Hãy cho con một giờ trọn vẹn

11/03/2019 - 07:03

PNO - Giữa vô vàn lý do khiến chúng ta trở nên bận rộn, có lý do rằng chúng ta - những người làm cha mẹ đang sở hữu thói quen lo sợ sẽ bỏ lỡ điều gì đó ngoài kia.

Giữa vô vàn lý do khiến chúng ta trở nên bận rộn, có lý do rằng chúng ta - những người làm cha mẹ đang sở hữu thói quen lo sợ sẽ bỏ lỡ điều gì đó ngoài kia. Mà như thế, ta sẽ bỏ lỡ luôn những điều đang cần được quan tâm, chăm sóc, bằng sự hiện diện hoàn toàn. 

Hay cho con mot gio tron ven

1. Trong làng báo, nhắc đến chị, người ta nhớ ngay hình ảnh một phụ nữ giỏi nghề, lăn xả, thành công khó người nào sánh kịp. Ấy vậy, ở tuổi 62, trong một cuộc trò chuyện, chị kể như muốn khóc: “Phụ con chăm cháu ngoại, tôi nhận ra mình là bà mẹ thất bại”. Thôi nôi cháu ngoại, chị nhớ cũng ngày này của con, mặc chồng xử lý, chị theo đưa tin đoàn bác sĩ lên biên giới chữa bệnh cho người nghèo. Hôm cháu ngoại tung tăng vào lớp một, cũng ngày này của con, chị say sưa phỏng vấn một chính khách… Chị ray rứt, miên man ngẫm cả chặng đường cô con gái khôn lớn; những thời khắc quan trọng, có ý nghĩa của con hiếm khi chị có mặt. Tệ hơn, đôi lần vợ chồng con gợi nhắc thời họ mới phải lòng nhau, yêu thương rồi giận hờn suýt chia tay mấy lần; chị ái ngại cúi mặt. Quãng đó của con bé chắc có nhiều tâm sự, vui buồn, mà trong ký ức chị lại là một khoảng trắng.

Chị đúc kết: “Chẳng phải cuộc đánh đổi gì cả. Chỉ là tôi quá mải mê công việc khiến quên mất phải thu xếp dành thời gian cho con. Bây giờ, hào quang năm xưa sáng bao nhiêu, càng giày vò tôi bởi thiếu sót này bấy nhiêu”. An ủi chị nhất có lẽ cô con gái rất ngoan, học giỏi. Thế nhưng, chị trăn trở, những đứa con ngoan đâu phải không có những vấn đề của mình. Đôi khi, chúng cư xử ngoan ngoãn đơn giản vì thương yêu cha mẹ quá bận rộn; hoặc sợ hãi cha mẹ nổi giận hay kỳ vọng cha mẹ lắng nghe hết câu chuyện của mình chỉ đem lại hụt hẫng. Thà chọn im lặng.

2. Cuộc khảo sát bỏ túi của chúng tôi dành cho hơn một trăm cha mẹ về việc dành sự hiện diện hoàn toàn cho con ở một khoảng thời gian trong ngày đã khiến họ… giật mình. Kết quả thu được: trường hợp cha mẹ quá bận bịu, họ vẫn tranh thủ tìm hiểu tâm tư con diễn ra chủ yếu trong các bữa cơm, giờ đón đưa con thông qua các câu hỏi. Những đứa trẻ luôn đáp “ổn” và vì thế, cha mẹ an tâm. Trường hợp cha mẹ không bận rộn, họ an tâm đã dành nhiều thời gian cho con. Thế nhưng, dù là chơi với con hay trò chuyện thì quá trình này cũng diễn ra trong sự… gián đoạn. Chiếc điện thoại nằm đó đầy cám dỗ: tin nhắn đến cần phải trả lời, cô bạn vừa đăng chiếc túi mới mua đang muốn “còm” để biết giá…

Giờ đây, điện thoại thông minh đã trở thành tác nhân gián cách sự tương tác trực tiếp. Ngồi bên con, nhưng nỗi lo bị bỏ lỡ điều gì khiến chẳng ai còn toàn tâm cho con. Để rồi, cũng giống như người lớn, những đứa trẻ luôn có nhu cầu được nói, kỳ vọng được cha mẹ lắng nghe sẽ cảm thấy khó chịu bởi sự thiếu tập trung của người đang trò chuyện. Phản ứng lại, chúng có thể gào lên: “Mẹ có nghe con nói không?”, “Buông điện thoại, máy tính vài giây được không mẹ?”. Khi sự tái lặp của cha mẹ trở thành chuỗi hành vi, thói quen, những đứa trẻ chắc chắn sẽ thu mình, chẳng cần được quan tâm hay lắng nghe, giúp đỡ.

Hay cho con mot gio tron ven
Hãy kể với chúng tôi những câu chuyện dành thời gian cho con của bạn, tính hiệu quả và không hiệu quả, vì sao? Những đứa trẻ đã gào thét thế nào cùng cách bạn giải quyết ra sao? Phương pháp bạn “cai” các thiết bị công nghệ để là một ông bố, bà mẹ hiện diện hoàn toàn với con mình...

3. Hơn cả thước đo bạn đã ở bên con trong thời khắc quan trọng nào, từng làm bạn với con ra sao; sự thiêng liêng của mối quan hệ cha mẹ - con cái nằm ở sự gắn kết, cảm xúc và ý nghĩa đẹp đẽ ra sao trong thời gian cùng nhau hiện diện đó. Gửi kết quả về cuộc khảo sát, chị Minh Tuyền - một giảng viên đại học xúc động: “Dẫu không còn nhớ nổi mẹ tôi đã từng nói những lời “mắng vốn” thầy dạy toán ra sao, song tôi không bao giờ quên cái đêm của hơn 20 năm về trước”. 22g, mẹ chị Tuyền đặt con gái lên yên chiếc xe đạp vượt ba cây số. Đến nhà thầy, bà gân cổ cãi đứa trẻ học lớp Bốn, mắc bệnh tim thì làm sao có thể thức nguyên đêm chép cho xong 300 lần bài toán làm sai. Liệu ký ức lung linh này có được lưu dấu nếu đêm đó mẹ chị để mặc, hoặc không biết con chép phạt thay cho câu hỏi: “Lớp Bốn mà bài vở nhiều lắm à con?” và chứng kiến con bật lên tức tưởi.

Còn nhớ con gái 10 tuổi của tỷ phú Mohamed El-Erian - CEO Tập đoàn Pimco (Mỹ) ngày càng ngang bướng; sau cuộc “đối đầu” với cha đã biến El-Erian thành ông bố toàn thời gian thế nào. Câu chuyện khiến bao người làm cha mẹ sững sờ trước tiếng nói của con trẻ kêu gào sự quan tâm. 

Khi còn bận sinh kế, ta không thể là một El-Erian - ông bố toàn thời gian cho con. Nhưng, một tiếng đồng hồ thôi, cho con trọn vẹn. Không điện thoại, máy tính; không bất cứ lo toan, vướng víu nào gián đoạn trong câu chuyện với con.

Liệu có quá khó để thực hiện?

Tuyết Dân

Buông điện thoại 1 giờ/ngày, được không?

LTS: Để làm gì? Để bạn có thể nghe được tiếng nói trong trẻo của con trẻ, để có thể nhìn thấy con bạn đang lớn lên, đang khám phá thế giới qua mỗi hành vi nho nhỏ của con, để có thể nói với con về những gì rất cần cho tuổi của con… để xây dựng mối quan hệ cha mẹ con cái một cách bền vững.

Những thiên thần nhỏ không hề đòi hỏi sự quan tâm, chúng bao dung và biết cảm thông với sự bận rộn của mẹ cha. Chúng nhanh chóng “tự lập”. Người thiệt thòi là bạn, bạn không được lớn lên cùng con, không được tận hưởng hạnh phúc lớn nhất bên người bạn nhỏ thân nhất, tốt nhất của mình. 

Hay cho con mot gio tron ven

Buông điện thoại 1 giờ/ngày cho con, lại chính là lúc mang lại lợi ích cho bạn trước. Bởi khi làm tròn trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ, khi thấy con yêu được ấm êm an toàn… thì bạn mới toàn tâm cho công việc, mới ăn ngon, ngủ yên, mới thấy mọi vẻ đẹp của cuộc đời.

Thời công nghệ, đối với nhiều người, cái điện thoại nghiễm nhiên chiếm một vị trí tối cao. Trung thực đi, mỗi tối đi ngủ, mỗi sáng thức dậy, bạn nhìn, “quẹt” điện thoại trước hay nhìn, ôm con mình? Cái điện thoại đại diện cho công việc của bạn, là kết nối giữa bạn và thế giới… Bạn sợ thế giới quên bạn, nhưng bạn lại không sợ con bạn không cần cha mẹ nữa.

Hãy tập một thói quen mới nhé: buông điện thoại 1 giờ/ngày để trọn vẹn bên con. Không dễ dàng, nhưng tập được. Báo Phụ nữ TP.HCM - luôn đồng hành với gia đình bạn. Chúng tôi sẽ tập cùng bạn, sẽ ghi nhận và chia sẻ những nỗ lực lớn nhỏ của bạn. Chúng ta cùng tìm ra giải pháp, để vượt qua khó khăn. Và bài tập đầu tiên là chúng ta không đổ thừa cho công việc, cho hoàn cảnh... mà hãy tập trung năng lượng vào ưu tiên thời gian hàng đầu là cho con.

Báo Phụ nữ TP.HCM rất mong nhận được tâm tình, kinh nghiệm “Buông điện thoại 1 giờ/ngày” của bạn. Bài viết xin gửi về hộp thư: honnhangiadinh@baophunu.org.vn. 

  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI