Hãy cho trẻ quỹ thời gian rộng rãi hơn

26/10/2022 - 06:24

PNO - Đất nước muốn phát triển thì không thể biến việc học trở thành một gánh nặng...

Trước những bức xúc của phụ huynh về việc học sinh thiếu ngủ do đi học quá sớm, phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã trao đổi với ông Nguyễn Hồng Ân - Giám đốc Chương trình Tâm lý học, Trường đại học Hoa Sen (TPHCM) - về giấc ngủ của học sinh và áp lực học tập.

Phóng viên: Thiếu ngủ gây ra những hệ lụy cụ thể nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả học tập, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Ân: Nhìn chung, hầu hết bạn trẻ của chúng ta hiện nay đang gặp vấn đề về giấc ngủ, đặc biệt là ngủ không đủ giấc. Ngoài giúp hồi phục năng lượng, tái tạo não bộ, việc ngủ đủ giấc giúp củng cố lại những điều đã học, những gì đã làm trong ngày, thúc đẩy sự tăng trưởng cơ thể và đó là thời gian nghỉ ngơi quan trọng nhất của con người.

Khi thiếu ngủ, việc học sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp do học sinh mất tập trung. Thiếu ngủ khiến việc điều tiết cảm xúc trở nên khó khăn, tác động tiêu cực đến việc lập và thực hiện các kế hoạch trong cuộc sống. Khi có vấn đề về cảm xúc, học sinh có thể gặp bất ổn trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô hoặc với cha mẹ. Tất cả sẽ hạn chế chất lượng học tập.

* Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trẻ ở các đô thị lớn ngủ không đủ giấc?

- Tôi cho rằng, cần có các khảo sát khoa học mới nói chính xác được. Nhưng từ kinh nghiệm và quan sát của tôi, lịch trình hoạt động của học sinh hiện quá dày. Lịch học rất nặng. Khi về nhà, học sinh không được nghỉ ngơi mà phải hoàn thành bài tập, chuẩn bị bài cho hôm sau, ôn tập cho những tiết kiểm tra… Một số gia đình còn cho con em học thêm, học ngoại khóa. Đến khi hoàn thành các “nghĩa vụ” đó, trẻ sẵn sàng “hy sinh” thời gian đáng lý ra phải ngủ cho các nhu cầu khác, như lướt mạng xã hội. Đó là nhu cầu chính đáng bởi các em cũng cần giải trí, cần trao đổi với bạn bè. 

Mỗi ngày chỉ có 24 giờ mà lịch hoạt động kín mít thì thứ mà trẻ dễ cắt ngắn nhất là giấc ngủ. Mặt khác, áp lực bài vở cũng làm gia tăng lo âu, căng thẳng và điều này khiến trẻ mất ngủ.

* Cha mẹ có thể làm gì để giúp con mình, thưa ông?

- Khoa tâm lý có một khái niệm “vệ sinh giấc ngủ” (sleep hygiene), nó liên quan đến cách hiểu đúng về giấc ngủ và làm sao để bảo đảm có một giấc ngủ chất lượng. Đôi khi, nhiều cha mẹ không nắm rõ điều này nên gặp khó trong việc hướng dẫn các con.

Ví dụ, khi chúng ta xem điện thoại, ti vi nhiều trước khi ngủ, ánh sáng xanh trên màn hình sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Hoặc nếu trẻ tổ chức ăn uống trên giường ngủ thì sẽ không tạo cho trẻ phản xạ “hễ nằm lên giường là ngủ”. Ngủ không đúng giờ cũng gây khó ngủ. Cho nên, ngủ đủ thôi là chưa đủ mà phải ngủ có chất lượng. Chất lượng giấc ngủ bị chi phối nhiều bởi môi trường xung quanh như ánh sáng, âm thanh hoặc những thứ xao động khác.

Theo tôi, phụ huynh cần tìm hiểu về “vệ sinh giấc ngủ” để cung cấp, hỗ trợ thông tin cho con cái. Đồng thời, cha mẹ phải cùng con lên kế hoạch bảo đảm giấc ngủ để thông hiểu, cân bằng cho trẻ giữa lịch hoạt động quá dày và nhu cầu giải trí, giao tiếp. Chúng ta không nên ép một chiều mà cần phải trò chuyện, thảo luận để biết con muốn gì, đang gặp khó khăn gì rồi cùng đưa ra cách thức để giải quyết.

* Theo ông, nhà trường nên làm gì để cải thiện tình trạng trẻ ngủ không đủ giấc?

- Theo tôi, vào học lúc 7g là quá sớm. Tôi nhớ hồi còn đi học, tôi phải dậy lúc 5g30 để kịp đến trường vào 7g và tôi bỏ luôn ăn sáng. Thời gian ngủ cao lắm chỉ được 6 giờ/ngày. 

Trở lại vấn đề trên, tôi thấy rằng, cân nhắc giờ bắt đầu việc học là việc mà các nước trên thế giới vẫn làm và chúng ta nhất thiết phải làm. Điều nữa là cần xem xét lại khối lượng học tập bởi nó gây áp lực lên trẻ, ảnh hưởng đến quỹ thời gian của trẻ. Đất nước muốn phát triển thì không thể biến việc học trở thành một gánh nặng cho mọi người được.

* Xin cảm ơn ông! 

Nam Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI