Hãy để vết thương liền sẹo

12/09/2013 - 11:38

PNO - PN - Tùng và tôi học chung lớp. Tôi biết Tùng nghèo, rất nghèo. Tùng gầy đến nỗi không thể gầy hơn nữa, bộ đồng phục quần xanh áo trắng bạc màu và rộng thùng thình; xe đạp cũ kỹ méo vành, trầy tróc khắp nơi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ba má tôi lập một quỹ học bổng nho nhỏ, dành cho học trò nghèo. Lần đầu tiên tôi biết nhà Tùng là đi theo má để kiểm tra thực tế. Căn nhà, nếu có thể gọi đó là nhà, mái lợp giấy dầu, bốn bên che chắn bằng tôn cũ. Trong nhà chật chội, chỗ gọi là bếp có ba cục gạch và hai cái nồi. Má tôi mở nắp một cái nồi, nhìn thấy hai con cá khô bằng ngón tay út, nồi kia là cơm đã nguội lạnh.

Tùng lí nhí: “Buổi sáng cháu dậy sớm nấu cơm ăn cho cả ngày, buổi chiều cháu đi làm rẫy”. Làm rẫy tức là làm thuê, ai cần gì Tùng làm nấy.

Cậu con trai 16 tuổi vừa đi học, vừa làm thuê, vừa chăm sóc ông nội già nua khiến má tôi rơi nước mắt, chẳng những tặng Tùng học bổng cao nhất, mà thỉnh thoảng má còn tự tay nấu món gì đó, sai tôi đem đến cho ông nội của Tùng. Đó là một cách nói để Tùng bớt ngại ngùng, thật ra là má tôi muốn Tùng thỉnh thoảng được ăn một bữa ngon.

Hay de vet thuong lien seo

Thi đậu đại học, tôi là người tỏ tình. Tôi rất xấu hổ vì mình là con gái mà lại mở lời, nhưng tôi biết, nếu mình không nói thì Tùng không bao giờ dám. Ba má tôi rất quý Tùng, ủng hộ tình yêu của chúng tôi. Ông nội Tùng cầm tay tôi: “Đợi hai đứa học xong làm đám cưới rồi thì nội có nhắm mắt cũng vui”.

Tốt nghiệp, Tùng tìm được công việc với mức lương khá cao, cộng với công việc làm thêm vào buổi tối, chúng tôi tự hào bàn về đám cưới mà không phải xin tiền của ba má.

Bỗng mẹ Tùng xuất hiện, người mà ai cũng tưởng là đã không còn trên đời này nữa. Bà nói, bà vẫn thường xuyên theo dõi mọi bước đi của con trai và rất mừng vì con giờ đã thành đạt. Hiện bà sống với người chồng sau và ba đứa con.

Tùng của tôi vốn mạnh mẽ, can trường nay bỗng chốc rơi vào phẫn uất. Bao năm tháng dài đơn độc bươn chải, Tùng khóc thầm vì quá cơ cực, những lần đi làm thuê bị kẻ xấu ức hiếp, những lúc nhìn bạn bè có cha mẹ đi họp phụ huynh học sinh…

Quá khứ cơ cực tưởng chỉ còn là kỷ niệm nhưng sự xuất hiện của bà mẹ khiến tất cả như một cuộn phim tua đi tua lại mãi trong tâm trí Tùng, mỗi lần tua lại xới ra thêm nhiều chua xót. Tôi cũng hụt hẫng. Tôi không ngờ mình có bà mẹ chồng vô tâm dửng dưng với núm ruột của mình đến vậy.

Từng chứng kiến bao chuyện đời oái ăm, nhưng ba má tôi cũng rất bất ngờ. “Có lẽ xảy ra chuyện gì đó rất khó…”, má tôi thường nói vậy để an ủi Tùng và tôi.

Tôi dần quen với những cú điện thoại của mẹ chồng, trở thành người đứng giữa, tôi chuyển lại lời thăm hỏi cho chồng nghe vì anh không bao giờ chịu cầm máy khi thấy số của mẹ mình. Có những lúc đang rất vui, bỗng mẹ gọi điện thoại tới, vậy là anh rơi vào ủ dột. Ông nội sống cùng chúng tôi, mỗi khi điện thoại reo mà chồng tôi nổi cơn bực bội thì ông cũng thở dài.

Rồi tôi sinh em bé. Mừng đầy tháng, mẹ chồng gửi tặng cái xe nôi. Cùng với cái xe nôi, chừng như bà đang hiện diện ngay trong nhà tôi, đầy gợi nhắc.

Đứa con bé bỏng của tôi sẽ nằm vào cái xe nôi xinh xắn này. Bé sẽ chập chững ngắm nhìn thế giới cùng với cái xe nôi này… Cảm xúc lạ lùng dâng lên trong lòng tôi. Làm mẹ là một điều rất lạ, khác với tất cả những gì tôi từng cảm nhận được. Có lẽ chồng tôi bây giờ làm cha cũng đang nhiều cảm xúc xáo trộn như vậy. Vết muỗi cắn nhỏ tí mà em bé bứt rứt khiến chúng tôi xuýt xoa xót xa, vậy thì làm sao với vết thương lớn lao kia…

Tha thứ đi anh, tôi nói với chồng, hãy để vết thương được liền sẹo, để con của chúng mình được sống trong nhẹ nhõm yêu thương.

 Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI