Hãy cho thấy tương lai tươi sáng khi chọn học nghề

22/05/2024 - 05:58

PNO - Việc giáo viên vận động học sinh điền vào mẫu đơn xin không thi vào lớp Mười đã diễn ra trong nhiều năm qua và nay đến hẹn, vẫn tái diễn. Ban giám hiệu các trường luôn lặp lại lời giải thích: có thể do phụ huynh chưa hiểu rõ vấn đề, do giáo viên làm cho phụ huynh chưa hiểu hoặc hiểu nhầm chứ nhà trường không bắt buộc.

Có phải quan niệm Á Đông “học để làm thầy” khiến phần đông phụ huynh chưa có cái nhìn cởi mở, thiện cảm với học nghề, khiến công tác phân luồng gặp khó khăn? Đúng, đây là nguyên nhân lớn, nhưng chúng ta dường như chưa làm gì để thay đổi quan niệm đó, trong khi các nước Á Đông khác đã làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp từ lâu.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ở Nhật Bản, sau bậc THCS, có khoảng 70% học sinh học tiếp lên THPT, 30% học nghề. Chính phủ Nhật Bản có chính sách phát triển trường trung học kỹ thuật bậc cao và thành lập loại hình trường cao đẳng công nghệ, đào tạo 5 năm với đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS.

Ở Trung Quốc, bậc trung học gồm hệ THPT và trung học nghề, trong đó THPT kéo dài 6 năm, gồm sơ trung và cao trung, còn hệ trung học nghề chỉ kéo dài 3 năm, do trường trung cấp chuyên nghiệp, trường công nhân kỹ thuật và trường dạy nghề đảm nhiệm. Tỉ lệ vào hệ THPT và trung học nghề của họ là 50 - 50 và 2 loại hình này liên thông với nhau để cùng phát triển.

Như vậy, quan niệm Á Đông không phải là nguyên nhân căn cốt cản trở công tác hướng nghiệp, phân luồng. Điều mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận là đã khiến công tác này ngày càng đi lệch chủ trương.

Ở Malaysia, công tác hướng nghiệp bắt đầu từ giáo viên tiểu học. Các trường đều có câu lạc bộ nghề nghiệp để hướng dẫn nghề nghiệp cho học sinh và học sinh được tạo điều kiện thảo luận, tìm hiểu sâu hơn, chủ động tìm kiếm, khám phá các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp. Đặc biệt, học sinh được khuyến khích tự tạo việc làm. Ở Hồng Kông (Trung Quốc), học sinh THCS được giáo dục hướng nghiệp đồng thời với chương trình chính khóa trong suốt 4 năm. Họ còn đưa ra 9 lĩnh vực hướng nghiệp cụ thể để học sinh tiếp cận và tìm hiểu.

Việt Nam đang rất yếu ở công tác hướng nghiệp. Đó chính là nguyên nhân cản trở công tác phân luồng, cũng là nguyên nhân xuất hiện những lá đơn “xin không thi vào lớp Mười công lập” gây ồn ào, bức xúc trong dư luận nhiều năm qua.

Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực hướng nghiệp để tổ chức những khóa nghiệp vụ về hướng nghiệp ngắn hạn, bắt buộc với tất cả giáo viên, đồng thời đưa hướng nghiệp trở thành môn học bắt buộc ở các trường đào tạo sư phạm. Bộ cũng cần quyết liệt, khẩn trương đổi mới trong đào tạo giáo viên, như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2019: “Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục chứ không phải thợ dạy, phải gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và bồi dưỡng giáo viên”.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần làm cho giáo viên nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tự học không ngừng, mỗi cá nhân của ngành phải chủ động cập nhật kiến thức và phương pháp để giảng dạy tốt hơn, hướng nghiệp tốt hơn. Chỉ riêng việc giáo viên thực hiện tốt định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới là đã phát huy khả năng tiềm ẩn, riêng biệt của từng học trò. Đó là nền móng cơ bản, vững chắc của công tác hướng nghiệp.

Tất nhiên, bên cạnh đó, còn cần nhiều giải pháp để người chọn con đường “học làm thợ” nhận được nhiều lợi ích, thấy được tương lai sáng sủa. Bằng không, việc hướng nghiệp vẫn chỉ là cuộc vận động suông.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI