Hậu quả khôn lường cho mai sau

24/08/2024 - 06:41

PNO - 2 tuần trước, tôi và một nhóm chuyên gia đã có đợt thực địa 2 ngày ở hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đưa chúng tôi đi là một lão ngư, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá ở hồ này. Ông kể, trước đây, nghề đánh bắt cá là nguồn thu nhập chính của gia đình ông nhưng bây giờ “nghề này thua rồi”.

Theo ông, cá, tôm ở hồ Trị An những năm gần đây suy giảm đáng kể. Rất hiếm khi ngư dân bắt được cá trèn, cá me, cá leo - những loài từng được xem là “lộc trời ban” của hồ Trị An và sông Đồng Nai. Con trai ông phải bỏ sông, lên bờ làm bảo vệ, ông cũng chỉ giữ chiếc ghe nhỏ để thỉnh thoảng chở thuê khách đi tham quan hồ.

Không chỉ ở hồ Trị An, nhiều lưu vực sông, hồ mà chúng tôi từng đến khảo sát cũng có lượng thủy hải sản suy giảm đáng kể. Cá, tôm ngày một ít đi nhưng lượng khai thác thì ngày một nhiều hơn. Trong giai đoạn 2010-2020, trữ lượng trung bình nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam ước khoảng 3,95 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng khai thác biển chỉ riêng năm 2022 là 3,66 triệu tấn, năm 2023 là 3,85 triệu tấn. Việc khai thác quá mức khiến nguồn lợi hải sản ở biển suy giảm, nhất là nhóm hải sản tầng đáy. Các kiểu đánh bắt tận diệt thủy hải sản như dùng kích điện, lưới giã cào, thuốc… vẫn đang diễn ra.

cá, tôm ở hồ Trị An những năm gần đây suy giảm đáng kể
Cá, tôm ở hồ Trị An những năm gần đây suy giảm đáng kể

Để xảy ra những thực trạng nêu trên là do Việt Nam vẫn đang thiếu định hướng về phát triển nguồn tài nguyên thủy hải sản và quy hoạch hoạt động khai thác một cách bài bản. Chúng ta cần có kế hoạch phục hồi nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu. Cần tăng cường công tác quản lý, đánh giá, bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực ở vùng nội địa và vùng biển; tăng quy mô, diện tích các khu vực biển được bảo tồn; thành lập mới và tổ chức quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển, gắn bảo tồn với phát triển du lịch.

Một trong những “điểm nghẽn” trong công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản là công tác giám sát, dự báo môi trường sống của các loài thủy sản chưa thực sự được chú trọng. Nếu làm tốt công tác này, ngành thủy sản sẽ kịp thời phát hiện, xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường trên các thủy vực.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các loài rùa biển, thú biển và giảm thiểu đánh bắt không chủ ý đối với các loài thủy sản. Hoạt động khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm khai thác, công tác quản lý nghề cá trên biển cũng cần được hiện đại hóa.

Trong hoạt động quản lý khai thác, cần có nghiên cứu để điều chỉnh tỉ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Ngành nông nghiệp cần có kế hoạch cụ thể để điều chỉnh số lượng tàu cá khai thác thủy sản, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản, đặc biệt giảm tỉ trọng nghề lưới kéo trên biển.

Song song đó, cần tổ chức tập huấn, hội thảo để nâng cao nhận thức của ngư dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khuyến khích ngư dân tham gia các tổ hợp tác để cùng nhau khai thác bền vững. Cần gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí. Về lâu dài, chúng ta cần chú trọng việc đào tạo để hình thành nguồn nhân lực tham gia khai thác thủy sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghệ và hội nhập quốc tế.

Từ xa xưa, cha ông ta đã biết quý trọng và bảo vệ “rừng vàng, biển bạc”. Ngày nay, nếu chúng ta để tình trạng khai thác bừa bãi tiếp diễn thì những “kho báu” sẽ nhanh chóng cạn kiệt, để lại hậu quả khôn lường cho thế hệ mai sau.

Vũ Ngọc Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI