Hãy cho họ thấy tương lai tươi sáng

12/08/2024 - 06:07

PNO - “Đến năm 2025, có 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2030, tỉ lệ này tăng lên 50 - 55%”

Hầu như ở mọi tỉnh, thành, kỳ tuyển sinh lớp Mười năm nào cũng căng thẳng, chiếm nhiều tâm tư của phụ huynh và bút mực của báo giới. Trong khi đó, không mấy ai quan tâm thực trạng không có nhiều học sinh sau THCS đi học nghề, tỉ lệ người lao động qua đào tạo của nước ta quá thấp.

Phần đông học sinh tốt nghiệp THCS vẫn cố chen chân vào trường THPT công lập, còn học sinh tốt nghiệp THPT thì cố vào cho bằng được giảng đường đại học. Nếu không vào đại học, nhiều thanh niên bước ngay vào thị trường lao động, chấp nhận làm công việc đơn giản, trong khi thị trường rất thiếu công nhân, kỹ thuật viên thạo nghề.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng. Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản vừa tác động trực tiếp lên tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, vừa tạo nên sức hút để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tương đương 11,4% năng suất lao động của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản (năm 2022).

Tại diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia” diễn ra hồi tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta tuy đã được nâng lên nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và dạy nghề nhằm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động.

Muốn có chất lượng, nguồn nhân lực phải được đào tạo bài bản. Để thu hút học sinh lựa chọn học nghề, ở tầm vĩ mô, cần cải tổ hệ thống giáo dục sao cho học sinh sau THCS có thể chọn vào trung học nghề hoặc vào THPT và dù chọn hệ nào, các em đều được quyền học lên cao đẳng, đại học khi có nhu cầu.

Thêm nữa, trường trung học nghề phải có cách dạy các môn văn hóa khác với cách dạy trong trường THPT, để người học có thể tiếp nhận kiến thức phổ thông qua việc học nghề, bằng cách tích hợp môn học văn hóa vào các môn học nghề.

Nghĩa là, ở trường trung học nghề, việc dạy môn toán của nghề kế toán khác với dạy môn toán của nghề cơ khí hay nghề điện tử và tất nhiên là khác hẳn việc dạy toán trong trường THPT. Điều này giúp tiết kiệm thời gian học văn hóa để người học tăng thời gian thực hành, nâng cao kỹ năng nghề.

Để thu hút người học nghề, không thể tách rời việc đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Do đó, yêu cầu bắt buộc với mọi cơ sở giáo dục nghề nghiệp là phải tăng cường liên kết với doanh nghiệp để cùng đào tạo.

Trên thực tế, đã có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tận dụng được máy móc hiện đại của doanh nghiệp để học viên được thực hành, nâng cao tay nghề cũng như thích ứng với công nghệ mà doanh nghiệp đang ứng dụng. Thậm chí, có những doanh nghiệp nước ngoài còn trả lương cho học viên trong những kỳ học thực hành và tuyển dụng học viên khi họ chưa tốt nghiệp trường nghề.

“Đến năm 2025, có 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2030, tỉ lệ này tăng lên 50 - 55%” là những mục tiêu khá xa thực tế nhưng không phải không thể thực hiện.

Để biến mục tiêu thành hiện thực, cần thực sự khuyến khích người học nghề cả về môi trường đào tạo (mà yếu tố hàng đầu là chất lượng) lẫn sự đối đãi về sau, bao gồm việc sử dụng, bố trí, bổ nhiệm, trả lương và sự rộng mở về con đường học tập sau khi tốt nghiệp trường nghề. Sẽ là sự khuyến khích suông nếu vẫn để người học nghề thiệt thòi nhiều mặt.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI