Hawaii thả hàng triệu con muỗi để cứu loài chim quý hiếm khỏi tuyệt chủng

22/06/2024 - 07:53

PNO - Các nhà bảo tồn hy vọng muỗi mang vi khuẩn “ngừa thai” có thể cứu loài chim quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng bởi bệnh sốt rét.

Loài chim honeycreeper đỏ tươi với tên gọi 'i'iwi có 90% nguy cơ tử vong nếu bị muỗi nhiễm bệnh sốt rét đốt - Ảnh: Alamy
Loài chim hút mật hoa đỏ tươi với tên gọi 'i'iwi có 90% nguy cơ tử vong nếu bị muỗi truyền bệnh sốt rét đốt - Ảnh: Alamy

Những con chim hút mật hoa (honeycreeper) mang màu sắc rực rỡ ở quần đảo Hawaii (Mỹ) đang chết dần vì bệnh sốt rét do muỗi truyền. Căn bệnh đã "theo" các tàu thám hiểm châu Âu và Mỹ đến đảo vào những năm 1800. Do quá trình tiến hóa chậm, chim honeycreeper không có khả năng chống lại bệnh sốt rét và có thể chết chỉ sau một vết đốt của muỗi mang mầm bệnh.

33 loài chim honeycreeper đã tuyệt chủng và nhiều loài trong số 17 loài còn lại đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Có mối lo ngại một số loài có thể bị tuyệt chủng trong vòng 1 năm nếu không có hành động nào được thực hiện. Hiện các nhà bảo tồn đang cố gắng cứu chúng bằng một chiến lược khác thường: thả thêm muỗi.

Mỗi tuần, máy bay trực thăng sẽ thả xuống các hòn đảo 250.000 con muỗi đực mang vi khuẩn Wolbachia giúp muỗi kiểm soát sinh sản tự nhiên. Hiện đã có 10 triệu con muỗi mang vi khuẩn được thả vào môi trường.

Chris Warren - điều phối viên chương trình bảo vệ chim rừng của công viên quốc gia Haleakalā trên đảo Maui - cho biết: “Thật bi thảm nếu các loài chim honeycreeper tuyệt chủng mà chúng ta không làm gì để giúp đỡ chúng”.

Theo công viên quốc gia, số lượng của một loài chim honeycreeper có tên “akikiki” trong tiếng bản địa đã giảm từ 450 con vào năm 2018 xuống còn 5 con vào năm 2023. Hiện chỉ còn 1 cá thể duy nhất còn sống trong tự nhiên trên đảo Kauaʻi.

Chim honeycreeper có giọng hót giống chim hoàng yến và sự đa dạng đáng kinh ngạc: mỗi loài đã tiến hóa với hình dạng mỏ đặc biệt, thích nghi với việc ăn các loại thức ăn khác nhau, từ ốc sên, trái cây đến mật hoa. Chúng là một phần quan trọng của hệ sinh thái, giúp thụ phấn cho cây và kiểm soát côn trùng.

Vì loài chim Hawaii không thể tiến hóa cùng tốc độ với bệnh sốt rét ở gia cầm nên chúng có rất ít phản ứng miễn dịch với bệnh này. Ví dụ như loài chim honeycreeper đỏ tươi với tên gọi 'i'iwi có 90% nguy cơ tử vong nếu bị muỗi truyền bệnh sốt rét đốt.

Thông thường, những con chim honeycreeper sống ở độ cao trên 1.200-1.500m, nơi muỗi mang ký sinh trùng sốt rét ở gia cầm không xuất hiện vì thời tiết quá lạnh. Tuy nhiên, vì khí hậu toàn cầu ấm lên, muỗi có thể di chuyển đến những nơi cao hơn.

Các nhà nghiên cứu đang sử dụng kỹ thuật côn trùng không tương thích (IIT), bao gồm việc thả muỗi đực mang một loại vi khuẩn tự nhiên giúp ngăn chặn trứng của những con muỗi cái hoang dã nở ra sau quá trình giao phối.

Muỗi cái chỉ giao phối 1 lần trong đời và theo thời gian điều này sẽ làm giảm tổng số lượng muỗi. Vi khuẩn Wolbachia sống tự nhiên ở hầu hết các loài côn trùng. Chỉ khi cá thể đực và thể cái mang cùng chủng vi khuẩn Wolbachia, trứng sau thụ tinh mới có thể nở.

Kỹ thuật này đã được sử dụng thành công để giảm số lượng muỗi ở Trung Quốc và Mexico, và các chương trình tương tự đang được duy trì ở Mỹ. Hiệu quả của các chương trình này thường trở nên rõ ràng vào mùa hè khi quần thể muỗi thường bùng nổ.

Linh La (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi