Hãy để học sinh làm chủ hành trình tri thức

11/01/2025 - 06:13

PNO - Từ lâu, dạy thêm, học thêm đã trở thành một phần quen thuộc trong hệ thống giáo dục cũng như đời sống do nhu cầu của cả học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên. Nhưng liệu dạy thêm, học thêm có phải là giải pháp tốt? Theo tôi, vấn đề không nằm ở hoạt động dạy thêm, học thêm mà ở cách chúng ta đặt câu hỏi về quyền chủ động của người học trong hành trình tìm kiếm tri thức của mình.

Quyền chủ động trong học tập là khả năng tự nhận thức nhu cầu, đặt ra mục tiêu và xây dựng phương pháp học phù hợp với bản thân. Một nền giáo dục tiến bộ phải khuyến khích học sinh tự khám phá và điều chỉnh mình. Tuy nhiên, học sinh ở nước ta thường bị đặt dưới áp lực thi cử, kỳ vọng gia đình và những chuẩn mực cứng nhắc của quan niệm xã hội hơn là học vì đam mê hay hứng thú thực sự với kiến thức.

Trong bối cảnh đó, dạy thêm trở thành hình thức chữa cháy hơn là công cụ bổ trợ. Phần lớn học sinh đi học thêm là do sợ bị thua bạn bè về điểm số hoặc do không đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh. Điều này không chỉ tạo ra một nền giáo dục thiếu cân bằng mà còn làm xói mòn kỹ năng tự học và tư duy độc lập của người học.

thay vì cố gắng quản lý chặt chẽ hay cấm đoán dạy thêm, cần đặt trọng tâm vào việc trang bị cho học sinh kỹ năng tự học, tự ra quyết định
Thay vì cố gắng quản lý chặt chẽ hay cấm đoán dạy thêm, cần đặt trọng tâm vào việc trang bị cho học sinh kỹ năng tự học, tự ra quyết định - Ảnh: M.T

Tôi không phản đối việc dạy thêm. Ngược lại, tôi cho rằng, khi được tổ chức đúng cách, hoạt động này có thể trở thành công cụ hữu ích, giúp học sinh vượt qua những khó khăn trong việc học chính quy. Nhưng để có được điều này, người học phải được trao quyền lựa chọn. Học thêm chỉ nên là một giải pháp chứ không nên là một nghĩa vụ ngầm. Khi có quyền từ chối hoặc tự nguyện học thêm theo nhu cầu, học sinh sẽ thấy việc học tập trở nên ý nghĩa hơn.

Nhìn ra các nước, chúng ta có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm quý. Ở Nhật Bản, các trung tâm dạy thêm hoạt động rất sôi nổi, nhưng chúng không thay thế vai trò của trường học. Hệ thống này được coi như là sự lựa chọn bổ sung, giúp học sinh theo đuổi mục tiêu cá nhân. Được trang bị kỹ năng tự học và tự định hướng ngay từ nhỏ nên học sinh Nhật Bản đi học thêm là do hiểu rõ mình cần gì, muốn gì.

Ở Hàn Quốc, chính phủ áp dụng các chính sách giới hạn thời gian hoạt động của trung tâm dạy thêm, đồng thời khuyến khích học sinh tự học thông qua các nền tảng giáo dục trực tuyến. Học thêm ở Hàn Quốc không phải là con đường duy nhất để đạt thành quả học tập mà chỉ là một trong nhiều cách thức để lựa chọn.

Ngược lại, việc cấm triệt để “ngành công nghiệp dạy thêm” của Trung Quốc đã không giải quyết được vấn đề. Học sinh và phụ huynh vẫn đổ xô vào các hình thức học thêm ngầm, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn.

Vậy, nên chăng, thay vì cố gắng quản lý chặt chẽ hay cấm đoán dạy thêm, cần đặt trọng tâm vào việc trang bị cho học sinh kỹ năng tự học, tự ra quyết định. Quyền chủ động này cần được nuôi dưỡng từ nhỏ thông qua việc khuyến khích học sinh tự đặt câu hỏi, tự tìm kiếm câu trả lời và tự chịu trách nhiệm với kết quả học tập của mình.

Giáo dục không nên chỉ là quá trình truyền tải kiến thức từ thầy cô sang học sinh. Đó phải là sự tương tác 2 chiều, nơi người học được khuyến khích khám phá, thách thức và làm chủ tri thức. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực học thêm mà còn tạo ra một thế hệ sẵn sàng đối mặt với những thay đổi và thách thức của thời cuộc.

Đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận giáo dục. Thay vì nhìn vào dạy thêm như một vấn đề cần giải quyết, hãy coi đây là cơ hội để khuyến khích người học tự lập và tự chủ. Trao quyền cho người học không chỉ giúp giải quyết vấn nạn hiện tại mà còn là bước đi chiến lược để xây dựng một nền giáo dục tiến bộ, bền vững.

Tôi tin rằng, khi được làm chủ hành trình tri thức của mình, học sinh sẽ không học để thi mà học để sống, để sáng tạo và cống hiến. Đây mới chính là đích đến của giáo dục và cũng là hy vọng lớn nhất của chúng ta với thế hệ trẻ.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI