Thấp bé, lo âu, đòi nghỉ học và… muốn chết
T.M., một học sinh (HS) THCS tại Q.9, TP.HCM đã được gia đình đưa đến “cầu cứu” các bác sĩ (BS) tại một bệnh viện (BV) ở Q.2 khi em có những biểu hiện cáu gắt, học hành sa sút, nghĩ quẫn nhiều lần. Trong những đêm thức trắng vì rối loạn giấc ngủ, M. từng nhiều lần có ý định tự tử.
|
Hình ảnh quen thuộc trên đường phố hằng ngày. Ảnh: Võ Tiến |
Tại BV này, các BS cũng đang điều trị một số ca tương tự: HS bị stress nặng do thiếu ngủ, mất ngủ. T.M.P., HS lớp 12 một trường THPT chuyên tại TP.HCM cũng đang nhờ đến sự can thiệp của BS.
Ngủ bao nhiêu là đủ?
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), lượng thời gian con người cần để ngủ thay đổi theo độ tuổi. Trẻ em từ 6-12 tuổi cần ngủ 9-12 giờ/ngày, trẻ trong độ tuổi từ 13-18 cần ngủ 8-10 giờ/ngày.
Người từ 18 tuổi trở lên cần ngủ ít nhất 7 giờ/ngày. Nếu giờ ngủ ít hơn mức trên thì được coi là thiếu ngủ.
|
Em kể: “Hai năm trước, mỗi ngày em chỉ ngủ 5 tiếng, không có giấc ngủ trưa. Ngày nào cũng học bài, làm bài, luyện thi căng thẳng khiến em luôn thấy thèm ngủ. Em phải thường xuyên uống thuốc giảm đau để cầm cự với những cơn đau đầu và để tỉnh táo khi ngồi trong lớp.
Đến giữa năm lớp 12, em bắt đầu thấy khó ngủ vào ban đêm sau khi học bài xong. Mỗi lần khó ngủ, em lại nghĩ quanh quẩn và thấy những điều rất kỳ lạ. Sáng hôm sau, em luôn thấy căng thẳng, lừ đừ nên phải uống thêm thuốc bổ não. Rồi em bắt đầu chán ăn, chán chơi bóng, chán đủ thứ và hay nổi nóng…”. P. đã được gia đình đưa đến BS tâm lý điều trị 2 tháng nay.
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Ngọc Diệp, chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, cho biết: “Tôi từng phối hợp tham vấn ở trường học và bệnh viện nên đã tiếp nhận nhiều trường hợp HS bị thiếu ngủ đến mức rối loạn tâm lý, stress dẫn đến biếng ăn hoặc ăn thái quá, học hành sa sút. Có trường hợp nặng đến độ HS đó có ý định tự tử cha mẹ mới phát hiện. Phần lớn HS cấp II - III đang phải gánh áp lực rất lớn từ chuyện học hành, thi cử. Càng lên lớp lớn, áp lực càng tăng, các em bị thiếu ngủ càng nhiều”.
TS-BS Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2, giảng viên trường đại học Y Dược TP.HCM chỉ ra nghịch lý: “Mục đích chúng ta là muốn trẻ phát triển hài hòa nhưng trẻ đang phải học quá nhiều, dành hết 2/3 thời gian trong ngày chỉ để học văn hóa. Học chính khóa ở trường từ lúc đồng hồ chưa điểm 7g đến 17g, buổi tối lại học tiếng Anh và theo các lớp học thêm. Nhiều em đến 21-22g mới về đến nhà, còn phải ôm thêm mớ bài tập đến rạng sáng hôm sau mới được ngủ.
Thức khuya nhưng lại dậy rất sớm nên các em bị thiếu ngủ và nếu kéo dài sẽ dẫn đến mất ngủ, nặng hơn là chuyển thành bệnh lý rối loạn giấc ngủ. Người lớn thiếu ngủ đã thấy khó chịu, ức chế, đau đầu, thiếu minh mẫn, giảm sút hiệu quả lao động; với HS từ 6-18 tuổi, tình trạng này rất dễ dẫn đến những hậu quả không lường được. Chứng thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cơ thể của những đứa trẻ đang lớn".
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Diệp nhấn mạnh: “HS thiếu ngủ thường có thể trạng thấp bé vì chỉ khi ngủ đủ giấc, cơ thể đang phát triển của các cháu mới sản sinh ra các tế bào não mới, được thải độc, tái tạo năng lượng mới. Trong quá trình ngủ sâu, cơ thể trẻ vẫn tiếp tục phát triển. Giấc ngủ thiếu chất lượng sẽ khiến trẻ thấp bé, nhẹ cân".
|
Em bé ngủ gục trên đường đến trường. Ảnh: Võ Tiến |
8/10 học sinh luôn bị thiếu ngủ
Không chỉ các chuyên gia lên tiếng báo động vấn đề trên, mà mới đây, nhóm 2 HS tại TP.HCM đã thực hiện đề tài nghiên cứu về vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT ở TP.HCM để nói lên tiếng nói của người trong cuộc.
Khảo sát 7.363 HS ở các trường THPT tại TP.HCM, 2 HS Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy của Trường THPT Gia Định, đã công bố một kết quả bất ngờ: cứ 10 HS thì có đến 8 HS gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ.
Học sinh Trung Quốc, Hàn Quốc cũng thiếu ngủ trầm trọng
Tại các nước có chế độ thi cử cạnh tranh khốc liệt, việc học tập thật sự căng thẳng như Trung Quốc, Hàn Quốc… HS cũng rơi vào tình trạng thiếu ngủ trầm trọng.
Một khảo sát mới đây cho thấy, tại Hàn Quốc, cứ 4 HS trung học thì có 1 HS ngủ ít hơn 6 giờ/ngày. Kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc được thực hiện với sự tham gia của hơn 82.000 HS thuộc 765 trường trung học cả nước còn cho thấy, 43,9% số ý kiến xác nhận thời gian ngủ cả ngày chưa đến 6 giờ.
Tỉ lệ này ở cấp tiểu học là 3% và cấp phổ thông cơ sở là 12%. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu ngủ của HS trung học Hàn Quốc là do phần lớn HS dành thời gian ban đêm để học tập, lên mạng và chơi điện tử.
|
Có đến 81,8% HS ngủ dưới 7 giờ/ngày,13,7% HS ngủ dưới 5 giờ/ngày, 44,1% HS không ngủ trưa. Thời gian HS đi ngủ từ 23g-0g chiếm tỷ lệ cao nhất với 39,8%; 20,7% HS đi ngủ sau 0g; số HS đi ngủ trước 22g chỉ chiếm 8,6%...
Nghiên cứu của 2 em còn nêu rõ nguyên nhân chính khiến thời gian ngủ của HS bị thiếu hụt và đảo lộn nghiêm trọng là do áp lực học tập và ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ; mà áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu.
Cụ thể, thiếu ngủ do chuẩn bị cho kỳ thi chiếm 90%; có bài kiểm tra vào ngày hôm sau là hơn 89%; làm bài tập và học bài là 86,8%; 62,1% HS cho biết nguyên nhân do thời khóa biểu chưa hợp lý.
Thùy Trang nhận định: “Những con số trên cho thấy thực trạng thiếu ngủ của HS THPT ở thành phố cần phải báo động. Số giờ ngủ của các bạn đang đi ngược với khuyến cáo được đưa ra là từ 8-10 giờ mỗi ngày với lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên".
Hai tác giả của đề tài cũng chia sẻ, các em thường xuyên chứng kiến bạn bè ngủ gà ngủ gật trong lớp. Giáo viên giảng cứ giảng, HS chỉ ngồi thụ động, không tập trung nổi vào bài học. Chính bản thân 2 em cũng gặp tình trạng này và phải dùng nhiều cách để “chống ngủ gật” như xin ra ngoài đi dạo, vào nhà vệ sinh rửa mặt hoặc tự véo vào tay chân cho tỉnh ngủ.
Các trường thường biện minh, việc cho con học thêm quá sức là lỗi từ phụ huynh (PH), vì HS chỉ học ở trường đến 16-17g là hết. Ông Nguyễn Minh Nhựt, PH của một HS lớp Mười, phản bác: “Tôi thừa nhận là cha mẹ quyết định chuyện cho con đi học thêm, nhưng HS học 2 buổi/ngày mà tối về còn ôm cả đống bài vở, sáng 5g30 phải đậy để đi học, thì làm sao ngủ cho đủ giấc được!
Mọi người cứ bảo là PH không nên cho con đi học thêm, nhưng nếu không đi học thêm trên lớp thì trong giờ học HS chỉ nắm bắt được 50% kiến thức. 45 phút/1 tiết toán cho 1 lớp có từ 50-55 HS, giáo viên giỏi lắm thì cũng chỉ làm cho các em hiểu được 1/2 kiến thức, 1/2 còn lại, nếu không cho con đi học thêm PH không thể dạy được”.
Theo TS-BS Lê Minh Thuận, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, HS trong độ tuổi từ 7-18 phải ngủ từ 8-10 giờ liên tục mới tốt cho sự phát triển. Thời lượng học chính thức không nên kéo dài quá 8 giờ vì trẻ còn cần thời gian cho giải trí, vận động…
Thế nhưng hiện tại, HS Việt Nam, nhất là ở các đô thị, đang phải học trên 10 giờ/ngày, thời gian ngủ thì thường xuyên ít hơn 7 giờ/ngày, do nhiều nguyên nhân như áp lực học hành; thói quen gia đình; nghiện thiết bị công nghệ, mạng xã hội…
Cậu học trò ngủ thiếp đi trên đường từ trường về nhà buổi chiều. Ảnh: Võ Tiến
|
Nên lùi giờ vào học
Từ khảo sát trên, 2 HS trường THPT Gia Định đã soạn thảo cuốn cẩm nang Đời dài đừng ngủ ngắn, nhằm mục đích giúp mọi người hiểu rõ hơn về vai trò của giấc ngủ, từ đó điều tiết các hoạt động của mình và tìm ra cách để có được giấc ngủ ngon.
Nhóm còn xây dựng bộ ảnh Hãy cho em ngủ như một tiếng nói giúp PH và các thầy cô giáo nhận ra tình trạng thiếu ngủ của HS để chung tay giúp đỡ cải thiện. Các em còn đề xuất 3 giải pháp với cơ quan chức năng nhằm cải thiện tình trạng thiếu ngủ của HS. Trước hết là lùi giờ vào học buổi sáng vì giờ vào học của nhiều trường THPT hiện là 6g45 - quá sớm.
Nhiều trường Singapore đã lùi giờ học
Nhiều trường trung học tại Singapore đã áp dụng việc lùi giờ vào học để cải thiện giấc ngủ cho HS. Trường trung học nữ Nanyang cho HS bắt đầu vào học lúc 8g15, trễ hơn 45 phút so với thời gian quy định trước đó.
Quyết định này được đưa ra sau khi các nhà khoa học chỉ ra là đang có khoảng 80% HS không được ngủ đủ giấc, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập. Sự điều chỉnh này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực cho cả HS lẫn giáo viên.
(tổng hợp)
|
Các nghiên cứu cho thấy, hoóc-môn gây ra sự buồn ngủ hoạt động từ 22g45 đến 8g, nên nếu giờ vào học là 7g30 thì rất lý tưởng. Giải pháp thứ nhì là các trường nên thay đổi thời khóa biểu cho phù hợp vì nhiều trường còn sắp xếp thời khóa biểu chưa hợp lý. Chẳng hạn, buổi sáng HS phải học 5 tiết, buổi chiều học thêm 2 tiết nhưng không phải tiết 1, 2 hoặc tiết 3, 4, mà là tiết 2, 3…
Có những bạn nhà quá xa không thể về được nên buổi trưa phải ở lại chờ học buổi chiều rất mệt mỏi. Giải pháp thứ ba là giảm bớt bài tập về nhà để HS không phải thức quá khuya. Thùy Trang cho biết: “Trong quá trình khảo sát, nhiều bạn đã tâm sự với chúng em là phải thức đến 1g làm bài tập”.
TS-BS Lê Minh Thuận nhận định: “Trong 3 yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội, tôi cho rằng sự thay đổi từ chủ thể nhà trường dễ thực hiện hơn và căn cơ nhất. Cụ thể là việc điều chỉnh giờ học. Giờ vào học hiện nay được bố trí quá sớm. HS mầm non, tiểu học thường vào học từ 7g; HS cấp II - III phải có mặt ở trường lúc 6g30, nghĩa là các em phải dậy chuẩn bị đi học từ trước đó 1 tiếng, có khi còn không kịp ăn sáng.
Thời gian bắt đầu học lý tưởng nhất của HS tiểu học nên là từ 8g và HS cấp II - III sớm nhất là nên vào khoảng 7g30 để các em có đủ thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải thay đổi cách thức giáo dục, giảm áp lực thành tích”.
Có ý kiến cho rằng, việc đổi giờ học đại trà sẽ khó khả thi vì ảnh hưởng trực tiếp đến PH. Thành phố hiện có khoảng 1,7 triệu HS, nếu đồng loạt lùi giờ học thì hàng triệu PH sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải chọn mục tiêu ưu tiên. Chất lượng sống và học tập của những đứa trẻ không thể mãi phụ thuộc vào giờ đi làm của cha mẹ.
Cha mẹ phải nhận gánh nặng về mình, chuyện khó khăn trong việc đưa đón là có thể sắp xếp lại được. Không thể có một giải pháp nào đó có thể thỏa mãn đến hơn 10 triệu con người. Chính sách của ngành giáo dục hoàn toàn có thể đi trước để phục vụ cho đối tượng chính của mình là người học. Những nhóm đối tượng khác gặp khó khăn, chính sách xã hội sẽ có sự điều chỉnh sau đó cho phù hợp.
Trẻ cần “buổi sáng tròn đầy” để phát triển
Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh (BV Nhi Đồng 2, TP.HCM), trung bình mỗi tuần, một chuyên viên tại đây tiếp nhận khoảng 15 ca rối loạn giấc ngủ do áp lực học hành. Bệnh nhi đến điều trị thường mất tập trung, cáu gắt, thay đổi tính tình, sợ đi học, thậm chí muốn bỏ học.
BS Thái Thanh Thủy - Trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 2 - phân tích: “Mất ngủ kéo dài có thể dẫn tới suy nhược nặng và nguy cơ tử vong do sự suy giảm trầm trọng khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Mất ngủ mạn tính làm giảm chất lượng cuộc sống, người bệnh mệt mỏi, giảm tập trung, giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức, ảnh hưởng nặng nề đến công việc hằng ngày. Mất ngủ còn liên quan đến rối loạn nhịp thở, rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp. Mất ngủ kéo dài, nếu không được điều trị sẽ là nhân tố làm khởi phát rối loạn lo âu, trầm cảm và một số bệnh khác”.
BS Phạm Minh Triết - Trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi đồng 1 - cho biết, khoa thường xuyên tiếp nhận các ca rối loạn lo âu ở HS do stress trong sinh hoạt và học hành. Biểu hiện cụ thể của rối loạn này là trầm cảm, mất ngủ.
Theo BS Triết, cảnh HS phải ăn sáng trên xe, ăn ngoài cổng trường… cho thấy đang tồn tại nhiều nguy cơ cả về sinh lý lẫn tâm lý cho trẻ: “Chúng ta đã biết, sau khi ăn cơ thể cần 1-2 giờ để tiêu hóa thức ăn, chuyển thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Giờ vào học quá sớm như hiện nay khiến HS rơi vào tình trạng vừa ăn xong, chưa có thời gian tiêu hóa thức ăn, thì đã phải ngồi nghe giảng bài. Việc này sẽ khiến quá trình hấp thu dinh dưỡng không cao”.
Bên cạnh đó, bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng cho cả gia đình, không chỉ về dinh dưỡng mà còn là thời gian để cả nhà được ngồi cùng nhau. Bữa ăn sáng là để khởi đầu một ngày mới, giúp cha mẹ - con cái cải thiện mối quan hệ. Nếu có được bữa ăn sáng đủ lâu, các thành viên trong gia đình sẽ hiểu và chia sẻ được với nhau nhiều hơn.
Vì vậy, về mặt tâm lý, bữa ăn sáng mang ý nghĩa lớn với trẻ. Trẻ rất cần bữa ăn đầu ngày. Việc đi học quá sớm đã khiến HS không có bữa ăn sáng tròn đầy như đã nói, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Quốc Ngọc
|
Tiêu Hà