Ứng xử với con như thế nào để không đứa con nào cảm thấy thua thiệt và từ đó gắn kết nhau hơn là vấn đề mà không phải cha mẹ có trẻ VIP (một cách gọi trẻ tự kỷ) nào cũng hiểu rõ.
Trong không ít trường hợp, cha mẹ có kỹ năng có thể “biến” những đứa trẻ bình thường trong gia đình thành trợ thủ đắc lực sẻ chia những gánh nặng, áp lực chăm sóc trẻ VIP.
|
Bác sĩ Võ Thị Minh Huệ |
Tạo sợi dây gắn kết cho con
Cha mẹ rất cần là sợi dây gắn kết giữa các bé. Dù với một trẻ bình thường có anh/chị/em mình là trẻ đặc biệt, việc gắn kết này có thể có lúc gặp khó khăn, nhưng nếu làm theo những cách sau, chắc chắn sẽ thành công.
Khi con chưa có nhiều nhận thức, hãy để con có những không gian chung với anh/chị/em mình, có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ. Khi con (trẻ bình thường) có nhận thức, hãy giải thích cho con hiểu tình trạng của người thân mình. Cách giải thích càng đơn giản, dễ hiểu, gần gũi càng tốt, không nên dùng những từ ngữ chuyên môn.
Ví dụ, có thể bằng hình thức tranh vẽ với nội dung: ở từng lứa tuổi, một đứa trẻ bình thường làm được những gì, những việc làm ấy thú vị như thế nào? Vậy, anh/chị/em của bé ở lứa tuổi ấy có làm được không? Bé sẽ trả lời là không. Lúc ấy, bố mẹ sẽ phân tích, đó là do khả năng hạn chế của anh/chị/em mình, và điều ấy rất đáng thương, đáng chia sẻ… Bằng cách giải thích sinh động này, bé sẽ hiểu rõ và cảm thông sâu sắc với người thân của mình.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Khi bé đã hiểu, cha mẹ hãy đặt con vào vị trí “người giám sát”. Đừng bao giờ đặt trách nhiệm lên vai bé với những câu mang tính mệnh lệnh như “con phải nhường em/anh/chị”, vì bé sẽ không thể hiểu tại sao phải nhường, và có thể có suy nghĩ mình không được cha mẹ cưng bằng.
Ở vị trí người giám sát, cha mẹ và bé sẽ chia sẻ với nhau những quan sát hàng ngày về người thân đặc biệt của bé. Ví dụ như: “Ngày hôm nay em cười với con, ngày hôm nay anh đã biết gọi em…”. Hãy hỏi bé: “Hôm nay anh đã làm gì cho con?”. Có bé dễ thương lắm, khi tôi hỏi điều này, bé chia sẻ rất vui: “Anh đã đưa cho con cây viết”.
Hành động nhỏ ấy có thể rất đỗi bình thường giữa những đứa trẻ bình thường, nhưng lại mang ý nghĩa lớn với trẻ tự kỷ. Và khi cô bé vui tới mức ấy, nghĩa là bé hiểu được ý nghĩa của việc anh dành cho mình. Tình cảm anh em vì thế sẽ gắn kết hơn.
Tuyệt đối đừng so sánh các bé với nhau vì mọi sự so sánh đều khập khiễng, huống gì đây lại là hai đứa trẻ khác biệt. Tự con sẽ nhìn thấy sự khác biệt của anh/chị/em và mình và sẽ không có sự ganh tị, so bì.
Cha mẹ cũng hãy nhắc nhiều hơn kỷ niệm giữa các bé. Khi tôi hỏi các bạn nhỏ: “Con nhớ kỷ niệm nào nhất?”. Có bé nói “con nhớ lần anh đi lạc, anh chạy ra đường, con và ba mẹ đi tìm quá chừng”. Hãy tỏ ra kỷ niệm ấy thật quan trọng, gây thú vị/ngạc nhiên với mình và không tiếc lời khen dành cho bé: “Con giỏi quá, may quá nhỉ”... Bé sẽ thấy những kỷ niệm ấy là chất keo gắn kết tình anh em.
Võ Thị Minh Huệ
(bác sĩ tâm lý - chuyên viên tư vấn tâm lý tại Phòng khám Nhi Đồng Thành phố)
Hãy coi con bình thường như người “hỗ trợ đắc lực”
Tôi có quen một bạn là mẹ của một bé trai tự kỷ. Chị của bé trai tự kỷ có lần trách móc mẹ vì mẹ tập trung cho em nhiều quá. Và cũng vì mẹ dành thời gian nhiều cho em mà con gái cũng “thấy ghét” em. Sau này lớn lên, mẹ làm rất nhiều biện pháp tư tưởng thì bé hiểu, thương mẹ và em nhiều hơn, biết hỗ trợ mẹ và em hơn.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Điều quan trọng nhất vẫn là giúp đứa con bình thường hiểu thực sự tự kỷ là gì, bé sẽ chấp nhận sự khác biệt của anh/chị/em mình và sẽ phải lên lịch dành thời gian riêng cho con bình thường, để con không tủi thân. Đồng thời, bố mẹ cho con cùng tham gia vào các chương trình can thiệp cho con tự kỷ cùng bố mẹ và giáo viên chuyên biệt để con có thể hiểu, chia sẻ nhiều hơn với mình.
Ở Hà Nội, các mẹ có những buổi gặp gỡ cho các anh chị em của các bé tự kỷ đi chơi với nhau. Điều này không vô ích, vì cùng hoàn cảnh nên các bé dễ thông cảm, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau.
Mẹ bé Linh Đào
(Facebook Linh Đào - Nuôi con tự kỷ)
Dạy con bằng những bộ phim
Một lần, bạn của con gái tôi (tám tuổi) đến nhà chơi, bé chào mọi người khi ra về. Ai cũng niềm nở đáp lại lời chào của bé, chỉ trừ anh Hai, vì anh Hai thờ ơ với tất cả những gì xung quanh. Tôi vô tình nghe bạn của con gái nói nhỏ: “Sao anh Hai bồ kỳ vậy, tui chào mà không trả lời?”. Con gái trả lời: “Kệ đi, ảnh ngu lắm, không biết gì đâu”.
Lúc ấy, tôi chỉ muốn kéo con bé vào tét đít, nhưng hiểu rằng như thế lại thêm khiến con không phục. Trước đó, cũng đã nhiều lần con không phục khi luôn so bì. Tôi luôn cố ghìm lại, không phê phán con ngay lúc ấy, đợi lúc hai mẹ con thoải mái nhất - thường là trước khi đi ngủ, sẽ trò chuyện thân tình với bé rằng thái độ của con như vậy khiến mẹ buồn, anh Hai cũng rất buồn. Thực ra, anh Hai không nói được thôi, chứ anh hiểu hết đấy.
Tôi cũng bắt đầu rủ con xem những bộ phim về người tự kỷ để con hiểu hơn về thế giới ấy. Hai bộ phim mà mẹ con cùng rất thích là I’m Sam và Tình anh em (Rain man). Dĩ nhiên, mới tám tuổi, bé chưa hiểu hết hai bộ phim này nhưng cũng hiểu được phần nào. Hai mẹ con thi thoảng lại nhắc với nhau về những bộ phim cảm động ấy.
Thậm chí, có khi chính bé rủ mẹ cùng xem lại… Khi tôi thấy bé có thể xem nhiều lần, có thể rơi nước mắt ở những đoạn xúc động, tôi biết rằng những bộ phim cảm động ấy đã giúp mình không ít trong việc gắn kết tình cảm của con và anh trai.
Phạm Thanh Nga
(Q.5, TP.HCM)
Bạch Dương (ghi)