Hãy để cơ chế thị trường điều tiết tuyển sinh đại học

28/05/2018 - 08:40

PNO - Trường nào có chất lượng đào tạo tốt, có uy tín xã hội cao, sẽ thu hút được nhóm thí sinh có điểm cao và ngược lại.

Tuyển sinh đại học 2018 có nhiều thay đổi lớn: bỏ điểm sàn, trả việc tuyển sinh về cho các trường tự quyết, cùng với những kỳ vọng tốt đẹp cho đầu vào các trường sư phạm. Như vậy, các trường chỉ còn phụ thuộc Bộ GD-ĐT ở khâu duyệt cấp chỉ tiêu 
tuyển sinh. 

Trò chuyện với chúng tôi xung quanh vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng - cựu Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Sư phạm TP.HCM - nói ngay: Hãy để cơ chế thị trường điều tiết tuyển sinh của các trường ĐH. Vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT nằm ở việc kiểm tra và thanh tra thường xuyên các trường.

Hay de co che thi truong dieu tiet tuyen sinh dai hoc
 

Phóng viên: Thưa PGS, từ mùa tuyển sinh ĐH năm nay, quy định về điểm sàn được bãi bỏ, việc tuyển sinh được Bộ GD-ĐT trả về cho các trường. Ông có đánh giá gì về thay đổi này?

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Tôi cho rằng, việc để các trường tự quyết định điểm chuẩn vào ĐH là một bước tiến mới, phù hợp với những quy định về quyền tự chủ ĐH. Việc này sẽ giúp công tác tuyển sinh của các trường được chủ động hơn. Để tự quyết điểm sàn cũng chính là quyền lợi và trách nhiệm của các trường ĐH, CĐ. Từ nay, các trường sẽ phải chịu trách nhiệm về việc tuyển đầu vào. Trường nào có chất lượng đào tạo tốt, có uy tín xã hội cao, sẽ thu hút được nhóm thí sinh có điểm cao và ngược lại.

* Như vậy, việc tuyển sinh của các trường chỉ còn phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT ở khâu duyệt cấp chỉ tiêu. Nhưng trên thực tế, cán cân cung - cầu trong tuyển sinh đã khác xưa, rất nhiều trường không tuyển được người vào học. Như vậy, có nên tồn tại việc duyệt cấp chỉ tiêu cho các trường không, thưa PGS? 

- Tôi cho rằng, việc Bộ GD-ĐT xem xét và cấp chỉ tiêu đào tạo cho các trường ĐH, CĐ dựa trên năng lực đào tạo là việc làm cần thiết ở nước ta tại thời điểm này. Theo đó, những trường có đội ngũ giảng viên (GV) đông, có trình độ cao, có sức khỏe để làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học; có cơ sở vật chất đủ để phục vụ đào tạo thì được cấp chỉ tiêu nhiều. Ngược lại sẽ được cấp chỉ tiêu ít.

Việc duyệt chỉ tiêu hằng năm là một việc làm cần thiết đối với cơ quan quản lý giáo dục ĐH Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường ĐH tuyển sinh dựa vào tổng chỉ tiêu được giao cho toàn trường chứ không căn cứ vào số lượng GV của từng ngành đào tạo đang có.

Vì thế, có những ngành đào tạo dù có ít cán bộ giảng dạy nhưng số sinh viên (SV) tuyển vào lại khá cao (có khi cao hơn nhiều lần quy định về số lượng GV/SV). Theo quy định, những trường hợp tuyển sinh không đúng với số lượng GV sẽ bị bộ xử lý.

Hình thức xử lý có thể là phạt hành chính hoặc cấm tuyển sinh những năm tiếp theo. Nhưng trong thực tế, sở dĩ SV được gọi nhiều hơn năng lực đào tạo của các đơn vị là còn do thị trường đòi hỏi. Một khi các trường ĐH cũng chịu tác động của quy luật cung - cầu thì việc tuyển vượt chỉ tiêu nghe như là những nghịch lý sẽ vẫn thường xuyên xảy ra ở các trường.

Do vậy, tôi nghĩ, cần phải giải quyết được mối quan hệ cung - cầu cùng với năng lực đào tạo của các trường ĐH. Trong những trường hợp nhất định, nhà trường có thể tuyển sinh ở những ngành có nhu cầu học tập lớn nhiều hơn, thậm chí nhiều hơn nhiều lần so với quy định về chỉ số GV/SV. Tất nhiên, trường ĐH phải chịu trách nhiệm trước sản phẩm của mình, vì thế họ phải bổ sung đội ngũ GV thỉnh giảng để đáp ứng đủ yêu cầu giảng dạy cho mỗi khóa học. 

Hay de co che thi truong dieu tiet tuyen sinh dai hoc
Thí sinh sau giờ thi môn văn tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 - Ảnh: Phùng Huy

Về phía nhà nước, chỉ cần khuyến khích về nhu cầu cũng như năng lực của các trường ĐH để người học lựa chọn. Những trường tuyển theo nhu cầu nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy thì Bộ GD-ĐT có thể giảm hoặc cắt chỉ tiêu tuyển sinh trong các năm sau.

Quản lý nhà nước chỉ cần làm nghiêm công việc kiểm tra thường xuyên và thanh tra các trường có vi phạm, còn các trường sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của mình. Người sử dụng lao động đủ thông minh để lựa chọn hay không lựa chọn nguồn nhân lực do các trường cung cấp.

Hiện nay, có rất ít học sinh phổ thông có học lực loại khá và giỏi muốn đăng ký vào các trường sư phạm. Vì thế, việc tuyển sinh vào các trường sư phạm sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Tất nhiên, người học bây giờ cũng là người tiêu dùng thông minh, họ không bỏ tiền ra mua các dịch vụ đào tạo kém chất lượng. Hãy để cơ chế thị trường điều tiết tuyển sinh của các trường ĐH.

* Duyệt cấp chỉ tiêu tuyển sinh, với Bộ GD-ĐT là nhằm đảm bảo chất lượng đào đạo. Nhưng thực tế, biện pháp này dường như không có tác dụng. Ông có biện pháp nào khác?

- Đúng là việc xem xét và cấp chỉ tiêu cho các trường ĐH là nhằm tới việc đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo ĐH không chỉ phụ thuộc vào số lượng GV và trình độ chuyên môn của họ mà còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác, trong đó có cả chất lượng đầu vào, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện...

Nếu tuyển SV quá nhiều so với các điều kiện cần phải có thì việc đảm bảo chất lượng sẽ gặp khó khăn, nhất là đối với khối ngành kỹ thuật, cần nhiều đến thực hành, thí nghiệm. Vì thế, ngoài việc quy định về số lượng và trình độ của GV; những quy định về cơ sở vật chất, thư viện, phòng thí nghiệm… thì như trên đã nói, vai trò quản lý nhà nước của bộ - thông qua việc kiểm tra, thanh tra thường xuyên các cơ sở đào tạo - vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng ĐH.

Phải kiên quyết đóng cửa các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện mà vẫn tuyển sinh hoặc năng lực thấp nhưng lại tuyển quá nhiều. Ngoài ra, các trường ĐH phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo nên nhất thiết phải công khai đội ngũ GV cùng các điều kiện đảm bảo chất lượng và chịu trách nhiệm về sự minh bạch, chính xác của những thông tin đã công bố. 

* Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện. 

Cần kiểm tra năng lực nghề nghiệp của thí sinh thi vào sư phạm

* Hơn lúc nào hết, tuyển sinh vào ngành sư phạm đang được Bộ GD-ĐT và dư luận xã hội quan tâm. Theo ông, ngoài các bài thi như truyền thống, khâu tuyển đầu vào sư phạm cần bổ sung những nội dung hay các bước kỹ thuật gì để chọn được đúng những đối tượng cần tuyển?

- Đúng là Bộ GD-ĐT đã quan tâm nhiều đến tuyển sinh và công tác đào tạo trong các trường sư phạm. Cá nhân bộ trưởng đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo các trường ĐH sư phạm để tìm ra cách thức tuyển sinh và đào tạo GV sao cho tốt hơn.

Suy cho cùng, chính các thầy cô tương lai làm nên chất lượng giáo dục phổ thông và dạy nghề. Nếu SV đầu vào các trường sư phạm có học lực và tư cách yếu kém thì không thể mong có được đội ngũ người thấy tốt, có thể gánh vác sự đổi thay đi lên của giáo dục trong tương lai.

Chúng tôi rất vui trước quyết định các trường sư phạm trong cả nước phải tuyển sinh theo điểm chuẩn mà Bộ GD-ĐT quy định từ năm nay (tức là chỉ có các trường sư phạm mới có điểm chuẩn đầu vào); và việc bộ căn cứ vào nhu cầu sử dụng GV trong nhiều năm tới (trung hạn và dài hạn) của các địa phương để quy định chỉ tiêu đào tạo cho các trường ĐH sư phạm.

Theo tôi, sắp tới cần phải làm tốt hơn công tác dự báo GV theo từng môn học. Có như thế mới chủ động được việc đào tạo GV đáp ứng yêu cầu giáo dục của đất nước.

Khó khăn hiện nay là có rất ít học sinh phổ thông có học lực loại khá và giỏi muốn đăng ký vào các trường sư phạm. Vì thế, việc tuyển sinh vào các trường sư phạm có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu giải quyết được bài toán về thu nhập, về vị thế của người thầy thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng.

Vấn đề đáng quan tâm nữa là việc lựa chọn sao cho được những học sinh phổ thông có năng lực và phẩm chất làm nghề dạy học vào các trường sư phạm. Tôi nghĩ, các trường sư phạm cần phải có trang web và những bài kiểm tra để học sinh có thể kiểm tra năng lực nghề nghiệp, xem họ có phù hợp với nghề dạy học hay không. Chỉ những người có năng lực và phẩm chất phù hợp với nghề dạy học mới nên và được theo học trong các trường sư phạm.

Như vậy, ngoài việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông như hiện nay, các trường sư phạm cần phải kiểm tra SV trước khi tuyển họ vào học, tránh việc SV được lựa chọn không đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp tương lai.

Minh Nhật (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI