Hãy dành không gian cho nước

12/06/2024 - 05:51

PNO - Dù có cống lớn mà không chừa không gian tự nhiên cho nước thì tình trạng ngập vẫn không được giải quyết triệt để.

Chiều 15/5, cơn mưa lớn đổ xuống khiến nhiều tuyến đường ở TPHCM biến thành biển nước - Ảnh: Minh An
Chiều 15/5, cơn mưa lớn đổ xuống khiến nhiều tuyến đường ở TPHCM biến thành biển nước - Ảnh: Minh An

Đi qua những ngày nắng khô oi bức, người dân TPHCM lại tiếp tục đối mặt với mùa mưa ngập lụt. Thời tiết đang ngày càng cực đoan. Mới đầu mùa mưa mà đã có những cơn mưa với vũ lượng lớn.

Vừa đưa vào hoạt động ngày 27/4/2024, hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức đã “thất thủ” ngay trận mưa đầu mùa ngày 15/5, khi lượng mưa lên đến 121mm, còn cống chỉ ứng phó được lượng mưa 75,88mm. Nhưng tình trạng ngập ở đường Võ Văn Ngân và quanh chợ Thủ Đức không chỉ do hệ thống thoát nước không tương thích mà còn do quá trình đô thị hóa quá nhanh. Toàn bộ đường Võ Văn Ngân và Tô Ngọc Vân kín mít bê tông, lại có độ dốc lớn nên nước cứ thế tràn xuống chỗ trũng mà không có chỗ thoát, chỗ thấm, biến “lòng chảo” chợ Thủ Đức thành sông.

Nếu chỉ dùng giải pháp công trình thì chẳng khác nào chuyển ngập từ điểm này sang điểm khác. Khi hệ thống thoát nước mới giúp giảm ngập cho 2 điểm trước nhà thờ và nhà thiếu nhi trên đường Võ Văn Ngân thì các tuyến đường quanh chợ Thủ Đức lại bị ngập sâu và lâu hơn.

Nhìn rộng ra, nhiều quận, huyện ở TPHCM bị đô thị hóa quá nhanh và vô tội vạ, không theo quy hoạch nào. Những trục đường chính hầu như không còn khoảng trống tự nhiên nào để tiêu trừ nước. Nước không có chỗ chứa, chỗ thấm, cũng không có cách nào thoát ra sông, rạch.

Sự phát triển ồ ạt nhà ở, công trình cùng sự biến mất của hàng ngàn héc ta kênh rạch, vườn ruộng đã khiến thành phố không còn những không gian chứa nước tự nhiên. Việc gia tăng diện tích bê tông hóa một cách mất kiểm soát không chỉ làm tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt đường sá mà còn làm sụt giảm lượng nước ngầm và gây lún cho đô thị, là nguyên nhân kép khiến tình trạng ngập thêm trầm trọng.

Hệ thống thoát nước của TPHCM được thiết kế dựa theo Quyết định 752 của Thủ tướng Chính phủ năm 2001 về quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020 chỉ đáp ứng được lượng mưa 85,36mm (cống cấp 2), 75,88mm (cống cấp 3) và mực nước triều 1,32m. Nhưng trong thực tế, ngày càng nhiều trận mưa có lượng mưa trên 100mm, còn triều cường đã thiết lập đỉnh mới 1,7 - 1,8m.

Quy hoạch quá lạc hậu so với thực tế và đã hết hạn nhiều năm, nên cần gấp rút xây dựng quy hoạch thoát nước mới. Nhưng dù có cống lớn mà không chừa không gian tự nhiên cho nước thì tình trạng ngập vẫn không được giải quyết triệt để.

Các nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan đã xây dựng hệ thống hầm ngầm khổng lồ dưới lòng đất để chứa nước, Singapore có hệ thống 40 con kênh và rãnh thoát nước dài 1.000km cùng mạng lưới cống 8.000km để thoát nước triều và nước mưa. Còn ở Việt Nam, ngành chức năng chỉ đếm số điểm ngập hằng năm và tìm cách giải quyết cục bộ bằng các giải pháp công trình như nâng đường, làm cống nên ngập vẫn hoàn ngập.

Muốn ngăn ngập và ngừa ngập cần hướng tới giải pháp mang tính tổng thể để điều tiết, quản lý thoát nước theo từng lưu vực, một mặt tăng bề mặt thấm để giảm lưu lượng và tốc độ dòng chảy, một mặt quy hoạch cao độ phù hợp để phân luồng nước mưa, nước triều ra sông rạch.

Điều tiết nước, tận dụng nước là cách thức cần thiết, hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng trong tương lai. Việc tăng thêm mảng xanh, hồ điều tiết, nạo vét và giữ gìn hệ thống sông, kênh, rạch tự nhiên không chỉ giúp chống ngập hiệu quả mà còn làm tăng chất lượng sống cho người dân thành phố.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI