Hậu quả lớn khi tự điều trị theo cách dân gian

26/10/2023 - 06:12

PNO - Không ít bệnh nhân đang được bác sĩ điều trị ung thư, suy thận thì tự ngưng, tự ý chuyển sang uống thuốc đông y hoặc sử dụng thảo dược theo cách dân gian. Khi bệnh trở nặng, họ quay lại bệnh viện thì đã muộn.

Bỏ bệnh viện, tự đắp lá 

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đắc Nhân Tâm - Phụ trách Khoa Ung Bướu Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM - cho biết ông rất đau lòng khi phải bất lực trước các bệnh nhân tự ý bỏ điều trị, chuyển sang uống thuốc đông y hoặc tự tìm thảo dược theo lối dân gian.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Nhân Tâm đang khám cho một bệnh nhân tại Khoa Ung Bướu Bệnh viện Thống Nhất
Bác sĩ Nguyễn Đắc Nhân Tâm đang khám cho một bệnh nhân tại Khoa Ung Bướu Bệnh viện Thống Nhất

Điển hình là trường hợp bệnh nhân P.T.D. (32 tuổi, giáo viên, quê An Giang) đã lập gia đình, có 1 con trai kháu khỉnh. D. được bệnh viện địa phương phát hiện bị ung thư vú trái độ 2. Từ chối điều trị tây y, D. theo lời hàng xóm chỉ dẫn tìm một thầy lang chuyên chữa ung thư bằng cách đắp lá. Nghe đồn đây là loại lá dại, hái từ Campuchia về, bí quyết gia truyền của thầy lang. 

Sau khi chị D. đắp lá này được 2 tháng thì vú trái bị lở loét, hoại tử, chảy dịch. Chị đi khám và được cơ sở y tế địa phương chuyển lên Bệnh viện Thống Nhất. Các kiểm tra cho thấy tế bào ung thư đã di căn nhiều nơi. Bệnh nhân đã bỏ lỡ mất cơ hội can thiệp, bác sĩ chỉ có thể điều trị triệu chứng. Kiên trì vật lộn với bệnh tật được khoảng 4 tháng thì gia đình xin cho chị D. về quê bởi mọi chuyện đã quá muộn màng.

Trường hợp khác là bà L.T.H. (65 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM). Bệnh nhân tới Bệnh viện Thống Nhất khám vì bị ho nhiều, sốt nhẹ. Kết quả xác định bà H. có khối u ác tính ở phổi. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt khối u nhưng đã từ chối.

Bà H. cho biết chồng mình là lương y nên sẽ về uống thuốc đông y để trị bệnh. Bác sĩ Nguyễn Đắc Nhân Tâm đã mời cả chồng của bà H. đến tư vấn, khuyên nhủ tới 4 lần mà vẫn đành bất lực. 3 tháng sau, bà H. quay lại Bệnh viện Thống Nhất khám thì tế bào ung thư đã di căn vào não và xương. Lúc này, vợ chồng bà rất hối hận nhưng chẳng thể làm gì thêm. Bệnh nhân qua đời sau đó 2 tháng.

Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Nhân Tâm, không ít bệnh nhân có tâm lý ngại điều trị tây y vì sợ các tác dụng phụ như mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, thậm chí rụng tóc. Mặt khác, nhiều người tưởng rằng điều trị theo lối dân gian hoặc uống thuốc đông y sẽ tiết kiệm hơn tây y. Thực tế, các bệnh nhân đi bốc thuốc đông y, mỗi thang giá từ 200.000-300.000 đồng. Mỗi ngày, họ uống 1 thang thuốc thì 1 tháng, chi phí điều trị cũng tương đương với điều trị bằng thuốc tây. Trong khi đó, điều trị tây y tại bệnh viện, có những loại thuốc được chi trả bảo hiểm y tế nên cũng đảm bảo được mức tối thiểu cho những bệnh nhân khó khăn.

Một nguyên nhân khác khiến nhiều bệnh nhân bỏ điều trị tây y, đi theo các điều trị dân gian chính là các thông tin sai lệch, không chính thống lan truyền quá nhiều trên mạng. Hiện trên mạng lan truyền rất nhiều bài thuốc dân gian điều trị ung thư bằng cây an xoa, cây cà gai leo, đinh lăng… Nhiều người còn chỉ nhau tìm mua cây xáo tam phân phơi khô, sắc uống vì được quảng cáo “có thể thổi bay các bệnh ung thư: cổ tử cung, gan, buồng trứng và đại tràng”. Bác sĩ Nguyễn Đắc Nhân Tâm khẳng định, đối với bệnh ung thư thì đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không mang lại hiệu quả điều trị. 

Hại thận vì uống cỏ mực

Chỉ trong vài tháng, Bệnh viện Bình Dân đã tiếp nhận 7 ca suy thận mức độ nặng, tổn thương thận cấp trên nền suy thận mạn tính có liên quan đến việc uống cỏ mực. Khi được hỏi, người bệnh nói xem thông tin trên mạng thấy cỏ mực mát gan, lợi tiểu, tốt cho thận. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Bình Dân - cho biết: cỏ mực có nhiều tên gọi như nhọ nồi, hạ liên thảo, bạch hoa thảo, thủy hạn liên… Trong đông y, cỏ mực không độc, có vị chua, ngọt, tính hàn, thường dùng chữa sốt cao, chảy máu cam, mề đay, viêm họng, suy nhược… Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ tác dụng chữa suy thận bằng cỏ mực. 

Trên người bệnh thận mạn, chức năng thận vốn đã kém nên việc dùng các hoạt chất từ cây cỏ, thuốc, ngay cả ăn uống thường ngày đều cần phải cẩn trọng để tránh tiến triển suy thận nặng hơn. Bệnh nhân suy thận mạn cũng phải được thăm khám, điều trị bằng thuốc, kiểm soát thường xuyên các chỉ số như protein niệu, các xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Tuân thủ điều trị và có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý thì mới kiểm soát tốt biến chứng trên thận.

“Thế nhưng, thực tế vẫn còn bệnh nhân tự ngưng điều trị ở bệnh viện, rồi tự ý thay thế, hoặc uống kèm thêm các loại lá cây không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo trên mạng. Có người đã rơi vào suy thận không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời rất đáng tiếc” - bác sĩ Lê Thị Đan Thùy nói thêm.

Bác sĩ cũng lưu ý: ngoài cỏ mực, hiện nay trên mạng còn lan truyền nhiều “bài thuốc” lợi tiểu, “tốt cho thận” như cây rễ gió, cây mộc thông, cây nhạc ngựa, mộc phòng kỷ… Tất cả các cây này đều có chứa acid aristolochic gây tổn thương thận, suy thận. Điều đáng ngại là những loại cây này đang được một số người lấy ngâm rượu uống với mục đích chữa bệnh, “tẩm bổ”.

Không chỉ làm “thần y” trên mạng, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng hình ảnh bác sĩ, lương y trên mạng xã hội quảng cáo “thần dược”. Nhiều lần bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 - đã phải lên tiếng cảnh báo trên trang cá nhân của mình về việc bị ghép ảnh rao bán thuốc.

Trước vấn đề này, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết đã nhiều lần kiểm tra, xử lý các hành vi trên. Tuy nhiên, đa số các đối tượng này có máy chủ đặt ở nước ngoài nên rất khó để quản lý. Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo tìm hiểu thông tin, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Các bác sĩ, chuyên gia y tế thường sẽ chia sẻ các thông tin cơ bản để người dân có thể xử trí trong những tình huống sơ cứu, hay nhận diện bệnh bước đầu mà tới cơ sở y tế thăm khám kịp thời, chứ không kê toa, bán thuốc, dược liệu… trên mạng. Trên thực tế, không có một loại “thần dược” nào có thể điều trị dứt điểm bệnh mà người bệnh chưa được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng. 

Thanh Huyền - Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI