Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “TP.HCM là vùng động lực, có nguồn thu lớn, nộp cho trung ương lớn, trên tinh thần đó phải tạo động lực cho TP.”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định: “Phải có sự tự chủ lớn nhất cho TP.HCM. Không phải TP muốn cơ chế đặc thù để thành vương quốc riêng mà mong muốn tự chủ nhiều hơn, làm ra tiền nhiều hơn, đóng góp cho đất nước nhiều hơn”.
Lại một lần nữa, câu chuyện “đặc thù”, chiếc áo “tự chủ” được “thức dậy” và tiếp nối trong suy nghĩ, ý chí, quyết tâm hành động của lãnh đạo TP về một tương lai phát triển với đầy đủ điều kiện, cơ hội, dự báo; và trên hết là cảm thức - trách nhiệm chung - riêng: Sài Gòn - TP.HCM luôn luôn cùng cả nước, vì cả nước.
Vẫn phải nói về một tâm lý thói thường, gần hơn là một nỗi lo ngại mơ hồ đâu đó mà người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đã không ngại ngần khi nhắc đến, TP này không đòi cơ chế đặc thù để thành một vương quốc riêng…
Thành phố này, với hơn 300 năm tuổi, lịch sử và những trầm tích biến thiên luôn cùng cất tiếng nói hợp âm của khai phá - hội tụ - phát triển; nếu cảm thức khai phóng cương thổ của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều là hướng về phương Nam thì Thành phố này cũng là nơi tụ - tán của mọi hành trình “mang gươm đi mở cõi”.
Để nền kinh tế, kéo theo là vị thế phát triển của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, bên cạnh vốn vật chất (physical capital), vốn nhân sinh (human capital), vốn thiên nhiên (nature capital) tôi nghĩ nhiều về vốn xã hội (social capital) - nơi “mạng lưới xã hội với những tiêu chuẩn giao dịch qua lại trong sự tin tưởng lẫn nhau và đồng thời đó cũng là đạo lý cư xử giữa người và người trong xã hội” (theo Trần Kiêm Đoàn).
Tin cậy trao cho Thành phố một cơ chế đặc thù, giải phóng nguồn năng lượng hiện hữu, khai phóng năng lượng tiềm năng bằng vốn tư bản hữu hình, vốn con người, vốn thể chế, vốn xã hội - mà lòng tin, kết nối con người với con người, con người với tổ chức xã hội, tổ chức xã hội này với tổ chức xã hội khác, lớn hơn, cao hơn… là thành tố quan trọng cấu thành - sẽ là tài nguyên quý của quốc gia, làm nên tài sản giàu có cho đất nước.
Một chính phủ kiến tạo, hẳn đã viễn kiến và thấu thị về những con đường thể chế, chính sách, về dự báo tình hình, đoán định xu thế, chọn những “điểm rơi” vùng và liên kết vùng để tập trung đầu tư, vừa tạo nguồn động lực tăng trưởng vừa là mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Sài Gòn – TP.HCM luôn vươn mình qua những nét vẽ vừa hào hoa vừa mạnh mẽ, dấn thân trong bức tranh chung mang tâm thế Việt Nam, như thế!
Bước đầu, thống nhất TP.HCM được hưởng 30% số tăng thu từ các khoản thu ngân sách trung ương được phân chia trên địa bàn, nâng mức dư nợ vay cho TP.HCM không vượt quá 70%, đề xuất được phân cấp mạnh hơn về thẩm quyền tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng khoán chi hành chính, thẩm quyền về nhân sự theo hướng lựa chọn nhân tài… là những đồng thuận về mặt quy định, cơ chế cho TP.
Nó không chỉ là phép tính toán, cân đối, sắp xếp mang tính hành chính, thể chế, sâu xa, đó là phép ứng xử trong chung có riêng, trong riêng có chung; trong mở có khép, trong khép có mở; trong định hình có phát triển, trong phát triển có định hình hết sức biện chứng của thế ứng biến văn hóa Việt Nam.
Mới đây, trong đợt thị sát hồ thủy lợi Dầu Tiếng (Tây Ninh), nơi cấp nước sinh hoạt cho địa bàn TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã “sòng phẳng” nói, chúng ta xài thì phải trả phí, dẫn nước về thì phải có trách nhiệm đóng góp một phần tiền để hồ Dầu Tiếng tiếp tục đầu tư, nâng cấp, vận hành.
Cùng với việc tính toán đầu tư đường ống dẫn nước trực tiếp từ Dầu Tiếng về TP.HCM, chia tách các đường dẫn nước tưới tiêu nông nghiệp, nước phục vụ công nghiệp và nước sinh hoạt, ông không quên thành ý hỗ trợ xây dựng nhà ở cho cán bộ nhân viên nhà máy, cùng Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang bàn hướng tìm giống cá vừa phù hợp môi sinh, vừa tăng nguồn sinh lợi cho bà con ở khu vực quanh hồ…
Trên đường trở về, ngang qua vùng giáp ranh Trảng Bàng (Tây Ninh), Củ Chi (TP.HCM), nơi còn lưu dấu bao chiến công hiển hách, kể cả những di hậu một thời tang thương mất mát, những vị công bộc của TP không giấu được niềm trăn trở, Trảng Bàng, Củ Chi hy sinh quá nhiều trong chiến tranh, phải làm sao để bù đắp cho những người đã ngã xuống, những người đang còn lại…
Một cơ chế vận hành hợp lý và thông thoáng như thế nào, một đặc thù phát triển sâu và bền vững ra làm sao, để TP này không chỉ vươn mình cho tương lai mà còn trả nghĩa cho quá khứ, cho một phần lịch sử đã mang ơn từ bao con người, bao thế hệ, bao hình hài muôn cõi đổ về đây; cũng như từ bến cảng năm nào, có một chàng thanh niên xuống tàu ra biển lớn, khởi sự từ TP này để mang cả nền độc lập tự chủ về cho đất nước hôm nay.
“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất”, thử vận dụng nguyên lý đòn bẩy của nhà cơ học thiên tài cổ đại Acsimet, muốn nâng được một vật thể, hãy đặt vào lực đó một cánh tay đòn theo chiều dài của đòn bẩy, còn vật thể thì cho tác dụng vào tay đòn ngắn; hãy đặt những cơ chế tự chủ, chính sách đặc thù, đúng tầm của Thành phố, đó sẽ là đòn bẩy để nhấc bổng sức sáng tạo, tính năng động, tinh thần dấn thân của mọi nguồn lực Thành phố, góp phần chung sức cùng cả nước, vì cả nước.
Lê Huyền Ái Mỹ