Hãy để đôi giày bẩn bên ngoài thánh đường nghệ thuật

06/03/2017 - 21:22

PNO - Tôi đã có một thánh đường nghệ thuật của riêng mình để có thể khóc, có thể cười và bay bổng với những cảm xúc đẹp.

Là khán giả của sân khấu (SK) Hoàng Thái Thanh từ khi SK này còn ở Nhà Thiếu nhi TP.HCM, nhưng mãi đến sinh nhật lần thứ bảy của SK này, tôi mới có cơ hội được xem một suất diễn rất đặc biệt.

Buổi tối hôm đó, có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả những khán giả có mặt ở khán phòng đã có một đêm rất khó quên cùng các nghệ sĩ (NS) của sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Hay de doi giay ban ben ngoai thanh duong nghe thuat
NS, DV sân khấu Hoàng Thái Thanh trong ngày sinh nhật lần thứ 7 của sân khấu

Đêm biểu diễn bắt đầu với sự xuất hiện của nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thành Hội và NS Ái Như. Từ phía lối ra vào khán phòng, hai NS tiến về SK, cứ sau vài bước đi, họ dừng lại, cúi đầu chào như muốn gửi lời tri ân đến tất cả khán giả đã đến chung vui cùng sân khấu (SK) trong suất diễn đặc biệt ấy.

Những cái cúi đầu chỉ rất nhẹ, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được ở đó sự chân thành và cả thái độ trân trọng của những NS nổi tiếng dành cho chúng tôi, những khán giả có mặt. Khi NSƯT Thành Hội, NS Ái Như đặt tay về phía trái tim mình và gửi lời cảm ơn khán giả, những lời nói rất mộc mạc, giản dị nhưng vẫn cứ gieo vào lòng người nghe cảm giác yêu thương, xúc động đến lạ lùng.

Hơn sáu năm “đi theo” Hoàng Thái Thanh, điều tôi ngạc nhiên nhất ở các NS của SK này là khả năng “giữ mình” để bơi ngược dòng chảy chung của hoạt động SK. Khi một số SK dần dần ngả theo thị hiếu chung của khán giả; khi ngày càng có nhiều NS, trong đó có cả những NS tên tuổi đã mất kiểm soát hoặc dễ dãi buông mình, diễn mà như bỡn cợt hoặc mang lên SK, truyền hình những kiểu diễn, câu thoại tầm thường, thậm chí dung tục khiến nhiều khán giả cảm thấy ngượng ngùng, thì với tôi, Hoàng Thái Thanh vẫn như một thánh đường nghệ thuật, dù cơ sở vật chất vẫn còn rất khiêm tốn. 

Hay de doi giay ban ben ngoai thanh duong nghe thuat
 

Từng NS, diễn viên, dù có tên tuổi hay mới vào nghề đều luôn đầy tâm huyết, chỉn chu, cẩn trọng trong từng câu thoại, từng ánh mắt, động tác biểu diễn… Mỗi vở kịch luôn được trau chuốt kỹ càng từ cảnh trí, phục trang đến những đạo cụ nhỏ nhất như cái thùng giấy, cái cà mèn đựng cơm đều phải đúng với thời điểm vở kịch đang nhắc tới.

Thái độ trân trọng nghề nghiệp, cách làm nghề tử tế của những NS ở SK này đã có tác động ngược lại với khán giả. Tôi cảm nhận rất rõ điều đó trong ngày SK tròn bảy tuổi. Khán giả có mặt ngày hôm đó ai cũng ăn mặc đẹp, lịch sự. Khu vực sảnh trước khán phòng quá nhỏ so với số khán giả, NS có mặt. Dù có sự hiện diện của rất nhiều NS nổi tiếng, khán giả vẫn đến chụp hình lưu niệm, xin chữ ký nghệ sĩ… nhưng trong không gian nhỏ hẹp đó, tôi không hề có cảm giác “ngộp thở” vì sự ồn ào, nhốn nháo.

Hôm đó, SK đãi khách bằng món sương sâm đựng trong những chiếc ly nhựa dùng một lần. Khán giả có mặt ai cũng thích được thử ly sương sâm vò bằng tay, nhưng khi tất cả khán giả đã vào khán phòng, tôi không nhìn thấy bất kỳ chiếc ly nào bị vứt bừa bãi ở sảnh chờ.

Hay de doi giay ban ben ngoai thanh duong nghe thuat
 

Tôi vẫn nhớ hoài lời tâm sự của NS Ái Như trong một chương trình phát trên truyền hình: “Nghệ thuật là sự cảm nhận tất cả những gì đẹp nhất, những gì có thể làm tâm hồn con người bay bổng, thăng hoa. Chính vì vậy, nghệ thuật rất lung linh và chúng ta phải nâng niu, gượng nhẹ”. Tôi cũng không thể quên lời của nhân vật Pierre - NSƯT Thành Hội thủ vai, vở "Đêm thiên nga": “Hãy để những đôi giày bẩn bên ngoài thánh đường nghệ thuật”.

Cảm ơn SK Hoàng Thái Thanh, nơi đã giữ cho khán giả chúng tôi một thánh đường nghệ thuật để chúng tôi có thể khóc, có thể cười và bay bổng với những cảm xúc đẹp.

 Mai Anh (Q.1, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI