Hãy bắt đầu từ học để biết

29/12/2017 - 12:26

PNO - "Khi không biết tận tường về những gì mình đã được học, thì học nhiều bao nhiêu, điểm số cao bao nhiêu cũng vậy thôi" - Thạc sĩ Nguyễn Diệu Minh Chân Như - giảng viên Trường đại học Đồng Tháp.

Biết tỏ tường về một điều gì đó thì tự nó có khả năng giải phóng con người ra khỏi những quy định mơ hồ đặt để trong ý thức. Trong khi đó, đại đa số học sinh hiện nay lại chỉ biết loáng thoáng, mơ hồ về những điều mình được học.

Thạc sĩ Nguyễn Diệu Minh Chân Như - giảng viên Trường đại học Đồng Tháp, người từng có kinh nghiệm dạy ở bậc trung học phổ thông, có những kiến giải và đề xuất. 

Hay bat dau tu hoc de biet
ThS Nguyễn Diệu Minh Chân Như

Phóng viên: Ngành giáo dục luôn hô hào giáo viên phải đổi mới giảng dạy. Xin hỏi, ông đã gặp phải khó khăn gì khi cố gắng tạo ra một sự thay đổi trong giảng dạy?

ThS Nguyễn Diệu Minh Chân Như: Tôi muốn bắt đầu câu chuyện từ một tiết dạy của tôi ở lớp 10 tại một trường trung học phổ thông. Đó là tiết tập làm văn. Tôi nói với học sinh (HS), một thao tác quan trọng trong làm văn rất dễ bị bỏ qua là kiểm tra ý.

Sau khi lập một ý, khoan vội chứng minh nó đúng mà hãy suy xét khách quan xem nó đúng hay sai. Nếu đúng thì đúng đến đâu, có đúng hoàn toàn? Các em đều than thao tác này khó quá và cứ thế bỏ qua. 

Một tiết giảng khác tôi dạy bài Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, nhân nhắc đến món “nợ công danh” của người xưa, tôi hỏi các em “nợ công danh của HS, của thanh thiếu niên ngày nay là gì?” và nhận lại những ánh mắt ngơ ngác, vì nó không có trong sách giáo khoa.

Câu hỏi này thật sự không khó, cũng không có sẵn một đáp án nào; tôi đặt câu hỏi nhằm khơi gợi và lắng nghe HS tự do bày tỏ quan điểm của mình, từ đó hướng dẫn các em kỹ năng liên kết giữa bài học và thực tế. Đó là đòi hỏi không chỉ riêng ở môn văn, mà hầu như là ở tất cả các môn học.

* Sự thụ động đó của HS do đâu, theo ông?

- Những ví dụ nêu trên cho thấy HS ngày nay bị quy định quá nhiều về mặt ý thức. Các em chỉ học những gì có trong sách, trong chương trình, phải thi với những kiến giải gần như đã thành định kiến. Tôi đã từng hỏi thử các bạn sinh viên, có ai vì tò mò mà tìm hiểu một cách nghiêm túc một vấn đề nào đó không có trong chương trình? Rất ít người trả lời là có. Như vậy, nếu không phải thi môn nào thì chắc các bạn sẽ… không học gì cả!

Tôi hỏi: học để làm gì? Đa phần các bạn đều trả lời học để thi, để kiếm việc làm… mà không hiểu điều căn bản của sự học là “biết”. Sau khi biết tỏ tường, chúng ta muốn làm gì là hoàn toàn tự do, gồm cả đi thi và đi làm. “Biết” là cái đích gần nhất của sự học. Không để tâm đến điều này mà chỉ nơm nớp đạt đến những cái đích xa hơn như một thói quen trong nhận thức thì kết quả của việc học sẽ là những hiểu biết loáng thoáng, mơ hồ, không cái gì ra cái gì.

Nhưng ai sẽ dạy cho các thế hệ trẻ điều này khi ngay cả giáo viên cũng bị quy định về mặt ý thức? Những cuốn sách giáo viên đã đóng khung cảm xúc và sự hiểu biết của người thầy. Đây là điều chúng ta cần phải thay đổi.

* Để thay đổi thực tế đó, chúng ta nên bắt đầu từ đâu? 

- Để giải phóng người học ra khỏi những quy định, theo tôi cần bắt đầu từ việc giúp HS tâm niệm rằng “học là để biết”. Khi đó, việc học sẽ không còn là cơn ác mộng của các em. Khi không biết tận tường về những gì mình đã được học, thì học nhiều bao nhiêu, điểm số cao bao nhiêu cũng vậy thôi.

Hay bat dau tu hoc de biet
 

Thật ra ý thức của người học bị quy định bởi những điều xa vời được các “thế lực” như phụ huynh, nhà trường, chương trình giáo dục đặt ra, đến mức người học khó lòng hiểu được thật ra bản thân mình “muốn biết điều gì” khi đi học. Dường như các em đi học vì toàn bộ cỗ máy xã hội vận hành theo cách đi học, đi thi, đi làm, để có cơ hội leo lên những cái ghế cao hơn, mặc kệ bản thân có biết rõ về những điều mình học hay không.

Cái biết tỏ tường về một điều gì tự nó có khả năng giải phóng con người ra khỏi những quy định mơ hồ đặt để trong ý thức. Nhưng HS cần phải có ý “chỉ muốn biết” trước đã. Trong quá trình đi dạy, tôi ít khi bắt gặp tình huống: “Thưa thầy, em muốn biết điều này, thầy có thể giúp em không?”. Câu hỏi tôi thường gặp là: “Thưa thầy, em phải ôn tập như thế nào? Dạng đề thi là gì? Làm sao giải?”.

Hai nhóm câu hỏi trên có vẻ tương tự nhau, nhưng sâu xa, chúng khác biệt lớn lắm. Đôi lần chứng kiến sự ngơ ngác của HS trước những kiến thức bên ngoài sách vở, tôi đành phải quay lại sách vở và nhận thấy mình thoải mái hơn với các tiết dạy rập khuôn theo “kịch bản” có sẵn trong sách và chương trình. Nhưng sẽ là rất nguy hiểm nếu ai cũng bỏ cuộc như thế.

* “Đổi mới”, “cải cách” là những từ đã được nhắc đi nhắc lại từ nhiều năm nay. Nhưng giáo dục đang như một tấm lưới rối, càng gỡ càng rối. Theo ông, chỗ rối nào cần được tháo gỡ?

- Là do chúng ta đang tập cho nhau nói dối. Phụ huynh đa phần mong muốn người thầy đem lại thành tích cao trong học tập cho con họ mà lại không đặt ra yêu cầu phải đánh giá đúng năng lực HS. Tương tự, nhà trường cũng mong có được thành tích tốt nhất dù không thật. Về phía người thầy, cho một điểm không đúng là nói dối; buông một lời khen, một lời chê không đúng với thực chất, nói ra một điều mình chưa tường tận hay tỏ ra không biết gì trước thực trạng đang xảy ra… cũng là nói dối.

Đáng buồn là cả hệ thống giáo dục của chúng ta đang như thế. Sẽ chẳng gặt hái được gì với cách học theo kiểu “chạy sô” hết môn này đến môn khác như một cỗ máy, HS bị phụ huynh - nhà trường - thầy cô giáo kết hợp để vắt kiệt sức! Trong một xã hội đã quen với nói dối thì người thầy khi phải đi ngược lại với xu hướng đó đương nhiên sẽ vướng phải một áp lực ghê gớm.

* Người thầy có vai trò rất quan trọng trong việc đổi thay để tác động đến sự thay đổi ở HS. Ông mong muốn gì để tạo động lực cho một sự thay đổi?

- Để dạy HS học làm người thì người thầy không thể chỉ nói suông mà phải dạy bằng chính bản thân mình. Dạy các em yêu thương nhưng bản thân thầy cạn kiệt tình thương thì làm sao dạy? Dạy các em phải đam mê trong khi thầy thì mất lửa, làm sao dạy? Dạy các em chan hòa trong cuộc sống mà bản thân thầy còn chứa đựng nhiều nỗi tị hiềm, làm sao dạy? Dạy các em dũng khí ở đời mà ngay cả sự thật đôi khi thầy cũng không dám nói, làm sao dạy?

Cố nhiên, tất cả những điều này, trách nhiệm trước hết và trên hết là ở cá nhân người thầy. Nói như vậy không có nghĩa trách nhiệm hoàn toàn là ở người thầy, vì người thầy chịu sự quản lý bởi một cơ chế giáo dục.

Để sự thay đổi có thể mang lại hiệu quả, tôi nghĩ, phải tìm cách trả lại sự tôn nghiêm đích thực cho người thầy. Người thầy phải có trách nhiệm và có quyền được nói tiếng nói của tri thức, của sự thật. Không ai được phép ép thầy phải nói dối.

Hơn nữa, cơ chế giáo dục, hơn ở đâu hết, không thể để những góc khuất tiêu cực gây nên sự thất vọng ở người thầy. Làm được hai điều đó, chính là đã trả lại sự tôn nghiêm cho người thầy, cũng như trả lại khả năng sáng tạo cho học trò. 

Thu Lê (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI