Hai đứa trẻ bại não là con anh Nghị, và anh đang một mình nuôi chúng. Đó là sự thật. Anh để chúng vào cũi đưa đi hát, bán kẹo, bán vé số kiếm sống. Đó cũng là sự thật.
Một người đàn ông phải chăm sóc hai đứa trẻ, lo cho chúng miếng ăn, giấc ngủ, cả những lúc đau bệnh trong khi chúng không hề tự chủ được sẽ vất vả như thế nào, chắc mọi người đều hiểu. Vui thì chúng cười, bực bội thì chúng tự đập đầu vào bất cứ thứ gì hay đấm thẳng vào mặt ba của chúng, có khi sưng cả mắt.
|
Hai con anh Nghị trong chiếc cũi theo cha đi hát rong khắp nơi. |
Thế nên, khi tôi hỏi anh Nghị rằng có tiền từ sự giúp đỡ của nhiều người rồi, anh có thôi đi hát không? Anh bảo với tôi, rằng giờ anh có đi hát thì không để kiếm tiền nữa mà là giải tỏa tâm trạng, cho cả anh và hai đứa con.
Anh cần được đi hát để cuộc sống có thêm niềm vui, và cho hai đứa trẻ tội nghiệp được đi đó đây, chúng sẽ bớt bực tức.
May mắn thay, cho đến giờ, hai đứa trẻ vẫn còn được ở với ba của chúng, vẫn được anh cõng trên lưng, khênh trên vai và hát cho nghe. Nếu anh đưa chúng cùng đi kiếm sống, đó là chọn lựa của anh, hơn việc anh cho chúng vào một trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật nào đó, để rảnh rang rồi hưởng thụ cuộc sống riêng của mình.
Khi anh cầm tay đứa con trai nhỏ và dụi đầu vào trán nó, hát bài Nhông nhông nhông, trong mắt của anh, tôi thấy ánh lên niềm yêu thương chân thành của người cha.
Và khi tôi trò chuyện riêng cùng chị Huyền - vợ cũ của anh, tôi đã hỏi chị rằng anh Nghị nói sai về chị, vậy còn con, anh có thực sự thương chúng không? Chị gật đầu thừa nhận, với con, anh Nghị là người cha tốt.
|
Nói không đúng về vợ, nhưng với con, anh Nghị vẫn là người cha tốt. |
Vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc, không còn hàn gắn được phải ly hôn, đáng thương nhất vẫn là những đứa trẻ. Tôi tin chị Huyền có sự dằn vặt riêng của người làm mẹ, không thể chăm sóc con do chính mình rứt ruột đẻ ra.
Sự nghèo khổ và bệnh tật trong người khiến chị chọn xa con, dù là tạm thời chứ không hề bỏ con như anh Nghị nói. Nhưng trong suốt thời gian nhiều năm qua, sự im lặng của chị phải chăng cũng là sự thỏa hiệp?
Còn anh Nghị, tôi cho rằng chính anh cũng là nạn nhân. Nạn nhân của truyền thông hời hợt, thiếu kiểm chứng; của sự từ thiện một cách dễ dãi từ nhà hảo tâm và trong cách chúng ta làm từ thiện.
Thử nghĩ, bất thình lình được một số tiền không hề nhỏ không do mình vất vả, đổ mồ hôi kiếm được rơi trúng, bạn sẽ làm gì? Sự nghèo khó dễ biến thành thức thời, thành cơ hội kiếm tiền từ sự thương hại. Và để người ta thương hại, anh Nghị đã cường điệu sự nghèo và hoàn cảnh đáng thương của mình.
Một khi lừa dối đám đông, anh Nghị phải trả giá. Nhà hảo tâm tức giận, đám đông rủa xả vì cho rằng đã giúp đỡ, xúc động với một người không xứng đáng. Từ cảm phục họ rất nhanh chóng chuyển sang tấn công, truy sát anh Nghị đến tận cùng.
Chỉ mới cách đó hai ngày, anh nhận hàng trăm cuộc gọi sẻ chia, hỗ trợ trong vui mừng thì bây giờ, anh cũng nhận hàng trăm, có khi còn nhiều hơn thế những cuộc gọi chửi bới, thậm chí hăm dọa chém chết vì tội nói dối, lừa tiền. Giờ đây, anh Nghị đang sống trong tâm trạng đầy lo sợ có thể mất mạng nếu ai đó không kềm chế được cơn tức giận.
Giả như anh Nghị “bị xử”, những đứa trẻ đáng thương sẽ mất đi người cha, bà mẹ già sẽ mất con. Đó có phải là tất cả những gì mà chúng ta muốn?
Hãy nhìn lại, sâu thẳm lòng trắc ẩn chúng ta khi giúp đỡ anh Nghị là vì điều gì, nếu đó không phải vì chính hai đứa trẻ tật nguyền đáng thương kia? Anh Nghị dù sao cũng là một con người, và anh không nhất định phải trở thành một người cha vĩ đại hay phải hành xử theo cái cách mà đám đông mong muốn.
|
Tiếp tục giúp đỡ cha con anh Nghị hay không, đó là quyền của nhà hảo tâm. |
Cường điệu cái nghèo, diễn quá tốt trong căn nhà tuềnh toàng để lấy đi nước mắt, tiền từ thiện của nhiều người, đó không phải chỉ là lỗi của riêng anh. Anh đáng trách, điều này không có gì bàn cãi. Và anh đã phải trả giá, hẳn nhiên, đó là hậu quả của việc thiếu trung thực và chân thành. Nhưng tình thương của người cha dành cho con ở anh Nghị không phải giả dối.
Lòng thiện là sự quý giá, ta giúp đỡ ai đó vì ta tin vào điều tốt đẹp. Hai đứa trẻ đáng thương là điều tốt đẹp mà ta muốn hướng tới. Còn anh Nghị, anh chắc hẳn đã rút ra bài học cho mình.
Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, người ăn thì núi cũng lở nếu không làm việc để kiếm sống, hoặc chí ít làm việc để còn có niềm vui mà sống tiếp. Với những gì đã nghe, đã đọc, chúng ta hẳn biết mình nên làm gì. Tiếp tục giúp hay không giúp, giờ đây đó là quyền của nhà hảo tâm.
Chỉ mong, chúng ta đừng xa rời điều tốt đẹp ban đầu. Và hãy bao dung để người cha ấy còn tiếp tục vui sống lo cho hai đứa con tật nguyền. Không có gì cùng cực và đau buồn hơn việc các con sinh ra đã bị bệnh bẩm sinh và bác sĩ kết luận không có khả năng chữa được. Thế nên, hãy để cha con anh Nghị được bình yên, đó là sự giúp đỡ quý giá nhất dành cho anh lúc này.
Hoàng Lịch