1. Chị ra tiệm gội đầu, giao cửa hàng vải cho anh trông. Một bà lạ hoắc đến đòi lấy tiền hàng. Bà ta nhanh nhẩu: “Đó, hai bao hàng này nè! Lúc nãy tui mới giao cho chị ấy. Giờ lấy tiền. Mười triệu. Nhưng tui có hứa giảm giá, anh đưa chín triệu thôi”. Anh chẳng điện thoại cho chị để xác minh, lập tức giao tiền, còn cám ơn rối rít. Chị về, tức muốn nổ mắt. Chồng con gì mà người ta nói khơi khơi mấy câu cũng lừa được.
Mà chuyện này đâu phải lần đầu. Đã mấy phen mất tiền vì sự cả tin của anh. Lần trước, có người hỏi mua một số vải khá lớn. Bà ta còn đưa bao để anh tự xếp vải vào. Bao hàng gói xong, khách lăng xăng chọn thêm vài loại vải khác, dặn anh cứ gói sẵn, tí nữa bà ta quay lại trả tiền.
Chị về tới, anh khoe bữa nay trúng mánh. Hỏi tiền đâu? Anh trả lời chắc nịch, chưa trả, nhưng hai bao hàng còn đây, lo gì. Xế chiều, vẫn không thấy ai ghé lại. Chị bảo anh mở bao hàng ra, xếp vải về chỗ cũ. Không ngờ, trong một bao hàng chỉ thấy toàn giẻ rách. Chị giận run người. Anh ngơ ngác: “Bộ bà đó có phép thuật sao trời?”.
Thấy chồng đã ngoài 40 mà lúc nào cũng lơ ngơ như gà tơ, chị phát chán: “Ngày xưa tui mù hay sao mà chọn ổng vậy trời!”. Khuôn mặt đẹp trai, vẻ cục mịch từng là “đặc sản” của anh ngày nào, giờ chỉ khiến chị ngán tận cổ.
Lần đầu chị gặp anh là hôm chị ra phụ giúp cửa hàng tạp hóa của mẹ. Vừa nhìn thấy anh, tim chị rung rinh muốn rớt ra ngoài. Trong bộ quần áo bộ đội giản dị là một anh chàng vừa đẹp trai ngời ngời, vừa hiền khô. Chị choáng ngợp tới mức, anh hỏi mua thứ này chị lại đưa thứ kia. Dù chiếc ba lô của anh dư sức nhét hết số hàng, chị vẫn nằng nặc đưa anh mượn chiếc giỏ, căn dặn: “Lần sau anh đến thì mang trả em. Anh nhớ quay lại nhé”. Chị giăng ra cái bẫy quá ngọt ngào, anh chạy đâu cho thoát.
Nghe chị sẽ đám cưới với anh, ai cũng té ngửa. Người xinh đẹp, giỏi giang như chị, ít ra cũng phải chọn một anh chồng công chức, ai lại lấy anh bộ đội mà tài sản chỉ là mấy bộ quân phục bạc màu. Chị bỏ ngoài tai, mơ màng nghĩ, đàn ông vừa đẹp vừa hiền vậy, kiếm đâu ra? Rời quân ngũ, anh xin được việc ở nhà văn hóa, lương chẳng mấy đồng nhưng chị không nề hà.
Đã có chị thu xếp sinh kế cho gia đình. Mỗi lần ra đường cùng anh, nghe những cô gái khác xuýt xoa: “Cha đó đẹp trai quá trời”, là chị hãnh diện ngời ngời. Đã vậy, anh còn luôn chiều chị. Khi nào sinh con, sắm xe gì, mua nhà nào… anh đều xác định: “Em muốn làm sao cũng được”. Cái tính hiền lành, tốt nhịn của chồng khiến chị thương đứt ruột.
Có vốn liếng, có kinh nghiệm mua bán, chị mở cửa hàng vải. Đông khách, chị kêu anh nghỉ việc về phụ một tay. Tiếng là phụ vợ mua bán nhưng hướng dẫn mãi anh cũng không phân biệt nổi loại vải nào là phi bóng, là lụa, là cotton… Giá cả từng loại anh càng không nhớ nổi.
Nhiều hôm đông khách, nhìn anh cứ lớ ngớ, chị tức điên. Chị thường than: “Cái mặt đẹp trai của ổng mà mài ra được vàng, may ra tui mới giàu nổi”. Nhiều người cắc cớ: “Biết ổng khờ, sao ngày xưa bà chịu lấy?”. Chị cười khổ: “Tại tui bị tiếng sét ái tình oánh trúng, cháy đen thui, nên đầu óc mù quáng”.
