Hậu quả lớn nếu tùy tiện uống bổ sung vitamin A

23/05/2024 - 06:10

PNO - Nghe quảng cáo những tác dụng của vitamin A bán trên mạng, nhiều bà mẹ vội vàng đặt mua dù không hề biết bản thân hay các con có nằm trong nhóm cần uống bổ sung, không biết rằng việc tùy tiện uống có thể gây hậu quả khôn lường.

Vitamin A bán tràn lan

Các loại vitamin A liều cao đang được bán rầm rộ trên mạng xã hội. Các chuyên gia cho rằng, nếu dùng tùy tiện, người uống có thể gặp hàng loạt hậu quả khôn lường cho sức khỏe.

Có 2 con trai 6 và 10 tuổi, đều đã quá độ tuổi uống vitamin A miễn phí tại trạm y tế phường, mới đây, chị Nguyễn Hải Yến (Hà Đông, Hà Nội) quyết định tự cho con uống bổ sung. Chị cho biết, trong hội nhóm của khu chung cư có rất nhiều người bán vitamin A liều cao 200.000 IU, khuyến cáo dùng cho mọi lứa tuổi, từ trẻ em, người lớn tới người già, bà mẹ mang thai… Người bán hàng nhấn mạnh, trẻ em sử dụng máy tính, điện thoại và ti vi nhiều nên cần bổ sung định kỳ 6 tháng 1 lần để bảo vệ đôi mắt. Do đó, chị Yến đã mua cho cả 2 con với giá 20.000 đồng/viên.

Bác sĩ Đoàn Hồng tư vấn sử dụng vitamin A cho bà mẹ mang thai
Bác sĩ Đoàn Hồng tư vấn sử dụng vitamin A cho bà mẹ mang thai

Không chỉ riêng ở khu dân cư của chị Yến, gần tới đợt bổ sung vitamin A cho trẻ 3-36 tháng tuổi miễn phí (ngày 1 - 2/6), mạng xã hội ngập tràn rao bán loại vitamin này. Theo những người bán, vitamin A 200.000 IU dùng nửa viên cho trẻ 6-12 tháng; dùng 1 viên cho trẻ 1-6 tuổi; 2 viên cho trẻ 7-15 tuổi và 4 viên cho người lớn (cách ngày uống 1 viên). “Khi uống vitamin A liều cao, trẻ có thể bị tiêu chảy, tuy nhiên đừng hoang mang, lo lắng. Trẻ dùng men vi sinh và kẽm để hỗ trợ vấn đề này” - một người bán hàng cho hay. Người này cũng tiết lộ “trên thị trường, các loại vitamin A liều cao đều là hàng xách tay từ Ấn Độ, là loại hàng hiếm, không dễ có nên cha mẹ phải nhanh tay mua cho con sử dụng, tránh để trẻ thiếu vitamin A, giảm thị lực, khô mắt, thậm chí gây đục thủy tinh thể”.

Giá vitamin A liều cao được bán trung bình từ 15.000-22.000 đồng/viên. Ngoài trẻ em lớn, bà mẹ mang thai và người cao tuổi cũng là 2 nhóm đối tượng được những người bán hàng cho rằng đặc biệt cần bổ sung để bảo vệ sức khỏe đôi mắt.

Nguy cơ ngộ độc cấp tính, mạn tính

Bác sĩ Đoàn Hồng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết: vitamin A có vai trò quan trọng đối với thị lực, hỗ trợ hệ miễn dịch, duy trì cấu trúc bình thường của da và niêm mạc, sinh sản, tăng trưởng. Đây cũng là chất chống ô xy hóa của cơ thể, ngăn chặn sự phát triển của những gốc tự do gây hại cho tế bào, giúp chống lão hóa, chống ung thư. Thông thường, trẻ có chế độ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm sẽ không bị thiếu vitamin A. Đó là lý do, với trẻ từ 3 tuổi trở lên, ngành y tế khuyến cáo không nên tự ý bổ sung vitamin A liều cao.

Theo bác sĩ Đoàn Hồng, nếu tùy tiện bổ sung, trẻ sẽ dễ bị thừa vitamin A và có thể dẫn tới hàng loạt hậu quả. Vitamin A khi được bổ sung thừa sẽ không thải ra khỏi cơ thể mà tích trữ trong gan. Thừa vitamin A có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, biểu hiện ban đầu là vàng da, nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, nôn… Ngộ độc vitamin A mạn tính kéo dài có thể dẫn đến thay đổi ở da như da khô, tróc vảy, phát ban đỏ, rụng tóc… Trẻ có thể tăng men gan, xuất hiện vàng da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ngoài ra, còn có biểu hiện ngộ độc khác như đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, tăng canxi máu.

“Thừa vitamin A gây ra xương yếu, loãng xương, đau các xương. Trẻ nhỏ có thể tăng áp lực nội sọ, thóp phồng, co giật. Trẻ chậm lớn và có thể có một số triệu chứng không rõ ràng khác” - bác sĩ Đoàn Hồng nói thêm. Với các bà mẹ đang mang thai, việc uống vitamin A được khuyến cáo rất thận trọng, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng quá liều, gây dị tật hoặc tác động tới quá trình hình thành não, xương của thai nhi.

Việc bổ sung vitamin A liều cao ngoài nhóm trẻ từ 6-36 tháng tuổi, theo chuyên gia dinh dưỡng vẫn cần thiết, nhưng chỉ trong một số trường hợp cụ thể. Ví dụ như, phụ nữ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh cần bổ sung vitamin A để bù lại sự thiếu hụt do sinh nở, cũng như đảm bảo lượng vitamin A trong sữa mẹ cho trẻ bú.

Nhóm trẻ lớn có nguy cơ thiếu vitamin A thường là trẻ từ các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa có chế độ ăn uống không đa dạng, thiếu ăn, suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp tái đi tái lại, trẻ mắc sởi… Người suy giảm thị lực, suy giảm hệ miễn dịch, người ăn kiêng lâu ngày… cũng có thể uống bổ sung vitamin A liều cao. “Tuy nhiên, để biết chắc chắn mình hay con có cần bổ sung vitamin A liều cao hay không, người dân cần khám bởi bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn bổ sung phù hợp với lứa tuổi, thể trạng” - bác sĩ Đoàn Hồng khuyến cáo.

Hiện nay, trên thị trường cũng có nhiều thực phẩm chức năng bổ sung vitamin A. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên không nên sử dụng để thay thế chế độ ăn hằng ngày, mà nên ưu tiên bổ sung qua thực phẩm như: thịt, cá, trứng, sữa, gan động vật, các loại rau củ màu cam, đỏ, rau lá xanh đậm.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI