Hãy để yêu thương đẩy lùi bệnh tật

27/11/2017 - 08:30

PNO - Khi biết mình bị ung thư, chị ngồi chết lặng. Nhưng nghĩ đến chồng, những đứa con và bao dự định còn dang dở, chị dũng cảm đứng lên, lau nước mắt chuẩn bị cho cuộc chiến đấu quyết liệt, giành lại sự sống cho chính mình.

Rơi xuống vực thẳm

“Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây, ai ăn vào nhớ mãi miền Tây…”, vừa nghe tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy, chị vừa điều khiển cơ thể chuyển động nhịp nhàng. Đôi tay khi lên, khi xuống, khi uốn lượn… Đang múa, chị ngưng nhạc, nở nụ cười tươi rói khi thấy khách đỗ xe trước cửa hàng. 

Hay de yeu thuong day lui benh tat
Làm công việc thiết kế may mặc đến nay hơn 30 năm, bên cạnh việc thiết kế, cắt may, chị Phan Thị Hoài Thu (49 tuổi) mở luôn sạp vải, vì vậy chị chẳng bao giờ rảnh rỗi.

Sáng chủ nhật khách ra vô suốt, bài nhạc ngắn bị ngưng lại không biết bao nhiêu lần. Đó là bài múa chị chuẩn bị để tham gia biểu diễn chào mừng ngày 20/10 cùng Hội Phụ nữ khu phố. 

Nhìn chị hết múa rồi đứng tư vấn, đo, cắt may cho khách, thần sắc tươi tắn, khỏe mạnh, không ai biết rằng chị đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ khối u tử cung.

Khoảng giữa năm 2016, đi khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Vừa xem hồ sơ, bác sĩ nói cổ tử cung của chị có vấn đề và đề nghị làm lại một loạt các xét nghiệm, đồng thời, hẹn chị 10 ngày sau lên lấy kết quả.

Đúng hẹn, chị đến bệnh viện. Ngồi tại phòng khám, đợi đến lượt mình. “Thời gian trôi qua chậm đến nỗi, tôi có thể lắng nghe cả từng tiếng tích tắc đồng hồ, trong đầu hình dung tất cả mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, rồi cả việc tôi sẽ làm gì nếu điều mình lo lắng là thật…”, chị nhớ lại cảm giác của mình lúc ấy.

Hay de yeu thuong day lui benh tat
Tinh thần lạc quan, cùng với tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, người thân, bạn bè và đội ngũ y bác sĩ, cuộc sống của chị Thu đã trở lại bình thường sau ca phẫu thuật

Nhưng không để chị đợi lâu, chỉ một lúc, bác sĩ Thoa (khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược) cầm xấp hồ sơ trên tay, nhìn qua một lượt và cất tiếng: “Chị nào là Phan Thị Hoài Thu?” Chị đứng bật dậy, nhanh chóng di chuyển về phía chiếc ghế trước mặt bác sĩ.

Bác sĩ cũng rời chỗ ngồi, kéo chiếc ghế tiến về phía chị và mở tập hồ sơ, chỉ cho chị thấy vấn đề nằm ở chỗ nào và cuối cùng kết luận chị bị ung thư cổ tử cung. Lo chị suy sụp tinh thần, bác sĩ trấn an: “Bệnh này trị đơn giản, chứ không khó khăn gì đâu, nhưng quan trọng là phải tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ rồi sẽ sớm trở lại bình thường thôi”.

“Bệnh này không có thời gian, vì vậy, em phải quyết định và đi nhanh, không được chần chừ. Ngày xưa, bác sĩ không được phép nói với bệnh nhân điều này vì sợ người bệnh sẽ suy sụp, dẫn đến chưa chết vì bệnh tật mà chết vì tư tưởng. Nhưng đối với bác sĩ, mình phải mạnh mẽ để nhìn vào sự thật và chiến đấu với nó, em ạ, phải trực tiếp đối diện thì mới chiến thắng nó được”, bác sĩ nói thêm khi nhìn thấy chị ngồi bất động, hai hàng nước mắt bắt đầu lan ra, chảy dài từ gò má xuống cằm.

“Với hành động của bác sĩ, mình biết rằng bệnh vô cùng nghiêm trọng. Nước mắt rơi, không phải vì sợ hãi. Nhiều cảm xúc hỗn loạn, đan xen bên trong. Mình sốc vì căn bệnh chuyển biến quá nhanh như vậy”. 

Đôi vai chị bắt đầu rung lên. Bác sĩ Thoa cúi xuống thật thấp, ôm lấy bệnh nhân của mình: “Nếu em có thể khóc thì cứ khóc. Khóc xong rồi lau nước mắt bước ra ngoài kia, mạnh mẽ đứng lên đối diện với sự thật, rằng mình có bệnh và sẽ chiến đấu đến cùng”.

Về phần chị, dường như chị không còn cảm nhận được mọi thứ xung quanh. Đôi tai trở nên lùng bùng, giống như vừa rơi xuống một cái vực rất sâu mà bản thân chị cũng không biết mình rơi vào đâu. 

Không cho phép mình buông xuôi

Nhưng cảm giác ấy chỉ sống đúng một ngày khi chị nghĩ về những đứa con đang đợi chị ở nhà và người chồng luôn yêu thương chị, chưa kể bao công việc, hoạt động xã hội đang dang dở. Không phải còn quá trẻ nhưng cũng chưa già để chị buông xuôi mọi thứ ở độ tuổi này. 

Thêm cái ôm của bác sĩ khi đó khiến chị cảm thấy ấm áp vì có nơi dựa dẫm trong lúc tinh thần xuống dốc, truyền cho chị sức mạnh để tự tin và hiểu tầm quan trọng của bệnh. 

Hay de yeu thuong day lui benh tat
Chị luôn chọn lối sống tích cực, không quên sẻ chia với những hoàn cảnh không may mắn

Để thuận tiện cho việc điều trị của mình và cũng tiện cho chồng trong việc chăm sóc, đi lại, chị Thu quyết định về một bệnh viện ở Thủ Đức điều trị. Tại đây, bác sĩ trưởng khoa sau khi xem cẩn thận tất cả hồ sơ, cho biết chị có một tuần để suy nghĩ rồi quyết định có phẫu thuật hay không vì chị vẫn còn trong giai đoạn an toàn để mổ. 

“Tính mạng của em là tự mình quyết định, không cần phải suy nghĩ nhiều. Nếu có thể nhanh chừng nào thì mong bác sĩ giải quyết sớm chừng đó, không cần một tuần. Hai ngày, ba ngày, càng sớm càng tốt”, chị trao đổi với bác sĩ khi đã bình tĩnh lấy lại tinh thần. Dứt khoát như vậy vì chị ý thức được rằng, khi rơi vào căn bệnh hiểm nghèo, nỗi sợ hãi khiến con người ta trở nên suy sụp. Càng sống với nỗi sợ hãi kéo dài, bệnh tình sẽ càng tệ đi. Vậy nên chị không cho mình có thời gian để buồn.

Rời bệnh viện, chị về nhà sắp xếp mọi công việc đâu ra đó, từ đóng gói hàng hóa, giao những đơn hàng đã hẹn với khách đến chuyện nhà cửa để chuẩn bị tinh thần cho đợt nghỉ kéo dài từ 2-3 tháng. Ca phẫu thuật được tiến hành hai ngày sau đó.

“Rất may mắn, chồng tôi không ngừng quan tâm và động viên. Biết tôi mắc bệnh, anh nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc vợ tận tình, chu đáo. Lúc nào cũng cảm thấy được nuông chiều, ấm áp, vì vậy, tôi không cảm thấy cô đơn”. 

Cho biết thêm rằng bản thân là người không bao giờ chịu đầu hàng số phận, cũng như trong cuộc sống, chị chưa bao giờ chịu ngồi yên, cho nên sau khi mổ, chị ăn uống tích cực theo lời dặn của bác sĩ và đến bệnh viện để tái khám, kiểm tra một cách nghiêm túc. 

Chỉ một tháng sau khi phẫu thuật, chị bắt đầu mở cửa hàng làm việc. Một chiếc ghế dài được kê bên trong, để khi nào mệt thì chị nằm nghỉ, không ép mình. Đến nay, qua gần ba tháng, chị hoàn toàn hồi phục, thần sắc khỏe mạnh và tươi tắn. Mọi hoạt động diễn ra bình thường như cuộc sống trước đây. 

Không tự cho mình mạnh mẽ, chị cho biết may mắn khi thời gian phát hiện bệnh đến lúc phẫu thuật chỉ có ba ngày, không có thời gian cho những suy nghĩ bi quan. Từ lúc phát hiện những dấu hiệu bất thường đến khi có kết luận ung thư, chị cũng hoàn toàn không cảm nhận sự đau đớn.

“Từ câu chuyện của mình, tôi muốn nhắn nhủ đến chị em không may rơi vào bệnh tật, coi như tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua, giống như những điều tôi đã nhận được. Thứ nhất, chị em không được coi thường bệnh tật mà nên đi khám định kỳ thường xuyên. Khi phát hiện dương tính với HPV nguy cơ cao, hãy biết rằng mình mắc nguy cơ ung thư cao hơn những người bình thường khác. Từ đó, phải có kế hoạch đi khám và theo dõi theo đúng hẹn của bác sĩ. 

Thứ hai, cũng không có gì phải hoảng hốt, vì ung thư, nếu phát hiện sớm, còn trong giai đoạn vàng thì hoàn toàn chữa khỏi. Thêm nữa, những người mắc bệnh này cực kỳ bi quan, đặc biệt càng nặng thì càng suy sụp, vì vậy, họ cần sự động viên, quan tâm chăm sóc từ phía gia đình, người thân cũng như bạn bè”, chị gửi gắm. 

Thu Lê

Hay de yeu thuong day lui benh tat
 

Nhiễm dai dẳng HPV (vi rút gây u nhú ở người) là nguyên nhân chính gây nên 99% trường hợp ung thư cổ tử cung (UTCTC). Trong đó, HPV type 16 và 18 gây nên 70% trường hợp UTCTC. 

Có đến 4 trong 5 phụ nữ bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. UTCTC có thể ngăn ngừa nếu được phát hiện sớm. Để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo làm xét nghiệm HPV DNA như là xét nghiệm sàng lọc cơ bản ban đầu cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên. 

Hãy làm xét nghiệm HPV ngay hôm nay để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC của bạn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại các bệnh viện như: Từ Dũ, Hùng Vương, Phụ sản Mê Kông, Quốc tế Hạnh Phúc, Trung tâm Medic, Diag… để có phương pháp tầm soát tốt nhất.

Chương trình do Báo Phụ Nữ TP.HCM và Roche Việt Nam phối hợp thực hiện.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI