Hậu quả khó lường từ trầm cảm sau sinh

27/06/2022 - 07:23

PNO - Giữa tháng 6 vừa qua, xảy ra vụ người mẹ - chị Q., 27 tuổi, quê ở tỉnh Long An - ném đứa con hai tháng tuổi của mình từ tầng 5 của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (H.Bình Chánh, TPHCM) xuống đất. Những vụ việc tương tự cũng từng xảy ra trước đó.

Theo các chuyên gia về tâm thần, đối với phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, bên cạnh việc điều trị các rối loạn nội tiết tố, sự chăm sóc về tinh thần của người thân là điều hết sức quan trọng giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Cần phát hiện, điều trị sớm

Theo phó giáo sư - tiến sĩ (PGS - TS) Tô Thanh Phương - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - phụ nữ trầm cảm sau sinh thường có những hoang tưởng về con cái theo một trong hai hướng: hoặc cực kỳ căm ghét con, nghĩ rằng con là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn vợ chồng, là gánh nặng cuộc sống, hoặc quá yêu quý con, thường xuyên ôm ghì, không cho ai gần gũi, động chạm vào con vì sợ lây bệnh, sợ bắt cóc… 

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh rất dễ gây ra những vụ việc đau lòng nếu không được quan tâm, chăm sóc, chữa trị kịp thời (ảnh minh họa)
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh rất dễ gây ra những vụ việc đau lòng nếu không được quan tâm, chăm sóc, chữa trị kịp thời (ảnh minh họa)

Theo ông, nguyên nhân chính gây trầm cảm sau sinh là sự biến đổi nội tiết tố (estrogen). Trong giai đoạn thai kỳ, estrogen của các bà mẹ thường tăng lên nhưng sau sinh lại có hiện tượng giảm đột ngột, gây ảnh hưởng mạnh đến tâm lý. Ông nói: “Đây là một bệnh, nên cần được phát hiện sớm và điều trị triệt để; nếu không, sẽ để lại những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của bà mẹ, trẻ em và những người xung quanh”. 

PGS - TS Tô Thanh Phương dẫn chứng, cách đây vài năm, xảy ra vụ người mẹ tuổi đôi mươi dìm chết đứa con trai một tháng tuổi trong chậu nước, sau đó đi lên tầng trên, lấy than viết một dòng chữ trên bậc cầu thang rồi đi ngủ. Bệnh viện Tâm thần Trung ương I kết luận, người mẹ này mất khả năng nhận thức trước, trong và sau khi thực hiện hành vi giết con. Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cũng từng tiếp nhận, điều trị cho một số phụ nữ sau sinh có hành vi tự tử do trầm cảm. 

Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh

Cũng theo PGS - TS Tô Thanh Phương, mất ngủ là một trong những biểu hiện đầu tiên, dễ nhận biết nhất ở người mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Dấu hiệu thứ hai của bệnh này là thường xuyên có cảm giác buồn chán, cô đơn, tủi thân và hay khóc. “Khi thấy một bà mẹ mới sinh thường xuyên sụt sịt, khóc lóc thì đây là một biểu hiện rất nguy hiểm, cần phải hết sức quan tâm, để ý và đưa tới bác sĩ để thăm khám” - ông nói. Theo kinh nghiệm của ông, những bà mẹ sinh con lần đầu, trong gia đình có vấn đề… thường dễ bị trầm cảm sau sinh hơn các đối tượng khác. Những phụ nữ thường tỏ ra bất an, bồn chồn khi mang bầu cũng cần được theo dõi kỹ sau sinh bởi có nguy cơ mắc trầm cảm cao.

Thạc sĩ - bác sĩ Vương Thị Thủy - giảng viên bộ môn tâm thần, Trường đại học Y Hải Phòng - bổ sung thêm một số biểu hiện để phát hiện trầm cảm sớm: hay cáu gắt, dễ nổi giận với chồng con, với người khác, đánh con, cảm thấy mình vô dụng; cảm thấy hoàn toàn kiệt sức và thiếu năng lượng, quá mệt mỏi việc chăm sóc con, chăm sóc bản thân. Một trong những dấu hiệu khác là bỗng dưng thay đổi khẩu vị, cách thức ăn uống, như ăn liên tục hoặc ăn không thấy ngon, không có cảm giác đói bụng. 

Với người bị trầm cảm, mọi hứng thú gần như bị triệt tiêu. Hầu hết họ không còn yêu thích, không muốn tận hưởng điều gì, kể cả cảm giác muốn ở cùng chồng, con. Họ có thể không còn ham muốn với tình dục. Trong khi đó, người bạn đời có thể không hiểu điều này và khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi. Họ thường có suy nghĩ tiêu cực và đổ lỗi cho bản thân hoặc cho những người xung quanh. Nếu không được điều trị sớm, suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn họ tới sự tuyệt vọng, bế tắc, cảm thấy cuộc sống không có giá trị gì, từ đó dẫn tới các hành vi dại dột như tự tử hay giết con, giết người xung quanh mình…

Cần sự thấu hiểu của người thân

Rất ít người bị trầm cảm tự phát hiện được mình đang mang bệnh, cần được khám và điều trị sớm. Do đó, theo các chuyên gia, vai trò của chồng hay những người thân trong gia đình là vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân. Ngoài điều trị thân bệnh, người bệnh còn cần được điều trị về tâm bệnh. Họ rất cần sự thấu hiểu, cảm thông, an ủi của người thân để vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải bà mẹ sau sinh nào cũng nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Có những trường hợp họ bị những người xung quanh ngó lơ hoặc dè bỉu nên bệnh tình càng nặng hơn. Không ít bà mẹ trầm cảm bị gia đình mỉa mai là giả bệnh, trốn việc, không biết chăm con.

PGS - TS Tô Thanh Phương xót xa: “Trong quá trình thăm khám, tôi từng gặp không ít gia đình chỉ lo cho người con chứ không hề quan tâm tới bà mẹ đang bị bệnh. Khi bác sĩ kê thuốc, họ tỏ thái độ ngần ngại, không muốn hợp tác bởi lo rằng việc mẹ uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa và ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Trong khi đó, với những trường hợp này, bà mẹ buộc phải dùng thuốc, phải cai sữa để có khả năng lành bệnh”.

Ông lưu ý, đối với trầm cảm sau sinh, chỉ giải tỏa tâm lý là chưa đủ để bệnh nhân khỏi bệnh mà phải kết hợp với dùng thuốc. Do đó, khi thấy biểu hiện bất thường, người thân nên đưa bệnh nhân đến khám ở chuyên khoa tâm thần hoặc bệnh viện tâm thần. 

Huyền Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI