Nhiều bệnh nhân tai biến mắc bệnh lý về da đầu
Bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc - Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM - cho biết, tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM rất nhiều bệnh nhân bị tai biến, yếu liệt nửa người đang được điều trị nội trú. Thời gian nằm viện của nhưng bệnh nhân này rất dài, có thể vài tuần tới vài tháng. Trong quá trình theo dõi, bác sĩ Bảo Ngọc ghi nhận đa số bệnh nhân trên gặp các vấn đề về bệnh lý da đầu. Chẳng hạn trường hợp bà N.T.N. (78 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM). Sau cơn tai biến, tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng bà bị mất chức năng vận động nửa người phải nên được gia đình đưa tới bệnh viện để điều trị theo phương pháp y học cổ truyền.
|
|
Hằng ngày, bà được con cái thay nhau chăm nuôi tại bệnh viện. Lúc bệnh nhân được đỡ ngồi dậy, bác sĩ nhận thấy trên áo của bà có rất nhiều mảnh gàu, da đầu bong tróc. Khi kiểm tra cho bệnh nhân thì thấy da đầu bị viêm đỏ, một số chỗ lở loét, đóng vẩy. Bệnh nhân bị rối loạn chức năng nói nên không thể bày tỏ. Sau khi được hỏi về quá trình chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân, con gái bà N. chia sẻ mỗi tháng chỉ gội đầu cho mẹ được 1 lần (do bà N. bị hạn chế vận động nên việc gội đầu vô cùng khó khăn).
Theo bác sĩ Bảo Ngọc, nguyên nhân khiến da đầu bệnh nhân tổn thương là vệ sinh kém, gội đầu không sạch, khi gội cào gãi mạnh gây trầy xước da. Đối với bệnh nhân tai biến, thể trạng rất yếu, đề kháng kém; chỉ cần một tổn thương nhỏ nếu không được theo dõi và can thiệp kịp thời sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí nhiễm trùng toàn thân, đe dọa tính mạng.
Bên cạnh các bệnh nhân tai biến nội trú, bác sĩ Bảo Ngọc cũng thấy gia đình các bệnh nhân tai biến ngoại trú tới điều trị phục hồi chức năng vận động có khá nhiều tâm tư. Anh N.Đ.T. (ngụ quận 3, TPHCM) kể rằng với gia đình anh, nan giải nhất trong việc chăm sóc mẹ là gội đầu cho mẹ. Nhà anh toàn đàn ông nên không biết cách chăm sóc tắm gội cho mẹ thế nào. Thuê người chăm bệnh thì quá mắc, gia đình anh không đủ khả năng. Phát hiện da đầu mẹ bị loét, đóng vảy nên tranh thủ lúc đưa mẹ đi châm cứu và bấm huyệt, anh nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Các trường hợp bệnh nhân tai biến mắc bệnh lý liên quan tới da đầu đã được hướng dẫn qua phòng khám da của bệnh viện để được chẩn đoán và xử trí. Tuy nhiên, yếu tố gốc rễ là thân nhân người bệnh phải được tư vấn, hướng dẫn và biết cách chăm sóc bệnh nhân.
Các mô hình chăm sóc bệnh nhân nội trú và sản phụ sau sinh
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Đức Hạnh - Phó phòng Công tác xã hội Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM - ban lãnh đạo bệnh viện nhận thấy việc bệnh nhân nội trú phải gội đầu tại các nhà vệ sinh bệnh viện rất bất tiện. Không gian nhà vệ sinh vốn chật hẹp. Đó còn chưa kể bệnh nhân bị hạn chế vận động, ngồi xe lăn nên việc cúi xuống gội đầu vô cùng khó khăn. Trước mong mỏi bệnh nhân được chăm sóc toàn diện và thân nhân nuôi bệnh cũng được giảm stress, phòng công tác xã hội của bệnh viện đã được giao thực hiện mô hình dịch vụ gội đầu dưỡng sinh. Dịch vụ gội đầu dưỡng sinh tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM được thiết kế đặc thù, phù hợp với bệnh nhân, hoàn toàn khác biệt với dịch vụ gội đầu dưỡng sinh tại các spa.
|
Bệnh nhân được cắt tóc miễn phí vào thứ Bảy hằng tuần tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM |
Theo đó, dược liệu dùng gội đầu được tận dụng từ nguồn tài nguyên thảo dược sẵn có của bệnh viện như bồ kết, vỏ bưởi, cỏ mần trầu, hà thủ ô, quế. Những dược liệu này sẽ giúp bệnh nhân hành khí, hoạt huyết kinh mạch vùng đầu; mùi tinh dầu từ dược liệu còn khiến người bệnh hô hấp tốt hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được bấm huyệt, xoa bóp bởi các y sĩ y học cổ truyền của bệnh viện, quá trình gội đầu không cào gãi bằng móng tay, tránh được tổn thương. Thời gian gội đầu chỉ 20 phút thay vì 60 phút như các cơ sở bên ngoài. Thời lượng này đã được tính toán chính xác bởi người có chuyên môn, đảm bảo vừa đủ sạch mà vẫn giúp bệnh nhân thư giãn.
Người bị tai biến nếu gội đầu lâu hơn thời gian này sẽ lợi bất cập hại. Thể chất bệnh nhân yếu, khí huyết hư, khi gội lâu, nước sẽ ngấm vào lỗ chân lông, nang tóc khiến bệnh nhân nhiễm lạnh. Không chỉ thế, đầu còn là nơi hội tụ của nhiều huyệt đạo quan trọng, nếu việc xoa bóp, bấm huyệt thực hiện bởi người không được đào tạo bài bản về y học cổ truyền, lỡ không chính xác hay không kiểm soát được lực nhấn sẽ làm bệnh nhân bị đau. Đó còn chưa kể vấn đề vệ sinh trong quá trình gội đầu cũng cần theo quy chuẩn an toàn. Khăn lau, bồn gội không xử lý đúng cách dễ làm lây nhiễm chéo các bệnh về da.
Từ khi dịch vụ gội đầu dưỡng sinh được Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM triển khai đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bệnh nhân và người chăm bệnh. Mỗi ngày, có khoảng 50 lượt sử dụng dịch vụ này. Sau khi hoàn tất, bệnh nhân được nhân viên bệnh viện đẩy về tận giường bệnh bằng xe lăn. Trong quá trình đó, thân nhân người bệnh còn được y sĩ y học cổ truyền trực tiếp hướng dẫn cách gội đầu để khi về nhà có thể tự thực hiện cho bệnh nhân.
Không chỉ Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM nhận thấy cần có sự điều chỉnh về dịch vụ để thời gian nằm viện của bệnh nhân trở nên thoải mái hơn. Bệnh viện Nhân dân Gia Định mỗi tháng đang tổ chức gội đầu khô miễn phí tại chỗ cho bệnh nhân nội trú. Cụ thể, mỗi tháng sẽ có 20 bệnh nhân được tiến hành gội đầu. Đây là những bệnh nhân nặng, không có khả năng tự chăm sóc, người thân không chăm sóc được do hoàn cảnh đặc biệt… Các bệnh nhân sẽ được cắt tóc, gội đầu luân phiên. Điều này không chỉ đảm bảo vệ sinh, tránh cho bệnh nhân những bệnh ngoài da mà còn giúp bệnh nhân đỡ bứt rứt, khó chịu, từ đó tiếp nhận điều trị tốt hơn.
|
Một bệnh nhân đang được gội đầu dưỡng sinh bằng thảo dược tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM |
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Bích Hường - Trưởng khoa Sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho hay, hiện nay bệnh viện mình đang triển khai dịch vụ chăm sóc, thư giãn cho mẹ và bé sau sinh.
Trong thời gian nằm viện, em bé được mát xa, còn sản phụ được gội đầu bằng dược liệu, xông vùng kín giúp vết mổ sinh mau lành, âm đạo co thắt tốt hơn. 100% sản phụ sinh em bé tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh đều sử dụng dịch vụ chăm sóc sau sinh nở. Họ yên tâm hơn khi được trải nghiệm dịch vụ tại bệnh viện vì tất cả đều được giám sát theo một quy trình chuẩn, phù hợp với thể trạng phụ nữ mới vượt cạn. Ngoài ra, trẻ sơ sinh vô cùng non nớt nên gia đình sản phụ cũng cảm thấy tin cậy khi trẻ được mát xa tại bệnh viện có khoa nhi, khoa sản.
Bác sĩ Bích Hường nhấn mạnh, nhiệt độ và thời gian xông cho sản phụ phải tính toán chính xác. Nếu nhiệt độ chưa đủ nóng, thời gian xông quá ngắn sẽ không hiệu quả. Còn xông nhiệt độ quá cao trong thời gian dài sẽ gây phỏng rát vùng kín. Chưa kể xông lâu gây mất nước, sản phụ cần bù nước đầy đủ. Sản phụ được xông bằng dược liệu, sau đó tắm bằng chính dược liệu đó. Hiện vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm về chuyện kiêng tắm gội sau khi sinh. Khi thấy bệnh viện có dịch vụ chăm sóc, vệ sinh cơ thể cho mẹ và bé như trên, các chị em an tâm hơn. Đặc biệt, lúc mẹ và bé xuất viện về nhà thì đều sạch sẽ tinh tươm, tinh thần sảng khoái.
Thanh Huyền