2. Lần đầu anh Hải gặp chị Vân là tại tiệc cưới một người bạn. Vẻ ngây thơ, mong manh, yếu đuối của chị đã hút hồn anh. Anh xác định ngay: “Cô gái này nhất định phải thuộc về mình”.
Anh là kỹ sư IT, kiếm cũng khá tiền. Chị Vân chỉ mới học hết phổ thông, đang làm văn thư cho công ty của một người họ hàng. Nhìn vẻ tiểu thư của chị, anh rất bất ngờ khi biết chị đang sống trong một căn nhà lụp xụp. Ngày xưa, nhà chị rất giàu. Ba chị làm ăn thua lỗ nên phải bán nhà, rồi buồn rầu sinh bệnh qua đời. Năm đó, chị mới hai tuổi. Má chị thương con gái út lớn lên trong nghèo khó, không được sung sướng như các anh chị, nên đặc biệt cưng chiều chị. Bà không để con gái động móng tay. Các con lớn gửi tiền về, bà nhín nhút từng đồng để mua xe xịn, quần áo đẹp, thức ăn ngon cho con gái út.
Trước anh, chị từng có nhiều chàng trai ngấp nghé, nhưng khi nhìn ra chân tướng gia đình chị, ai cũng chạy mất dép. Nghe anh Hải định cưới chị Vân, ai cũng can. Má anh nói: “Cái kiểu yểu điệu tiểu thư của nó, tiền không biết kiếm, nội trợ không biết làm, con hầu sao nổi?”. Anh khẳng định, có cày bừa để nuôi vợ anh cũng cam lòng. Chị Vân không biết nấu ăn cũng chẳng phải chuyện gì lớn. Anh dễ ăn, mặn nhạt kiểu gì cũng nuốt được.
Từ ngày lấy vợ, anh Hải càng tích cực cày. Hết tám tiếng ở công ty, anh lại đến lớp dạy IT, nhận sửa máy tính. Tối muộn về đến nhà, đón anh là bữa cơm khi sống khi nhão, thức ăn thì thường xuyên là xúc xích, lạp xưởng, dưa leo… nhưng chỉ cần nhìn nụ cười ngây thơ, dịu dàng của vợ, dẫu nhai rơm anh cũng thấy ngon.
Chị sinh con, ngay cả việc cho con bú cũng không xong. Trăm việc đều nhờ má. Thằng bé được hai tuổi, lần đầu chị tắm cho nó, thằng bé suýt chết ngộp vì bị mẹ dội nước đầy cả mũi… Mỗi lần chị Vân mở miệng “anh ơi cho tiền em mua…” là anh xì tiền ra ngay. Đàn ông kiếm tiền là để vợ xài mà. Vợ ăn ngon mặc đẹp thì chồng càng hãnh diện.
Tuy nhiên, niềm hãnh diện của anh cứ rơi rụng dần trên con đường hôn nhân dài rộng và gập ghềnh. Đàn bà gì mà không kiếm nổi tiền mua hộp phấn, thỏi son… Giờ anh Hải không còn lập tức ào đến chỗ vợ mỗi khi nghe tiếng chị hét, vì anh biết chắc tiếng hét của chị chỉ là do có con gián nào đó đang bò tới, hay thình lình có con thằn lằn rơi phịch trước mặt chị. Anh đã chán làm “hiệp sĩ diệt côn trùng” nên vợ hét mặc vợ.
Nhiều lần anh mỉa mai chị là đứa con nít không chịu lớn. Anh chưa từng hình dung cưới một cô vợ kém cỏi lại khổ sở đến thế. Cái vẻ dịu dàng, ngây thơ chỉ tạo nên choáng ngợp ban đầu. Bước vào hôn nhân, điều đó không đủ để xây dựng hạnh phúc.
Tiếng sét ái tình khiến người ta ngộ nhận nhiều điều. Khi bị choáng ngợp, người trong cuộc ai cũng thấy những khiếm khuyết của đối phương chỉ nhỏ như hạt đậu. Sau thời kỳ trăng mật, mới thấy đau như dập mật vì khiếm khuyết kia hiện nguyên hình là một hố sâu không đáy, làm trôi tuột mọi cảm xúc ban đầu. Để sửa sai, một bên phải cúi xuống, cố kéo người kia bước lên cho kịp mình. Bên kia thì thản nhiên, mặc cho đối phương gắng sức. Mà cúi xuống hoài, ắt sẽ mỏi, sẽ buông tay.
Thùy Dung