹ, điều mà không phải một bé gái nào ở Ấn Độ cũng dám nói ra nếu gặp tình huống tương tự.

Sonam Kapoor rút ra hai điều quan trọng từ kinh nghiệm bản thân mà những cô gái đang sống trong môi trường đầy định kiến, bất bình đẳng giới cần ghi nhớ. Trước tiên, mỗi cá nhân phải tự ý thức nhận diện mức độ của từng hành vi quấy rối, xâm phạm tình dục. Bất cứ ở đâu, PN cũng cần phải cảnh giác và có quyền từ chối bất cứ lời nói, cử chỉ nào khiến mình không thoải mái. Thứ hai, khi tình huống ngoài ý muốn xảy ra, PN tuyệt đối không được đổ lỗi cho bản thân.

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra chương trình tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ ở các bộ (từ 11 lên 15%), ở các doanh nghiệp nhà nước (từ 14 lên 18,5%) năm 2017. Nhật Bản cũng đặt chỉ tiêu có 30% lãnh đạo là nữ giới năm 2020, tỷ lệ này hiện nay là 10%... Rất nhiều chính sách hướng đến bình đẳng giới đề ra nhưng điều quan trọng nhất và cốt lõi nhất chính là xây dựng môi trường tôn trọng nữ quyền từ từng gia đình, từ những đứa trẻ.

Thế giới năm 2017

50% PN ở độ tuổi lao động có việc làm, tỷ lệ này ở nam giới là 77%.

PN chỉ chiếm 20% số thành viên trong bộ máy từ hạ viện trở xuống ở các quốc gia.

Trên thế giới, cứ 3 PN  thì có 1 người là nạn nhân của bạo hành gia đình, đa số là PN ở châu Á và Trung Đông; chưa tới 40% trong số đó lên tiếng yêu cầu giúp đỡ.

Tính đến năm 18 tuổi, trung bình trẻ em gái thua kém các bạn trai 4,4 năm thời lượng được học hành. 

Thiên Như

(Theo Bustle, Guardian, Life Zette, Forbes, Mashable, Femina)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI