Lá thư Tết gửi từ bệnh viện

Hãy cảm ơn ngay cả số phận đen đủi nhất

25/01/2020 - 01:17

PNO - Hãy tận hưởng những ký ức vui, và cả những ký ức buồn. Để chúng ta cảm thấy yêu cuộc đời này hơn. Vì cuộc đời, xét cho cùng đáng yêu lắm.

Lá thư Tết gửi từ bệnh viện

Bài 1: Tết này mẹ chưa về kịp, con đừng buồn mẹ nghe con

Có người muốn sống biết bao, tốn bao nhiêu tiền bạc mà không có được cơ hội đó. Tại sao chỉ vì "vui quá" những ngày tết mà ta "lãng xẹt mất cả một cuộc đời".

Bác sĩ Hồ Chí Chung đang cấp cứu sinh mạng cho bệnh nhân
Bác sĩ Hồ Chí Chung đang cấp cứu sinh mạng cho bệnh nhân

Đêm 30 Tết năm đó… Một bệnh nhân nam 19 tuổi vào viện lúc 23 giờ 45 phút trong tình trạng kích thích la hét, sau chầu nhậu tất niên. Trước đó, người này chạy xe máy tông vô tường, đập ngực vào đầu xe. Bác sĩ trực khối ngoại ra khám và nhận bệnh, nhưng chỉ 10 phút sau, bệnh nhân đã  xuất hiện tình trạng ngưng tim. Tôi và một bác sĩ cùng các bạn điều dưỡng lao vào hồi sức tim phổi liên tục, nhưng không làm tim bệnh nhân hồi phục được. Sau 45 phút hồi sức cho bệnh nhân, chúng tôi phải dừng lại và chấp nhận thất bại. Bệnh nhân chết vì vỡ tim, tràn máu màng ngoài tim cấp do chấn thương ngực.

Một chầu nhậu đã lấy đi sinh mạng tức tưởi của chàng trai trẻ. Mẹ của bệnh nhân khóc thét lên khi được thông báo. Bởi gia đình bà hứa hẹn cùng nhau sẽ đón giao thừa. Bà thất thần tự hỏi: tại sao người ra đi lại là con của bà đang khỏe mạnh. "Ngọn nến số phận" thổi vụt qua quá đột ngột mà không hề báo trước? Tiếng khóc thốt ra từ nỗi đau đớn không thể chịu đựng. Hình ảnh bà mẹ ngồi bệt đổ sụp xuống đất và khóc la ai oán làm cho cảm xúc trong lòng tôi, một bác sĩ trẻ như tôi ngột ngạt và bất lực không tả nổi. Đó là trải nghiệm năm thứ 2 trực cấp cứu đêm 30 Tết của tôi! 

Đêm 30 Tết nọ… Tôi tiếp một bệnh nhân trẻ 20 tuổi, sau nhậu cuối năm, chàng trai nôn ra máu. Bệnh nhân được một người cha có vẻ mặt khắc khổ đưa vào bệnh viện, trên miệng còn dính máu và còn cái mùi đặc trưng của rượu bia trộn lẫn thức ăn và máu, nó cứ nồng lên đến mũi. Khi khám và hỏi bệnh, bệnh nhân trả lời rất ngạo nghễ và bất cần. Khi có kết quả xét nghiệm, chúng tôi giải thích bệnh nhân cần nằm viện theo dõi và nội soi dạ dày tá tràng. Bệnh nhân xua tay: "Cho xuất viện đi, không làm thêm gì hết..."

Tôi nhìn bệnh nhân bình thản, và nhìn ông bố với ánh mắt thương cảm "Ký giấy xuất viện theo yêu cầu hả chú?", tôi nói. Và nhìn bác sĩ đàn em, chúng tôi thấy nhói trong lòng. Bác sĩ cứu người, người thân bệnh nhân cảm thấy bất lực trước quyền quyết định của họ - vì họ từ chối mọi yêu thương.

Tết là dịp sum họp gia đình, là thăm hỏi người thân bạn bè, thăm viếng người đã mất, nhớ về tổ tông. Dành thời gian chăm sóc lại bản thân và gia đình, soi lại bản thân trong một năm tất bật bươn chải. Vậy nhưng ngày Tết đối với một số gia đình cũng là ngày mà nỗi đau mất mát lại ùa về. Là ngày giỗ của con họ!

Nỗi đau này âm ỉ người ở lại mãi về sau, và lại trỗi dậy mỗi khi xuân về. Thường vào dịp trực Tết, nhất là đêm 30, đa phần là chấn thương do tai nạn giao thông và đả thương sau những buổi tiệc tất niên. Mồng 1 và 2 vãn chút, có thể do mọi gia đình quay quần bên nhau nhưng từ mùng 3 đến mùng 6 Tết, các ca cứu thương đưa vào bệnh viện lặp lại chuỗi sự kiện tương tự như ngày 30. Nó như là quy luật và năm nào cũng gần như vậy.

Có những ký ức chúng ta chỉ muốn chôn giấu nó thật sâu. Thực tại đâu có thể dễ dàng vậy! Là con người bản chất không hoàn hảo. Chúng ta mắc sai lầm, học hỏi và trưởng thành cứ vậy mà diễn ra suốt đời. Nhưng có những mất mát và sai lầm không có cơ hội để sửa chữa, đây là điều tôi thấy và cảm nhận được hàng ngày hơn 7 năm qua tại khoa Cấp cứu.

Tiếp cận bao nhiêu ca sinh - tử mong manh, tôi chợt nhận ra: "Hãy cảm ơn cả những giọt nước mắt đau khổ của bạn. Bởi vì khi bạn còn khóc tức là bạn còn sống. Bạn đang sống là còn đang ở cạnh người thân. Chúng ta sinh ra không phải là để chết. Mà hãy tận hưởng những ký ức vui, và cả những ký ức buồn. Hãy cảm ơn những gì diễn ra xung quanh cuộc sống này, hãy cảm ơn ngay cả số phận đen đủi nhất. Có như vậy, bạn mới biết vươn lên, biết nỗ lực cho số phận và ít nhất biết mình còn có ý nghĩa trong ngày Tết gia đình". 

Tôi còn nhớ cảm giác khi ra trực đúng ngày mùng 1 Tết. Cái không khí se se lạnh của buổi sáng, nắng vàng tươi mới, hai bên đường những chậu hoa cúc vàng được chưng khắp các cửa nhà mỗi gia đình, đường phố vắng vẻ, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Một cảm giác hồ hởi, phấn chấn lạ thường. Hãy yêu sự không hoàn hảo, tính bất toàn, và giản đơn của cuộc sống này các bạn ạ.

Bác sĩ Hồ Chí Chung
(Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI