Hãy dẹp những "cuộc chơi" giành giật huy chương

26/11/2015 - 07:37

PNO - Những giọt nước mắt, những ánh mắt thất vọng, những cuộc tranh luận quanh các giải đã lấn át sự hồ hởi ở cuộc hội ngộ ba năm một lần...

Một cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 vừa kết thúc với cơn mưa huy chương và nhiều bằng khen, giải thưởng. Những giọt nước mắt, những ánh mắt thất vọng, những cuộc tranh luận quanh các giải đã lấn át sự hồ hởi ở cuộc hội ngộ ba năm một lần được ban tổ chức kỳ vọng là dịp để người làm nghề trao đổi, học hỏi kinh nghiệm...

Một đạo diễn cho biết: “Trên danh nghĩa, hai người trong ban giám khảo, mỗi người có ba vở diễn dự thi, nhưng thực tế một người “chống lưng” cho hơn 10 vở, người kia có năm vở. Người làm nghề ai cũng biết. Con ai nấy bênh, các vị giám khảo chỉ việc chấm điểm theo kiểu “chia phần”!”.

Hay dep nhung
Kinh phí để đưa cả trăm diễn viên, cảnh trí, phục trang đến Bạc Liêu để thi (như vở Mai Hắc Đế) có thể tương đương với tiền dựng một vở mới theo chỉ tiêu ngân sách

Người làm nghề còn bức xúc về một số diễn viên ca rớt nhịp, không vô vọng cổ được, quên tuồng, vai diễn không để lại chút ấn tượng nào nhưng vẫn được huy chương vàng cá nhân.

Những thông tin kiểu như diễn viên đoàn A không có vàng vì đoàn từng “gút mắc” với ban tổ chức, ban giám khảo trước đây, hay nghệ sĩ B không được vàng vì nếu có sẽ đủ chỉ tiêu để trở thành NSND trong đợt phong tặng danh hiệu lần tới… dù chưa thể kiểm chứng nhưng cũng đã làm xói mòn niềm tin của người trong nghề, nhất là lớp trẻ, lẫn khán giả yêu mến cải lương.

Nhưng muốn không thi thố để không phải bức xúc cũng chẳng dễ. Các đơn vị xã hội hóa còn có quyền lựa chọn, còn đơn vị công lập nếu không đăng ký thi, ngành quản lý văn hóa địa phương sẽ lo bị cấp trên nhắc nhở, bị mất điểm thi đua… Những nghệ sĩ dính nhiều ức chế ở các cuộc thi kiểu này cũng chẳng mặn mà nhưng đến đợt thì phải thi vì danh dự của đơn vị, vì tập thể, vì diễn viên trẻ cần có thêm thành tích.

Những người trẻ nhiều đam mê và nhiệt huyết, háo hức dự thi rồi ra về với thất vọng ê chề. Hậu các cuộc thi thường chỉ đọng lại tâm tư của người trong nghề, còn hiệu ứng nghệ thuật đối với công chúng gần như không có.

Nhưng những “cuộc chơi” kém hiệu quả này lại tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Hơn 1.000 diễn viên của 33 vở tham gia Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 là một kỷ lục từ trước tới nay.

Một vở được đầu tư kinh phí trung bình khoảng 300 triệu đồng (không ít đơn vị công khai số tiền dựng vở từ 500 triệu đến ngót nghét hai tỷ đồng), chưa kể chi phí đi lại, ăn ở, tập luyện.

Những đơn vị ở xa mang theo cả trăm người, khoản chi còn cao hơn nữa. Rồi kinh phí ăn ở, thù lao… cho các thành viên ban tổ chức, ban giám khảo… trong hơn hai tuần diễn ra cuộc thi. Cộng lại, đó là khoản chi phí khổng lồ.

Cứ ba năm, người làm nghề mới có một cơ hội để được thỏa sức thể hiện, thi tài. Nhiều đơn vị, tác phẩm, nghệ sĩ… hoàn toàn xứng đáng với những giải thưởng dành cho nỗ lực trên chặng đường làm nghề.

Nhưng việc bày ra cuộc thi chỉ nhằm để kiếm huy chương, bổ sung thành tích cho những đợt phong tặng danh hiệu, thì cần phải xem lại. Nếu cần phải có dữ liệu để làm hồ sơ, nên chăng tìm cách khác. Chẳng hạn định kỳ tổng kết hoạt động của các đơn vị nghệ thuật, chọn ra những vở diễn hay, hiệu ứng tốt, những gương mặt diễn viên xuất sắc được khán giả yêu thích, đánh giá cao để trao giải thưởng - ghi vào hồ sơ.

Đây chỉ là một trong nhiều cách làm để bớt tốn kém, gần gũi với công chúng hơn, kích thích các đơn vị năng động thực hiện những vở diễn chất lượng được khán giả đón nhận, chứ không phải để dành đi... giật huy chương.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI