Hãy để phim lên tiếng

03/06/2022 - 17:57

PNO - Một khi phim đã ra rạp, hãy nhường tiếng nói lại cho người xem.

Trong tháng Năm, điện ảnh Việt nhộn nhịp với ba phim ra rạp: Kẻ thứ ba, 578: Phát đạn của kẻ điênMaika - Cô bé đến từ hành tinh khác.

Phim 578: Phát đạn của kẻ điên được đầu tư với kinh phí lớn nhưng doanh thu không mấy khả quan
Phim 578: Phát đạn của kẻ điên được đầu tư với kinh phí lớn nhưng doanh thu không mấy khả quan

Thế nhưng ngoại trừ Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác nhận được nhiều phản hồi tốt từ những người trong nghề, báo chí và khán giả, hai phim còn lại gây nhiều tranh cãi. Hạn chế của Kẻ thứ ba 578: Phát đạn của kẻ điên được nhìn nhận ở chỗ thiếu cảm xúc, dù phim được đầu tư rất tốn kém: kinh phí Kẻ thứ ba là 33 tỷ đồng, nhưng thu hơn một tỷ đồng, 578: Phát đạn của kẻ điên tiêu tốn 60 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hơn ba tỷ đồng sau mười ngày công chiếu. 

Trước việc doanh thu phòng vé không mấy khả quan, nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ (phim Kẻ thứ ba) phàn nàn phim bị ép suất chiếu, còn đạo diễn Lương Đình Dũng (phim 578: Phát đạn của kẻ điên) cho rằng phim bị “chơi xấu trên mạng xã hội”.

Phản ứng của Lý Nhã Kỳ cho thấy cô chỉ tiếc vì phim không đến được với nhiều người xem, chứ không có ý đổ lỗi để bênh vực cho chất lượng tác phẩm. Có thể thấy điều này, vì khi phim chuẩn bị ra rạp, Lý Nhã Kỳ đã lên tiếng muốn truyền thông phim theo kiểu có sao nói vậy, không thổi phồng. Trong khi đó, phản ứng của đạo diễn Lương Đình Dũng khá gay gắt để bảo vệ tác phẩm. Không chỉ khẳng định phim bị “chơi xấu”, đạo diễn còn bức xúc về vấn nạn “phê bình phim vô tội vạ” trên mạng xã hội.

Trailer phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác:

 

 

 

Phim ảnh là cuộc chơi tốn kém, rủi ro nên "của đau con xót" là tâm lý dễ hiểu của người trong cuộc. Nhưng doanh thu là câu chuyện thuộc về thị trường, rất khó đoán định. Một khi bước vào cuộc chơi, người làm phim hẳn cũng đã chuẩn bị tâm lý. Huống chi việc phim tốt nhưng doanh thu thấp hay phim chất lượng trung bình nhưng thắng lớn cũng là điều phổ biến trên thế giới.

Vì vậy, một khi phim đã ra rạp, hãy nhường tiếng nói lại cho người xem. Mọi phản ứng cay cú để biện minh cho chất lượng không phải là lựa chọn hợp lý, sẽ càng dẫn dắt khán giả đến những cảm xúc tiêu cực với bộ phim và người làm phim. Một bộ phim thành công là khi phim chạm được đến cảm xúc người xem, còn thành công doanh thu lại là câu chuyện khác. Với một bộ phim thất bại ở phòng vé, chắc chắn có lý do phim không tạo được cảm xúc cho khán giả.

Thay vì đáp trả dư luận tức thời, người làm phim nên có thời gian lùi lại, suy xét những hạn chế của phim rồi lên tiếng sau. Dạo phim Người cần quên phải nhớ thất bại, đạo diễn của phim Charlie Nguyễn đã chọn cách này. Nửa tháng sau khi phim đã chiếu, anh mới trải lòng về thất bại của phim (lỗ 23 tỷ đồng), và thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân do “chưa kể được câu chuyện chạm đến trái tim khán giả”. Phim thua nhưng đạo diễn thắng vì cách ứng xử văn minh, chuyên nghiệp, thể hiện tinh thần cầu thị.

Ai làm phim cũng muốn ăn khách, nhưng thất bại của một bộ phim đâu phải dấu chấm hết cho sự nghiệp. Đừng gieo vào lòng khán giả định kiến vì sự ứng xử thiếu khéo léo, không phù hợp bởi dễ khiến người xem thiếu thiện cảm với các bộ phim sau đó.

Nguyễn Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI