Hậu Tết

08/02/2017 - 14:07

PNO - Em có hiểu, cái khổ của em đâu thể nào so được với cái khổ của anh.

- Trời ơi sao tôi khổ thế này! Đến việc đi chợ mua con cá bó rau mà cũng không có tiền. “Điệp khúc” ấy lại phát ra từ cái miệng xinh xắn của em, chọn đúng lúc anh vừa về đến nhà sau một ngày làm mệt nhọc. Em than mà nghe như đó hoàn toàn là lỗi của anh; là anh lười nhác không chịu làm việc, để nhà ta phải túng thiếu đến vậy.

Hau Tet
 

Mà sự thật nào phải như thế. Hai vợ chồng đều đi làm, dù em chỉ làm bán thời gian, nhưng thu nhập của anh cả chục triệu/tháng, cũng đủ cho cái gia đình nhỏ của mình. Vậy mà điệp khúc “hết tiền”, khổ thế này cứ vang mãi trong gia đình anh mỗi mùa hậu tết. Sao vợ yêu của anh không tự hỏi những ngày cận tết mình đã “vung tay quá trán” thế nào? Vì ai nên nỗi?

Này nhé, nhà chỉ có hai vợ chồng và con gái 5 tuổi mà em gồng mình mua một lèo chục chai nước mắm loại một lít, chỉ để được khuyến mãi… một cặp đĩa nhựa! Anh bảo, mua nhiều quá, dùng bao giờ cho hết; em nói ngay, không hết thì biếu tặng cha mẹ, hàng xóm, chứ cặp đĩa khuyến mãi là… “hàng độc”. Xà bông giặt em cũng mua ba bịch, mỗi bịch… sáu ký, chắc xài đến năm sau vẫn chưa hết. Em bảo “Anh là đàn ông mà biết cái gì. Ba túi xà bông có gần triệu thôi nhưng được tặng bộ nồi… ba trăm ngàn”. Nhà sản xuất có khờ như… em đâu trời!

Đó là chưa kể, chỉ mấy ngày tết mà em sắm cho anh bốn áo sơ mi, bé Na chục bộ đầm, còn em bao nhiêu bộ thì anh… biết chết liền! Rồi lạp xưởng, tôm khô, cá thịt hộp, giò chả, giăm-bông, bánh mứt, trái cây, kẹo ngọt, đậu hạt… em cũng vác về mỗi thứ cả giỏ, bất chấp anh đã nhắc siêu thị kế bên, chợ cũng chỉ đi vài ba bước chân, mua chi nhiều chất đầy tủ; đồ tươi vẫn hơn đồ hộp chứ!

Vậy là em kêu anh không biết thương vợ, cả năm đầu tắt mặt tối, mấy ngày tết cũng bắt chợ búa cơm nước là sao? Anh thanh minh, mình đâu quá “ác” như vậy, chỉ là muốn hợp lý. Em thút thít khóc rồi chuyển qua “nước kiệu”: “Anh ơi… nhà em đông anh em, lại rất nghèo, ngày xưa tết không được mua sắm gì, cái áo cũ của chị năm trước thành áo mới của em năm sau; đôi dép mòn đế của anh năm trước thành “dép tết” của em gái nhỏ.

Vì thế, em có một ước ao là lấy chồng, được chồng yêu thương cho em… sắm tết thoải mái. Vậy mà… Anh đâu có thương em!”. Những giọt nước mắt lăn dài trên má em đã khiến anh chùng lòng, tắt đài… Sáu năm nay, thỏa sức mua sắm thế nào, em có nhớ không? Nhưng năm nay, mình đã thỏa thuận sẽ tiết kiệm để ra Giêng sửa lại cái nhà sau. Vậy mà… giờ mới “ra mùng” là em kêu hết tiền, kêu khổ.

Em có hiểu, cái khổ của em đâu thể nào so được với cái khổ của anh. Mỗi khi mở tủ lạnh ra, muốn kiếm chai nước uống cũng đã khó, vì đầy ngập trong tủ là hầm bà lằng thịt cá, rau củ, bánh kẹo… Bảo không ăn kịp thì mang tặng người khác để giải phóng cái tủ, chứa mãi làm gì thì em vừa giũa móng tay vừa trả lời: “Để coi coi… Cứ từ từ, còn tết mà anh”, nghe mà tức ngang. Sắp ra Giêng rồi, em ơi! Em có biết, anh đã phải làm việc ngày 10 tiếng, có khi 12 tiếng, vào cao điểm thì gần như phải thức suốt đêm hoàn thành công việc; chỉ là để gia đình mình có được cuộc sống đủ đầy. Em cứ đà xài tiền như túi thủng thế này, giả như gia đình ta gặp chuyện không may, biết lấy gì mà lo?

Vợ yêu ơi, thật lòng anh không bao giờ có ý nghĩ tính toán với em, chỉ mong em hãy suy nghĩ chín chắn hơn, biết chi tiêu hợp lý để những mùa hậu tết không còn cảnh “tiền khô cháy túi” thế này nữa.

Tuấn Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI