Trường muốn đặt đâu, phụ huynh ngồi đó?
Trong khi những cuộc phản đối của phụ huynh nhiều trường quốc tế tại TP.HCM vẫn đang căng thẳng, những ngày gần đây, tại Hà Nội, việc thu phí giữ chỗ Trường tiểu học Newton (Hệ thống trường liên cấp Newton) khiến phụ huynh có con đang theo học ở trường này vô cùng bức xúc.
|
Hệ thống trường liên cấp Newton thu phí giữ chỗ khiến phụ huynh bức xúc |
Theo đó, trường thông báo phụ huynh học sinh (HS) khối lớp từ Một đến Năm có nguyện vọng cho con tiếp tục theo học tại trường năm học 2020-2021 sẽ đóng phí giữ chỗ trước ngày 31/5/2020. Cụ thể, với hệ A (hệ bán quốc tế) phí giữ chỗ là 5 triệu đồng, hệ G và C (hệ quốc tế) là 8 triệu đồng, phí này sẽ được trừ vào quỹ phát triển trường vào năm học 2020-2021 và không hoàn lại nếu HS không học.
Có phụ huynh lên tiếng không đồng ý vì hàng năm, trường chỉ thu phí giữ chỗ với HS đầu cấp nhưng năm nay tất cả HS đang học đều phải nộp khoản phí này. Chị N.P.T., phụ huynh HS lớp Hai, cho biết: “Việc thu phí giữ chỗ đầu cấp thì hầu như các trường tư thục và quốc tế đều làm, nhưng phí giữ chỗ với cả HS đang theo học tại trường thì… chỉ có mình trường Newton làm. Bình thường, HS học hết năm thì năm sau học tiếp, chứ sao vì bố mẹ không nộp tiền giữ chỗ trước 31/5 thì lại cho là năm tới không theo học?”.
Nhưng “gây sốc” cho phụ huynh hơn là một nội dung trong thông báo: “Bắt đầu từ năm học 2020-2021, khi xảy ra các trường hợp bất khả kháng phải thay đổi hình thức học tập khác cho HS thì nhà trường sẽ thu đủ 10 tháng học phí như đã niêm yết để đảm bảo chất lượng dạy học, chương trình năm học cũng như ổn định trong vận hành hệ thống”.
Phụ huynh cho rằng nhà trường “tính khôn” quá, giao hết cho phụ huynh nắm đằng lưỡi. Nếu sau này xảy ra bất kỳ khó khăn nào không đảm bảo dịch vụ giáo dục như bình thường thì phụ huynh phải chấp nhận “trường đặt đâu, phụ huynh ngồi đó”, đóng đủ học phí mà không có sự lựa chọn hay thỏa thuận nào khác.
Chị T. đặt vấn đề: “Cha mẹ HS có quyền biết thay đổi hình thức dạy học, hiệu quả ra sao? Liệu dịch vụ mới có tương xứng với học phí hay không? Nếu không đảm bảo chất lượng như thỏa thuận ban đầu thì chúng tôi có quyền ý kiến, thỏa thuận lại chứ không có chuyện trường mặc định thu đủ 10 tháng”.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường liên cấp Newton, cho hay: “Việc nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng phí giữ chỗ là để có căn cứ làm kế hoạch cho năm học mới. Mọi năm, cuối tháng Năm là kết thúc năm học nên nhà trường có đủ thời gian làm kế hoạch năm học mới. Do đặc thù năm nay đến 15/7 mới kết thúc năm học nên phải thu phí giữ chỗ để chúng tôi kịp lập kế hoạch và tuyển sinh”.
Theo ông Nguyễn Duy Khuê, Phó hiệu trưởng hệ thống trường Newton, hiện nay, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế gia đình nên có thể có phụ huynh không đủ tài chính cho con theo học tiếp thì nhà trường cũng cần có kế hoạch để tuyển sinh, sắp xếp giáo viên, cơ sở vật chất. Về việc nhà trường thông báo thu đủ học phí 10 tháng nếu thay đổi hình thức dạy học, đây cũng là sự công khai, minh bạch của nhà trường với phụ huynh ngay từ đầu năm học.
Mâu thuẫn leo thang
Cũng liên quan vấn đề học phí trong mùa dịch, trưa ngày 11/5 - ngày đầu toàn bộ HS đi học trở lại, hàng chục phụ huynh Trường quốc tế Mỹ (TAS) tập trung trước cổng trường phản đối chính sách học phí trong đợt nghỉ vì dịch COVID-19.
Theo phản ánh của phụ huynh, thời gian nghỉ do dịch, HS bắt đầu học online tại nhà từ tháng 2/2020. Đến ngày 8/4, phụ huynh nhận được thông báo của trường yêu cầu đóng học phí năm học 2020-2021, trường giữ nguyên mức học phí như năm học hiện tại với điều kiện phụ huynh đóng trước ngày 30/5. Ngoài ra, nhà trường yêu cầu phụ huynh phải đóng tiền giữ chỗ trước 24/4 (20 triệu đồng/học sinh).
|
Phụ huynh phản ứng với Trường quốc tế Mỹ ngày 11/5 |
Phụ huynh cho rằng đây là “tối hậu thư” khá vô cảm của nhà trường ngay giữa dịch bệnh khó khăn. “Tiền học phí của Trường TAS mức thấp nhất là gần 290 triệu đồng và mức cao nhất là 632 triệu đồng/năm tùy bậc học, chưa tính tiền ăn uống, đưa đón, phí nhập học. Tính thời gian hơn ba tháng nghỉ học, học online vẫn bị tính từ 100 đến trên 200 triệu đồng học phí như đi học bình thường là không hợp tình lẫn lý”, chị H., phụ huynh của trường này cho biết.
Gần 200 phụ huynh ký vào thư phản ánh thì trường thông báo lại, sẽ giảm từ 3-15% học phí năm học mới tùy bậc học với điều kiện phụ huynh phải hoàn tất học phí trước ngày 15/6. Và trường vẫn không có thông tin gì về việc hoàn, giảm học phí trong thời gian nghỉ học, học online. Phụ huynh đã kéo lên trường để đối thoại với nhà trường nhưng cuộc gặp… bất thành.
Tương tự, mong muốn của số đông phụ huynh Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan và nhà trường vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Theo phụ huynh, so với thời gian học ở trường tám giờ mỗi ngày, hay 40 giờ/tuần thì việc học online quá ít, chỉ 20 phút/tiết, mỗi tuần từ 5 - 9 tiết, tổng thời gian học chỉ 1,5-3 giờ/tuần. Việc dạy online cũng chỉ thực hiện ở một số môn học. Vì thế, phụ huynh đề nghị trường xem xét dạy bù ít nhất 2/3 thời gian nghỉ hoặc nếu không thể dạy bù thì cần có chính sách hoàn trả học phí hợp lý. Một số phụ huynh đã có buổi đối thoại với nhà trường.
Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn chưa đồng thuận về các chính sách học phí, học bù trong thời gian nghỉ vừa qua.
Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT: Có cũng như không!
Trước tình trạng học sinh phải nghỉ học, học online vì dịch bệnh, ngày 11/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có văn bản về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2019-2020, 2020-2021 và chỉ đạo điều hành giá.
Theo đó, nếu tổ chức học trực tuyến thì các cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức dạy, thời gian thực tế học trực tuyến, các nội dung truyền tải qua dạy học trực tuyến, tỷ lệ hoàn thành chương trình học… để xác định mức thu hợp lý. Mức thu trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh HS nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học; đồng thời có chính sách giảm mức thu phù hợp với điều kiện của HS.
Hướng dẫn này của Bộ GD-ĐT ở thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” thực tế có cũng như không, chẳng làm cơ sở để giải quyết được những vụ tranh chấp học phí giữa nhà trường và phụ huynh. Phần hướng dẫn dành cho khoản thu học phí ở các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài - đối tượng đang gặp nhiều rắc rối với phụ huynh nhất - lại rất chung chung.
Đọc xong văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ thì các nhà quản lý cấp địa phương sẽ chẳng biết làm thế nào để giải quyết những mâu thuẫn hiện nay ở các trường có yếu tố nước ngoài. Những rắc rối chỉ giải quyết được hay không phải dựa vào sự tự ý thức của các trường là chính, hoặc có một bên phải chấp nhận... "xuống nước".
Bà Nguyễn Ngọc Diệp, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường song ngữ quốc tế Hoàng Gia, cho biết: thực tế, sau văn bản hướng dẫn học online trong thời gian nghỉ dịch của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ tháng Tư, dạy học online trở thành hình thức học chính thức trong thời gian này (trước đó học online là do nhà trường chủ động nên phụ huynh hiểu là không bắt buộc), các trường đã có thể thỏa thuận mức thu học phí online với phụ huynh. Vì thế việc thu hay không thu học phí online là do nhà trường quyết định, mức thu bao nhiêu là sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường.
“Trường học không mở cửa nhưng chi phí vận hành, lương giáo viên, nhân viên vẫn phải chi trả. Các trường đều đối mặt với khó khăn nên phải lựa chọn: hoặc nguồn thu hoặc niềm tin của phụ huynh. Như trường chúng tôi phải bù lỗ khi miễn 100% học phí online", bà Diệp nói.
Đối với các trường có quy mô HS đông, dạy song ngữ thì việc miễn học phí online là không dễ dàng bởi chi trả lương cho giáo viên, nhất là giáo viên người nước ngoài rất cao. Tuy nhiên, thực tế cũng có trường đã lựa chọn niềm tin. Như Trường quốc tế Á Châu quyết định miễn 100% học phí từ ngày 3/2 đến 3/5 cho hơn 9.000 HS. Nhiều nhà đầu tư không dễ lựa chọn trước những con số này.
Gia Tuệ
|
Đại Minh - Gia Tuệ