Hậu quả tai hại của việc khám tổng quát xong rồi... để đó

19/10/2023 - 06:24

PNO - Có tới 25% bệnh nhân sau khi khám sức khỏe tổng quát, nhận kết quả chẩn đoán bất thường, đã không tiếp tục khám chuyên sâu theo khuyến cáo.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đồng Quang Tráng - Trưởng đơn vị Nội tiêu hóa Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) - cảnh báo: có tới 25% bệnh nhân sau khi khám sức khỏe tổng quát, nhận kết quả chẩn đoán bất thường, đã không tiếp tục khám chuyên sâu theo khuyến cáo. Tới khi bệnh diễn tiến nặng mới đến bệnh viện thì tốn kém tiền bạc mà chưa chắc đã hồi phục.

Một bệnh nhân được khám chuyên khoa sâu sau khi phát hiện bất thường qua kiểm tra sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - ẢNH: A.C.
Một bệnh nhân được khám chuyên khoa sâu sau khi phát hiện bất thường qua kiểm tra sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - ẢNH: A.C.

Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân tại Đơn vị Nội tiêu hóa, bác sĩ Đồng Quang Tráng nhận thấy có không ít ca có bệnh lý đi kèm, trước đó từng được phát hiện chỉ dấu qua khám sức khỏe tổng quát, nhưng lại trì hoãn việc tới bệnh viện để tiếp tục khám chuyên sâu theo khuyến cáo. Như bà T.T.L. (46 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh) đã được phát hiện có nhân tuyến giáp, bị cường giáp cách đây 2 năm. Mãi gần đây, khi bệnh biến chứng suy tim và gây rối loạn thì bệnh nhân mới đi khám lại. 

Còn ông P.V.D. - 42 tuổi, ngụ tại phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức - tới bệnh viện khám vì chán ăn, vàng mắt, bụng chướng, đau tức nhẹ phần hạ sườn phải. Bác sĩ chẩn đoán ông bị xơ gan. Hỏi chuyện bệnh nhân, bác sĩ Đồng Quang Tráng biết được rằng cách đây 7 tháng, trong lần khám sức khỏe định kỳ do cơ quan tổ chức, kết quả xét nghiệm máu cho thấy men gan của bệnh nhân tăng cao. Bác sĩ có lưu ý bệnh nhân cần hạn chế rượu bia và tái khám kiểm tra chức năng gan sau 1 tháng. Tuy nhiên, ông D. tự thấy không có gì nghiêm trọng. Mỗi tuần, ông vẫn uống bia 2-3 lần, mỗi lần khoảng 10 lon. Chưa đầy 1 năm sau ông đã bị xơ gan. Nếu không tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống thì từ xơ gan có thể diễn tiến thành ung thư gan.

Tương tự, ông N.Đ.M. - 52 tuổi, trưởng phòng của một công ty may mặc - tới bệnh viện khám trong tình trạng da dẻ nhợt nhạt. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Lần kiểm tra sức khỏe định kỳ với cơ quan cách đây 1 năm, ông M. được chẩn đoán bị bệnh lý thận đa nang. Thế nhưng, bệnh nhân quá bận rộn, không có thời gian khám kỹ lại. Gần đây, ông hay buồn nôn, chán ăn, uể oải, mất ngủ và đi tiểu rất ít nên đành phải tới bệnh viện. Bệnh nhân hiện phải chạy thận mỗi tuần 3 lần để duy trì sự sống.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Minh Thành - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Lê Văn Thịnh - với người bị thận đa nang vào giai đoạn 2-3, có thể can thiệp phẫu thuật cắt bỏ nang để thận không bị chèn ép. Tuy nhiên, rất ít bệnh nhân chịu can thiệp điều trị, chỉ khi quá nặng họ mới nhập viện. 

Do đó, các bác sĩ lưu ý người dân, sau khi nhận kết quả khám sức khỏe tổng quát thì đừng coi nhẹ nội dung chẩn đoán và lời dặn dò. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ quan cũng nên cố gắng chọn gói khám có tính thiết thực. Thực tế, một số doanh nghiệp chọn các hạng mục rất thấp, khoảng 300.000 đồng để tiết kiệm chi phí, gồm xét nghiệm đường huyết trong máu và thử nước tiểu, chỉ để có tờ giấy xác nhận nhằm đối phó với quy định khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Chẳng hạn với tầm soát viêm gan siêu vi B, nếu chỉ test nhanh mẫu máu bằng cách nhúng giấy, 5 phút có kết quả, cho phí thấp nhưng lại không thể chính xác bằng xét nghiệm phân tử PCR với giá cao hơn. Với những nhóm người lao động đặc thù, dễ bị mắc bệnh nghề nghiệp thì tần suất kiểm tra sức khỏe phải dày hơn bình thường (công nhân may mặc, thợ mỏ…). 

Thấy chỉ số bất thường cần đi kiểm tra thêm 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Khoa - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy - lưu ý: khi nhận kết quả, thấy các chỉ số xét nghiệm bình thường nhưng chưa chắc ta hoàn toàn khỏe mạnh. Các xét nghiệm được thực hiện khi khám tổng quát chỉ là những kiểm tra sơ bộ nhất, chưa đủ để đưa ra kết luận cuối cùng. 

Trong trường hợp cơ thể có triệu chứng bất ổn, dù kết quả khám tổng quát chưa phát hiện bất thường, bệnh nhân vẫn cần chủ động đi khám thêm chuyên khoa sâu. Ngược lại, có những xét nghiệm, thấy chỉ số bất thường nhưng cơ thể chưa có triệu chứng cũng vẫn cần đi kiểm tra thêm để điều trị triệt để, tránh biến chứng nguy hiểm. Ví dụ như tăng a xít uric máu, mỡ máu, thiếu máu… Nhiều bệnh nhân trước đó không có biểu hiện gì khác biệt, chỉ có triệu chứng ban đầu là thiếu máu nhưng sau đó phát hiện bị ung thư. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI