“Chúng tôi chỉ muốn mua những quà tặng thực sự Việt Nam”
Tại các trung tâm mua sắm từ cao cấp đến bình dân, đa phần khách du lịch chọn những sản phẩm mang tính truyền thống địa phương. Tại Q.1, ngoài khu vực Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi (tạm thời bị hạn chế do thi công dự án tàu điện ngầm), chợ Bến Thành, Saigon Square, Taka Plaza là trung tâm mua sắm khá lớn được du khách trong và ngoài nước biết đến.
Sơn mài, đũa gỗ khảm trai, các sản phẩm bằng tre, mây; giỏ xách đan dệt bằng các chất liệu như mây, lục bình; quần áo vải thêu tay… là những mặt hàng được du khách khá ưa chuộng khi đến thành phố.
“Du khách rất chuộng hương vị cà phê Việt nên chúng tôi bán khá chạy mặt hàng cà phê đóng gói sẵn”, chị Minh, chủ quán cà phê Trung Nguyên Legend tại 16-18 Nguyễn Công Trứ cho biết.
Theo chị, dù sản phẩm có giá cao một chút nhưng đảm bảo đúng chất lượng, đúng thương hiệu thì khách vẫn mua.
Kèm theo cà phê, ghi nhận của một nhóm khảo sát trên 30 sạp quà tặng tại chợ Bến Thành, các thìa cà phê và phin pha cà phê bằng gốm sứ cũng được khách thích thú tìm mua làm quà tặng, “nhưng họ chỉ mua khi phin này có thể dùng pha được, chứ chỉ để bày chơi cho vui thì sẽ không mua” - một tiểu thương tại sạp hàng lưu niệm, quà tặng trong chợ Bến Thành cho biết.
Một bộ phin cà phê bằng nhôm ở đây có giá vài chục ngàn đồng, phin bằng gốm sứ có thể bán trên 100.000 đồng nhưng khách vẫn rất thích thú. “Tuy nhiên, đồ gốm cần tinh giản sao cho gọn nhẹ hơn vì nhu cầu của khách du lịch luôn là tiện lợi và gọn nhẹ”, anh Joseph (du khách Mỹ) góp ý.
Alena, một du khách Pháp say mê ẩm thực, lại muốn mua bánh tráng cuốn chả giò loại dẻo để có thể mang về nhà trổ tài với bạn bè một món Việt cô mới học được trong một lớp dạy nấu ăn cho du khách tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
“Loại bánh tráng giòn khi di chuyển bị va đập sẽ vỡ hết. Tôi cũng có thể mua loại đó tại siêu thị hay chợ châu Á nên để về nhà mua. Giá như có thể mang được quà gì từ Việt Nam về đãi mọi người ở nhà thì sẽ vui hơn”, Alena chia sẻ.
Theo khảo sát của người viết, trái cây đặc trưng nhiệt đới sấy khô cũng được ưa chuộng với điều kiện có nhãn mác, bao bì đẹp, nguồn gốc, hạn sử dụng đầy đủ. Các dụng cụ làm bếp cho những món truyền thống như khuôn cuốn chả giò, khuôn làm bánh khọt, bánh bèo chén cũng là sản phẩm được tìm mua.
Loại sản phẩm này là mục tiêu tìm kiếm của các tín đồ vốn yêu ẩm thực châu Á nói chung và ẩm thực Việt nói riêng. Bên cạnh đó, mặt hàng trang sức bằng chất liệu gỗ, đá thiên nhiên, ngọc trai, sừng… cũng được không ít du khách nữ quan tâm.
|
Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất được du khách quan tâm. |
Những quà tặng thật sự Việt Nam hấp dẫn khách du lịch khá phong phú chứ không ít hoặc đơn điệu như nhiều người nghĩ. Chính những quà tặng gần gũi này góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh một Việt Nam năng động, hiện đại nhưng vẫn tôn trọng, giữ gìn bản sắc, bảo tồn và duy trì ngành nghề truyền thống, thủ công, mang giá trị văn hóa và thẩm mỹ cao.
Vậy tại sao có hàng mà khách vẫn dè dặt?
“Có những ngày khách đổ xuống chợ khá đông nhưng mua rất ít, chỉ đi xem là chính” - anh D., một chủ sạp túi xách tại cửa Đông, chợ Bến Thành cho biết. Cô N. là nhân viên bán hàng của anh D. cũng cho hay du khách trả giá rất thấp.
“Họ cho rằng, chúng tôi nói thách rất cao, mặc dù sạp đã treo bảng bán giá fix nhưng họ vẫn trả xuống chỉ còn phân nửa”, nhiều tiểu thương khác cho biết.
“Khi thế giới phẳng, du khách chúng tôi không thiếu thông tin, chỉ người bán là thiếu thôi. Chúng tôi được chia sẻ kinh nghiệm rằng, cứ trả giá còn một nửa là an toàn nhưng đôi khi vẫn hớ vì nó tăng gấp ba giá bán thật. Cứ nói 30 USD thì tôi chỉ trả từ 10 USD là vừa” - Min, một khách du lịch đến từ Hàn Quốc nói vui.
Trước khi đến Việt Nam, hai vợ chồng anh Min đã tham khảo rất nhiều website du lịch, đọc khá nhiều sách hướng dẫn và tìm một số mặt hàng lưu niệm với giá bán niêm yết tại Campuchia, Thái Lan.
“Những mặt hàng thủ công tương tự mà giá bán quá cao thì chúng tôi cũng ngại trả giá nên chỉ xem chứ không mua”, cô Machiko đến từ Nhật Bản cho biết. Chưa kể thái độ của người bán, tình trạng giá bán không minh bạch, không được niêm yết tại các điểm du lịch đã làm giảm nhu cầu mua sắm của khách.
Thế nên, hạn chế tệ nạn nói thách tại các điểm mua sắm, xây dựng môi trường du lịch văn minh đang là vấn đề thách thức với hệ thống quản lý của các điểm mua sắm khá đông khách du lịch tại thành phố.
Ở chợ Bến Thành, nếu đi sâu vào bên trong, kiên nhẫn tìm kiếm, bạn có thể mua vài món đồ gốm sứ rẻ hơn mua trên mạng, tiếc là du khách không đủ thời gian để kiên nhẫn hay lang thang tỉ mẩn tìm kiếm như các cư dân Sài Gòn.
|
Du khách chọn mua quà lưu niệm tại chợ Bến Thành. |
Câu chuyện bạn kể là gì?
Trong chợ Bến Thành, bún suông Cô Mai là một thương hiệu. Nếu bạn ghé đây chỉ để ăn một tô bún mắm đậm đà hay tô bún với con suông bằng tôm quết cùng chả cá thác lác thì thật phí.
Một người bạn đến từ nửa vòng trái đất, khi được tôi kể rằng, “Cô Mai” ấy chính là bà ngoại của chị Vân đang thoắn thoắt lấy rau, tính tiền, mau mắn và liên tục sang sảng kể các câu chuyện từ sáng tới khuya, anh đã bảo tôi rằng, 60.000 đồng chi cho tô bún là không rẻ, nhưng nếu được nghe câu chuyện hay xem hình ảnh về những ngày đầu tiên của tô bún suông, với hình ảnh trang trọng của cô Mai, anh sẽ thấy hoàn toàn không đắt.
Ngành du lịch đang bỏ quên hàng triệu hướng dẫn viên du lịch địa phương rất thú vị như chị Vân, cháu cô Mai. Họ có thể kể và giảng giải rất chi tiết về một ngôi chùa cổ, một món ăn đường phố với biến tấu qua gần một thế kỷ, một quán ăn dân dã qua nhiều thế hệ vẫn cần cù và khéo léo với thực đơn rất Việt.
Chính họ là nét hấp dẫn du khách chứ không chỉ là những sản phẩm họ làm ra. Có hàng ngàn, hàng triệu câu chuyện về những thương hiệu không nổi tiếng nhưng đầy thú vị và duyên dáng để bạn có thể kể cho du khách nghe, để khi về nhà, họ kể lại với người thân, rằng “ở Sài Gòn, có một…”.
“Chúng tôi đang thiết kế một số tour đặc biệt, khách du lịch tham gia tour sẽ được trải nghiệm thực sự cùng người bán và người sản xuất, tự tay làm những sản phẩm nếu họ muốn (món ăn, hàng thủ công mỹ nghệ, may, thêu…) với sự giúp đỡ của các thợ thủ công lành nghề. Kết thúc tour, họ được mang sản phẩm tự tay làm ấy về dùng hoặc làm quà tặng cho người thân. Câu chuyện ra đời của sản phẩm hay những món ăn đượm mồ hôi, sự bền bỉ và sáng tạo âm thầm ở Việt Nam mới chính là sản phẩm chúng tôi muốn bán cho khách du lịch khi đến đây…”, chị Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty QQ (Q.Phú Nhuận), chuyên thiết kế các tour và quà tặng đặc biệt, cho biết.
Anh Lê