Hãy cho con quyền được cãi

31/10/2015 - 08:01

PNO - Học trò cãi thầy cô có nên bị coi là hỗn? Con cái cãi cha mẹ có nên coi là hư? Con trẻ biết cãi là dấu hiệu đáng mừng.

Trẻ có suy nghĩ độc lập, dám nói, dám đấu tranh để được đáp ứng mong đợi của bản thân. Có thể do thiếu kinh nghiệm ứng xử nên cách các em cãi thầy cô hay cha mẹ dễ gây phản cảm, vì vậy mà bị kết tội hư, hỗn.

Biết cãi là trẻ đang tập phản biện, dần hình thành tư duy phản biện và kỹ năng phản biện. Người học có quyền phản biện để được học thực sự.

Hay cho con quyen duoc cai
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Cha mẹ thầy cô nên cho trẻ cơ hội nói lên ý kiến khác, dạy trẻ biết cách cãi, nói đúng hơn là biết tranh luận, phản biện ngay từ khi còn bé. Trẻ cần được người lớn lắng nghe khi các em có những cách nghĩ, cách làm khác người lớn.

Có thể suy nghĩ đó chưa đủ chín chắn, chưa cân nhắc mọi dữ kiện nhưng khi được lắng nghe, các em mới có cơ hội bày tỏ và từ đó sẽ lắng nghe người lớn hơn.

Một nhóm học sinh cận thị viết đơn phản đối cô giáo, đòi xếp lại chỗ ngồi. Cô giận dữ kết tội học sinh là hỗn, bắt xé lá đơn và hứa từ nay về sau không được tái diễn. Cô còn dọa mời phụ huynh lên gặp. Cô giáo đã ứng xử thiếu thận trọng.

Nếu cô giáo bình tĩnh lắng nghe rồi đáp ứng nhu cầu chính đáng của các em, đồng thời hướng dẫn các em cách đối thoại để đạt mục tiêu sẽ tế nhị hơn là viết đơn phản đối, thì sẽ không có gì ầm ĩ.

Chính cô cần xin lỗi các em trước khi hướng dẫn các em về cách ứng xử đúng mực với thầy cô. Giáo viên cần tôn trọng quyền trẻ em. Điểm chính của Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989 yêu cầu:

“Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về mọi vấn đề tác động đến trẻ em, và những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích đáng, tương ứng với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em”.

Học sinh cần và phải được thực hiện quyền trẻ em của mình. Trước điều cho là sai mà các em vì sợ không dám lên tiếng thì đó là sự bạc nhược. Sau này lớn lên liệu các em có bản lĩnh bảo vệ cái đúng, chống lại cái sai để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người?

Chúng ta giáo dục trẻ theo cách “cấm cãi, cha mẹ thầy cô luôn đúng” thì chẳng trách có những em 18 tuổi đi thi bị cán bộ coi thi ký nhầm trên giấy thi cũng không dám nói.

Chúng ta hay than phiền trẻ em thiếu kỹ năng sống, người lao động Việt Nam thiếu kỹ năng làm việc… nhưng cơ hội rèn kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tranh biện có văn hóa thực sự hiếm hoi.

Ở nhà “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, ở trường, một chút quan điểm khác thầy cô bị coi là hỗn láo thì sao trẻ có thể được học thực sự? Trẻ sẽ chỉ như vẹt nhắc lại những gì được dạy, dần thui chột sự sáng tạo, cách tư duy độc lập.

Người lớn cần học cách tôn trọng, lắng nghe trẻ, coi những dịp trẻ phản kháng là cơ hội để dạy trẻ cách suy nghĩ độc lập, cách phản ứng có văn hóa. Muốn vậy, người lớn rất cần tâm thế bình đẳng với trẻ, đừng coi điều gì mình nói ra cũng đúng.

Trẻ em bây giờ thông minh và có cơ hội tiếp cận thông tin đa chiều. Nếu cha mẹ, thầy cô không biết lắng nghe để học từ trẻ thì sẽ khó được trẻ kính phục mà tin tưởng.

Thời nay rất khó dạy trẻ bằng sự áp đặt, chỉ có thể thuyết phục con trẻ tin và nghe lời khi người lớn đối xử bình đẳng, tôn trọng và với đầy đủ lý lẽ xác đáng. Thầy cô cha mẹ cần thay đổi cách nhìn ứng xử sao cho trẻ tin yêu.

Thầy cô cần nhìn nhận lại thế nào là con hư, trò hỗn, để học cách tôn trọng trẻ hơn, cho trẻ cơ hội được suy nghĩ khác, được nói khác những gì chúng được truyền dạy. Có như vậy xã hội mới có cơ hội phát triển dựa trên sức sáng tạo và bản lĩnh của giới trẻ.

Phạm Thị Thúy  (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI