Hãy để cầu thủ trẻ tiến bước trong môi trường minh bạch

29/01/2018 - 09:43

PNO - Dù sao U23 châu Á cũng là giải trẻ, là khởi đầu. Điều mong chờ các em còn dài, ở cấp đội tuyển quốc gia và còn vươn ra tầm quốc tế. Công tác đào tạo cầu thủ trẻ còn phải tiếp tục với bộn bề nỗi lo.

Sau nụ cười và tiếng hò reo chiến thắng, những con người thầm lặng theo đuổi sự nghiệp đào tạo bóng đá trẻ lại không khỏi âu lo cho sự “trở về” của những người hùng, mà tuổi đời như tên các giải đấu U23, U19… bởi con đường phía trước thật dài, nhiều kỳ vọng và không ít cám dỗ.

Hay de cau thu tre tien buoc trong moi truong minh bach
Học viên trong các học viện bóng đá tư nhân tại Việt Nam

Thành công của U23 Việt Nam - tân á quân Vòng chung kết bóng đá U23 châu Á - tiếp tục ghi dấu ấn không thể chối cãi của mô hình học viện bóng đá tư nhân. Trong những năm gần đây, mô hình cho thấy hiệu quả lớn, cứ mỗi lứa cầu thủ ra lò, lại đóng góp đáng kể vào thành công của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, qua thành công lớn, đa số người tâm huyết với công tác đào tạo tài năng trẻ lại đều tỏ ra ưu tư.

Đầu tư và âu lo về cái “bầy hầy” của giải đấu trong nước

“Nói chung quan trọng nhất vẫn là việc đào tạo bài bản sẽ cho hiệu quả rõ ràng. Tôi không nghĩ tư nhân hay nhà nước, cái nào có lợi thế hơn, quan trọng là sự đầu tư đúng mức cho đào tạo trẻ”, bà Trần Thị Minh Nguyệt - Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần NutiFood - nêu quan điểm.

Theo bà Nguyệt, điều làm nức lòng người hâm mộ, cụ thể như lối thi đấu của U23 Việt Nam vừa qua, không chỉ ở đẳng cấp chuyên môn, nền tảng thể lực mà rõ ràng còn là đạo đức của các cầu thủ trẻ. Đây chính là khác biệt lớn so với trước đây, khi chưa có các học viện.

Đề cập đến Học viện bóng đá NutiFood, một lò non trẻ thành lập cách đây 3 năm, bà Nguyệt cho rằng, tất cả xuất phát từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình. Cơ duyên đến với bóng đá của NutiFood khá thú vị. Lãnh đạo công ty được thưởng thức màn so tài của lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện bóng đá HAGL-Arsenal-JMG tại trận chung kết U19 Đông Nam Á giữa U19 Việt Nam và Indonesia. 

Nhận thấy lứa cầu thủ rất tài năng, đạo đức tuyệt vời nhưng có phần thua kém đội bạn về thể hình, thể lực, là những người làm công tác dinh dưỡng, công ty nảy ra ý giúp các em cải thiện tình trạng này.

Hay de cau thu tre tien buoc trong moi truong minh bach
 

“Chúng tôi đã quyết định tài trợ dinh dưỡng toàn diện cho học viện. Từ đó, chúng tôi quyết tâm xây dựng Học viện bóng đá NutiFood - JMG với mô hình tương tự HAGL, với mong muốn chung tay cùng nền thể thao nước nhà tạo ra nhiều hơn nữa những cầu thủ chất lượng giúp bóng đá nước nhà vươn ra biển lớn”, bà Nguyệt nói.

Tuy nhiên, theo cựu danh thủ Nguyễn Hồng Phẩm - Trợ lý huấn luyện viên Học viện bóng đá NutiFood, các lò đào tạo tư nhân ra đời và gặt hái thành công là một điều mà các trung tâm huấn luyện nhà nước phải suy nghĩ.

“Trước đây, đào tạo cầu thủ trẻ phần lớn mang tính chất cho có, để đối phó với các giải trẻ. Vấn đề thứ hai là họ đòi hỏi thành tích sớm lắm, ra đá giải lứa tuổi U10, U12 là đã bắt phải "cái này, cái kia" rồi… Trong khi các học viện ngày nay người ta đầu tư cơ bản trong mọi vấn đề”, ông Phẩm đánh giá.

U23 thành công, nhưng ông Phẩm tỏ ra ưu tư. Theo ông, xuất phát điểm bóng đá trẻ của Việt Nam không thua kém ai trong khu vực, như lứa HAGL, lứa U19, U23 vừa qua. Nhưng khi ra những đấu trường như Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League), các em lại sẽ bị tác động “nhiều thứ”.

Và cái âu lo thường trực của các lò đào tạo, sau khi đã tâm huyết đầu tư, đã có thành tích vượt bậc, thì những “hoa ngon trái ngọt” mà họ cất công tạo ra lại phải đối diện với những “thách thức” nằm ngoài chuyên môn nếu muốn tiếp tục dấn bước trên con đường cầu thủ chuyên nghiệp.

Đơn cử, các cầu thủ U23 Việt Nam sẽ tiếp tục con đường phía trước như thế nào? Câu trả lời chắc chắn, đó chính là thử thách ở V-League - mà theo cựu cầu thủ Đặng Gia Mẫn, cầu thủ trẻ rất dễ bị thui chột, hủ hóa tại đó.

“Tôi chỉ mong sao V-League giảm số cầu thủ ngoại xuống để cho cầu thủ trẻ của chúng ta có nhiều cơ hội hơn để trưởng thành. Chứ còn những thứ khác thì khó thay đổi lắm”, ông Mẫn cười buồn.

Sức ép vô hình từ khán giả sẽ thay đổi V-League?

Ông Phẩm nhấn mạnh: “Tôi không nói là V-League làm "hư" các em mà nó cho thấy sự không đồng bộ. Điển hình là mùa V-League nào cũng xảy ra sự cố. Một thời V-League hấp dẫn lắm nhưng bây giờ thì nào là nhường điểm, trọng tài, tùm lum tùm la hết… Tôi nghĩ tiềm năng thì lớn lắm, vấn đề còn lại là nhân thành công của U23, làm sao phải có định hướng chiến lược lâu dài”.

Theo ông Phẩm, để người trẻ có điều kiện phát triển, V-League cần có điều lệ bảo đảm tỷ lệ cầu thủ trẻ thi đấu nhất định. Điều này Thái Lan hay Hàn Quốc đã làm từ lâu.

“Ở Park Hang Seo, tôi phục nhất là ông đã thức tỉnh cả nền bóng đá Việt Nam. Tôi tin chắc đội tuyển còn một tương lai ổn định. Hình ảnh từ huấn luyện viên cho đến cầu thủ đều cho thấy phong cách thi đấu hay, tư cách đạo đức, đá đẹp, đá sạch. Nhưng như đã nói, vấn đề khi các em về các câu lạc bộ, các giải đấu trong nước thì toàn đá xấu, tiểu xảo, ra đá bị đối phương triệt hạ, trọng tài không nghiêm khắc, ngồi dự bị…

Nhân thành công này, mong các cấp lãnh đạo bộ, liên đoàn có một hoạch định chiến lược, qua đó V-League và các giải trẻ ngày càng lớn mạnh. Lúc đó, mình sẽ được quyền nhìn ra xa hơn tầm khu vực”, ông Phẩm khẳng định.

Đồng quan điểm trên, đại diện một học viện bóng đá lớn ở phía Bắc chia sẻ với Báo Phụ Nữ khi đang trên đường ra đón đội tuyển U23 rằng, dù sao đây cũng là giải trẻ, là khởi đầu thôi. Điều mong chờ các em còn dài, ở cấp đội tuyển quốc gia và còn vươn ra tầm quốc tế. Công tác đào tạo cầu thủ trẻ còn phải tiếp tục với bộn bề nỗi lo.

“Làm công tác đào tạo trẻ gần 10 năm nay, chúng tôi thấy cầu thủ ở trong lò đào tạo thì được dạy dỗ cực kỳ nghiêm ngặt, từ lý tưởng, lòng yêu nước, cho đến việc đi ra ngoài thi đấu cho một màu cờ sắc áo nào đó, dạy về sự trong sáng, sự trung thực của cầu thủ… Nhưng khi các em đi ra ngoài làm cầu thủ chuyên nghiệp với "một môi trường xấu", chúng tôi không biết các em sẽ giữ được mình bao lâu nữa”, vị này giấu tên nên nói thẳng.

Ông cho biết tiếp, vừa rồi, chuyển nhượng 28 cầu thủ về các câu lạc bộ ở V-League, nhưng các em thường vẫn nhắn tin về bảo rằng bây giờ về câu lạc bộ thì “thế này, thế kia” không phải như trường đã dạy…

“Thực ra học viện của chúng tôi đang hướng tới việc sẽ đưa các cầu thủ trưởng thành ra nước ngoài thi đấu. Cho dù có đá hạng 2, hạng 1, chưa đá nổi ở Champion League, nhưng ở đó, các em vẫn được thi đấu trong môi trường thực sự trong sáng, thực sự nhìn ra thế giới… nhưng rất khó khăn”, ông nói.

Nhưng trước mắt, theo chuyên gia, nơi thực sự để cống hiến, để tích lũy kinh nghiệm, để có thể trưởng thành ở cấp độ đội tuyển quốc gia vẫn là V-League. Cho dù thất vọng về V-League nhưng không thể bỏ qua nó mà cần luôn mang cái ưu tư về tương lai các cầu thủ trẻ để làm sao có môi trường tốt và trong sáng để các em phát triển.

“Có hàng trăm nghìn người đổ ra đường chào đón đội tuyển, nhưng liệu có bao nhiêu người mua vé đến sân xem các trận đấu ở V-League? Cho dù có chán nản về V-League đến đâu đi chăng nữa, thì đó vẫn là môi trường tốt nhất để rèn luyện các cầu thủ trẻ… Nếu như người hâm mộ dành nhiều tình yêu cho V-League như tình cảm dành cho U23 hiện nay, thì bản thân V-League sẽ hoàn thiện mình hơn”, vị này nói.

Bởi theo ông, khán giả có sức mạnh của mình khi ngồi trên khán đài quan sát những trận đấu. Điều đó sẽ giúp giải đấu dần trở nên minh bạch hơn. Khi không có đôi mắt nào theo dõi nữa, ai “muốn làm gì thì làm”. Còn khi tất cả mọi người cùng trông vào, nó càng dần trở nên minh bạch hơn. Bản thân người hâm mộ sẽ tạo ra sức ép bằng chính tình yêu bóng đá của mình, điều tưởng chừng như không có sức mạnh gì. Thay đổi từ đây, dễ hơn từ các cơ chế, chính sách, liên đoàn… 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI