Hãy cho trẻ một mùa hè trọn vẹn

01/07/2024 - 06:33

PNO - Ra sức học hành quanh năm, có lẽ mọi đứa trẻ đều mong có những ngày hè được nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích, không phải lo học bài, trả bài.

Ở thôn quê, trẻ tha hồ chạy nhảy, nô đùa bởi xung quanh chúng là những không gian thiên nhiên rộng lớn. Ngược lại, ở thành thị, trẻ không dễ có không gian ngoài trời để vui chơi.

Từ đầu kỳ nghỉ hè đến nay, những đứa trẻ trong chung cư nơi tôi ở (quận Phú Nhuận, TPHCM) gần như chỉ biết giam mình trong nhà. Ra hành lang nô đùa thì không gian chật chội, bước xuống đường chơi thì gặp nguy hiểm bởi xe cộ qua lại không ngừng. Rốt cuộc, kỳ nghỉ hè của chúng chỉ loanh quanh trong nhà xem phim trên ti vi hoặc dán mắt vào màn hình điện thoại để chơi game, xem TikTok, YouTube.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), một trong những yếu tố chính cản trở hoạt động vui chơi của trẻ ở đô thị là không có hoặc quá ít không gian. Có khoảng 1 tỉ trẻ em trên toàn cầu sống ở các thành phố vào năm 2050 - nơi mà giao thông đông đúc, không khí ô nhiễm và không gian xanh tự nhiên, sự đa dạng sinh học bị suy giảm do ảnh hưởng của đảo nhiệt. Nghĩa là, khoảng 1 tỉ trẻ em khó có cơ hội vui chơi ngoài trời.

Một yếu tố khác cũng cản trở hoạt động vui chơi ngoài trời của trẻ là xu hướng “cha mẹ trực thăng”: các ông bố, bà mẹ luôn kè kè bên cạnh con vì sợ chúng gặp nguy hiểm. Về phía mình, trẻ cũng có xu hướng “thu mình trên mạng xã hội”. Theo một khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trẻ em ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội 5-7 giờ/ngày. Số giờ có lẽ còn tăng hơn vào mùa hè, khi trẻ có nhiều thời gian rảnh để “vọc” điện thoại, máy tính.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những trẻ quanh quẩn trong nhà dễ bị béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường type 2. Trong khi đó, những trẻ thường xuyên chơi đùa ngoài trời không chỉ tránh được các nguy cơ này mà còn có được lòng dũng cảm, sự tự tin, tính sáng tạo và kỹ năng giải quyết tình huống tốt hơn.

Trong vài năm gần đây, nhiều trẻ ở thành phố đã có được kỳ nghỉ hè đích thực như đi du lịch cùng gia đình hay được gửi về nhà người thân ở quê chơi. Có em còn được tham gia trại hè quân đội hoặc các chuyến dã ngoại do ban, ngành, đoàn thể tổ chức. Các hoạt động này giúp trẻ tái tạo năng lượng để chúng có thể học hành tốt hơn khi quay lại trường vào năm học sau.

Nhưng không phải trẻ nào cũng có điều kiện tham gia các hoạt động bổ ích như thế. Do hoàn cảnh gia đình, suốt mùa hè, nhiều phụ huynh cũng chỉ biết để con mình loanh quanh ở nhà, không tiếp cận được các hoạt động ngoài trời. Nhận biết điều này, nhiều địa phương đã nỗ lực tổ chức những hình thức sinh hoạt hè khác nhau cho các trẻ hoàn cảnh như trên, như mở lớp kỹ năng sống, tạo sân chơi với nhiều hoạt động thể chất. Nhưng phần lớn các hoạt động này chưa diễn ra ở những không gian ngoài trời đúng nghĩa để trẻ khám phá được những điều kỳ diệu từ thiên nhiên mà chúng khó có thể học được ở trong trường.

Dĩ nhiên, tổ chức các hoạt động như thế đòi hỏi nguồn lực tài chính không ít, nhưng điều này có thể giải quyết bằng việc kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm đến tương lai lâu dài của thế hệ trẻ.

Cũng cần lưu ý, việc “kéo” trẻ ra khỏi nhà để tham gia hoạt động ngoài trời không thể là chuyện “đến hẹn lại lên” vào mùa hè, mà nó cần được thực hiện thường xuyên, quanh năm.

WHO khuyến cáo, trẻ em từ 1-5 tuổi cần ít nhất 3 giờ/ngày tham gia các hoạt động thể chất khác nhau, còn ở trẻ 5-17 tuổi cần ít nhất 1 giờ/ngày thực hiện hoạt động thể chất có cường độ từ trung bình đến mạnh mẽ.

Để đạt được điều này, cần nhiều giải pháp khác nhau cũng như sự chung tay của gia đình, nhà trường, xã hội. Trẻ em là tương lai của đất nước và tương lai xán lạn của đất nước chỉ có thể có được từ những công dân trẻ mạnh mẽ cả về trí tuệ lẫn thể chất.

Phan Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI