Hãy để cho người điên... được tỉnh

05/05/2018 - 07:40

PNO - “Người đã bị điên, là khi người đó biết một điều gì đó ngoài sức tưởng tượng của người bình thường. Nên lúc ấy, người ta gọi đó là điên”. Đây là một định nghĩa về điên của một người... tâm thần.

Trong những ngày gặp gỡ những bệnh nhân tâm thần, chúng tôi nhận thấy thế giới của người điên – một thế giới tồn tại song song với thế giới đời thực.

Bên dưới những tán cây xanh mát, người điên đi lại, nói chuyện, vui đùa. Dĩ nhiên là khi ấy họ đang sống trong thế giới của họ.

Nhưng vẫn có lúc họ bước ra thế giới thực. Đa phần nỗi đau đến từ đời thực. Có người ngã quỵ khi phải đối diện với cuộc sống thực nhiều chua cay. Và họ trở lại thế giới điên của mình, có khi là mãi mãi.

Vì sao tôi bị tâm thần?

Bài 1: Kẻ ác đã phá nát gia đình tôi

Bài 2: Người đàn ông chỉ thích ở bệnh viện tâm thần

Bài 3: Em lên cơn tâm thần, anh nỡ nào vào bệnh viện tìm em ký giấy bán nhà?

Bài 4: Người dưng ơi xin đừng đánh em nữa có được không?

Hay de cho nguoi dien... duoc tinh
Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cơ sở Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Gửi nhớ nhung về bên kia biên giới

Tú nhận thức rõ về căn bệnh của mình. Ngay cả sau khi lên cơn kích động cầm dao đòi đâm người nhà vì không được cho ra ngoài, Trương Thị Cẩm Tú vẫn ăn mặc gọn gàng, nhớ chính xác tên tuổi địa nhà căn nhà mình ở quận 12. Kết luận của các bác sĩ là Tú bị tâm thần phân liệt, cảm xúc vui vẻ, chưa ghi nhận ảo giác, không hoang tưởng. Bệnh khởi phát khi Tú chỉ mới 16 tuổi. 

Sinh ra ở bên kia biên giới, từ nhỏ đến khi thôi học, Tú ở Campuchia, rành rẽ tiếng Anh, Hoa và tiếng Việt vì cha là người Việt, mẹ người Campuchia. Trong hầu hết các bức tranh vẽ của mình, Trương Thị Cẩm Tú, 39 tuổi đều vẽ hình ảnh của đất nước Campuchia. Trong đó, Tú thích nhất bức vẽ Đồi độc lập của Campuchia.

Hay de cho nguoi dien... duoc tinh
Bác sĩ hỏi bệnh một nữ bệnh nhân tâm thần tại cơ sở Lê Minh Xuân (TP.HCM)

Đồi độc lập – một hình ảnh lặp đi lặp lại thường xuyên trong nỗi nhớ của người phụ nữ này chắc hẳn không phải vô cớ. Vì ở đó là nơi gắn liền với mối tình lãng mạn của Cẩm Tú với thầy giáo dạy tiếng Anh – người sau này trở thành chồng của cô.

Nhưng tất cả đều trở thành quá khứ sau vài năm chung sống, khi chồng phát hiện vợ từng bị tâm thần liền đưa đơn ly dị. Kể từ đó, Tú tái phát bệnh thường xuyên. 

Khi tôi hỏi: "Chồng bỏ, em còn có con mà?". Tú thở dài: “Bệnh này có con để làm gì hả anh? Và khi chồng không còn yêu thương mình nữa!".

“Không cãi nhau, không đánh nhau. Chỉ là hai người không nói chuyện gì với nhau nữa, như là chiến trạnh. Thế rồi hai người chia tay nhau”, Tú nói về cuộc chia tay với người chồng Campuchia – người thầy dạy tiếng Anh của mình một cách rất bình thản.

Hay de cho nguoi dien... duoc tinh
Những bệnh nhân tâm thần may quần áo - một trong những cách điều trị bệnh lý tâm thần

Nhưng trong câu chuyện của mình, hình ảnh đất nước Campuchia – nơi quê mẹ, nơi có một gia đình tưởng chừng đầy tình yêu luôn luôn xuất hiện trong từng lời nói, ánh mắt và ngôn ngữ của người phụ nữ đang phải điều trị bệnh lý tâm thần phân liệt. Tú muốn được tỉnh, được về nhà!

Những người điên rất… tỉnh

Cơ sở Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM có 5 khoa bệnh tâm thần, trong đó khoa T1 với hơn 100 giường bệnh và một khu vực khép kín dành riêng cho bệnh nhân nữ. Ở đây, tất cả các loại bệnh tâm thần ở chung với nhau. Nhiều nhất là bệnh tâm thần phân liệt, sau đó là rối loạn cảm xúc lưỡng cực và loạn thần. 

Bác sĩ Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết: “Những người điên họ tỉnh táo đến mức không thể ngờ. Trò chuyện sẽ thấy họ dùng cả lý trí để đối đáp với mình. Có được điều ấy là cả một sự thay đổi lớn so với trước kia.

Nếu trước đây, người bị bệnh tâm thần bị coi như không còn gì nữa thì hiện nay, với sự hỗ trợ của các loại thuốc mới và tốt hơn, tình trạng bệnh có thể thuyên giảm. Người bị bệnh tâm thần ngay cả là tâm thần phân liệt nếu đừng quên uống thuốc, vẫn hoàn toàn có thể tái hòa nhập với cộng đồng và làm việc bình thường”.

Hay de cho nguoi dien... duoc tinh
Khoa T1, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cơ sở Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Bác sĩ Trần Quốc Hùng chia sẻ: "Không chỉ những ai căng thẳng, trầm cảm, dễ tổn thương mới dẫn đến bệnh tâm thần; thực ra có những người chỉ qua một đêm do chấn thương sọ não, nhiễm trùng thần kinh, các bệnh mạch máu não…cũng trở thành bệnh nhân tâm thần".

Và cộng đồng xin đừng kỳ thị người bệnh tâm thần, phải an ủi, chia sẻ, lắng nghe họ, để hạn chế số lần tái phát, thậm chí lôi họ ra khỏi "thế giới người điên"; trở về cuộc sống đời thường.

Nếu không, những sang chấn tâm lý có thể khiến bệnh tâm thần phân liệt khởi phát hoặc tái phát; nhất là lúc người bệnh chứng kiến cảnh mất mát về tình cảm, danh dự, cái chết của người thân; ly thân, ly hôn; bị phân biệt đối xử trong giao tiếp xã hội, trong việc làm; bị trêu ghẹo, ngược đãi, hành hạ.

Hay de cho nguoi dien... duoc tinh
Bệnh nhân tâm thần đang "chất vấn" lại bác sĩ

Tình yêu thương đối với người bệnh tâm thần, trước hết phải được chính người thân trong gia đình, bạn bè dẫn lối.

Nếu không, các bệnh nhân tâm thần khép mình lại, rút vào thế giới nội tâm, không tiếp  xúc với ai: “Họ sống trong thế giới riêng của họ. Đó là thế giới chỉ mình họ biết, không ai có thể biết điều gì đang xảy ra trong đó”.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI