Trước nguy cơ thiếu điện của các tỉnh phía Bắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu dự án đường dây 500kV mạch 3 (có tổng chiều dài 519km, từ Quảng Trạch - Quảng Bình đến Phố Nối - Hưng Yên) phải được hoàn thành vào tháng 7/2024. Và thế là đã có một cuộc “tổng động viên”, đưa những người “lính xung kích” áo cam từ mọi miền đất nước quy tụ về công trường, bắt đầu hành trình “vượt nắng, thắng mưa” giúp công trình kịp tiến độ.
Những ngày cuối tháng Sáu, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có mặt trên công trường để lắng nghe câu chuyện về những người mẹ, người vợ - những hậu phương vững vàng giúp các anh yên tâm công tác.
Gác niềm riêng vì việc chung
Là thành viên trẻ nhất đội xung kích Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 4 (DVKT4), thuộc Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện, anh Lê Phước Hiệp đã cùng đồng đội rời TPHCM ra Thanh Hóa tiếp sức cho công trình huyết mạch quốc gia. Đội của anh phụ trách các phần việc tại trạm biến áp 500kV Thanh Hóa - một siêu trạm cao áp của đường dây 500kV mạch 3, với quy mô hạng mục công trình rất lớn.
Thời gian đầu, anh Hiệp và đồng đội gặp không ít khó khăn với thời tiết thất thường, lúc nắng rát da, khi mưa giăng chẳng thấy nổi mặt người. Ngày nắng nóng, mỗi khi ra hiện trường, tấm áo của người thợ điện luôn ướt đẫm mồ hôi không có chỗ nào khô.
Anh Huỳnh Thanh Phong - thành viên đội xung kích DVKT4 - hướng mắt về phía anh Hiệp, tiết lộ thêm về đồng đội của mình: “Ông này mới có đứa con đầu lòng nè, mà hôm thôi nôi con cũng không về thăm được, phải bám công trường suốt”.
|
Chị Huỳnh Ngọc Tuyền tổ chức thôi nôi cho con khi chồng đang ở công trường thi công đường dây 500KV mạch 3 - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chị Huỳnh Ngọc Tuyền - 27 tuổi, ngụ TPHCM, vợ anh Hiệp - cho biết, vợ chồng chị về chung nhà đã gần 2 năm. Từ ngày lấy nhau, chồng chị thường xuyên đi công tác xa nhà, kể cả những ngày lễ, tết. Nhưng chị chỉ thương chứ không hề giận. Chị tâm sự: “Mỗi lần gọi điện thoại với ảnh, nghe tiếng con líu lo, bập bẹ kêu “ba ba” là tôi muốn chảy nước mắt.
Lúc đó, tôi nhớ chồng, thương con vô cùng, nhưng không dám nói nhiều, sợ không kiềm chế được cảm xúc rồi khóc thì anh ấy lại lo lắng không yên”.
Ngày tổ chức tiệc thôi nôi cho con, tự tay chị Tuyền làm mọi việc thay cả phần chồng. Chị luôn tâm niệm, mình phải vững vàng để trở thành hậu phương vững chắc, giúp chồng an tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Nhắc về vợ, anh Hiệp nói trong tự hào: “Đáng lẽ khi đi làm xa, không đỡ đần được vợ con thì mình phải là người động viên vợ, nhưng ngược lại cô ấy luôn động viên tôi. Lần nào nói chuyện điện thoại, trước khi tắt máy, cô ấy đều cười và dặn tôi cứ yên tâm, ở nhà mọi việc đều ổn”.
Do hiểu rất rõ tính chất công việc của chồng phải thường xuyên xa nhà nên ngay từ lúc mang thai, chị Tuyền đã chuẩn bị tâm thế tìm những phương pháp nuôi con khoa học, hiện đại, rèn cho con có nền nếp để mẹ đỡ vất vả. Chị tập cho con tự ngủ cùng khung giờ với mẹ, thay vì phải bồng bế, ru con ngủ bất kể đêm ngày. “Mừng là bé nhà tôi rất chịu hợp tác với mẹ. Có lẽ bé biết ba bận việc xa nhà, không có ba ở bên nên không muốn mẹ cực” - chị Tuyền cười nói.
Từ Trà Vinh vượt hơn 1.500km ra Thanh Hóa bám công trường, trăn trở lớn nhất của anh Nguyễn Tấn Hùng - Tổ trưởng tổ xung kích Công ty Điện lực Trà Vinh - không phải là áp lực công việc hay sự gian khổ do thời tiết khắc nghiệt, mà là người mẹ già đã ngoài 70 tuổi đang ngày ngày chờ anh trở về. Anh Hùng kể: “Buổi chiều nghe thông báo điều động là sáng hôm sau tôi cùng anh em lên đường ngay. Ngày nào cũng vậy, khi xong việc là tôi gọi điện về cho mẹ, nói chuyện với bà vài ba câu cho an tâm”.
Còn bà Trần Thị Sen (ngụ tỉnh Trà Vinh) thì mỗi lần nghe chúng tôi nhắc đến người con trai đang công tác xa nhà, giọng nói khàn đục của bà bỗng trở nên vui tươi, trong trẻo lạ thường. Bà cười: “Lần đầu nó đi công tác xa, mình cũng lo. Nhưng lo vậy thôi chứ tự hào lắm, vì con đi phục vụ cho công trình lớn của quốc gia mà. Mà lần nào gọi về cho mẹ, nó cũng chỉ cho tôi nghe tiếng chứ không chịu “hiện hình”, chắc sợ tôi thấy nó dang nắng đen thui rồi nhìn hông ra nó hay sao đó”.
Vì là con trai một, anh Hùng phải nhờ người em họ qua ở cùng để chăm sóc mẹ những ngày anh xa nhà. Đối với anh, chuyến công tác lần này là cơ hội để anh góp sức vì màu cờ, sắc áo của ngành điện. Bên cạnh đó, anh và đồng đội còn có dịp học hỏi thêm nhiều điều mới từ đơn vị bạn để mang về phục vụ cho lưới điện địa phương.
|
Gia đình là hậu phương vững chắc để những người thợ điện an tâm “vượt nắng, thắng mưa” - Ảnh: Nhã Chân |
Công trường là nhà, đồng đội là gia đình
Từ khắp mọi miền đất nước quy tụ về một nơi, trong những ngày “vượt nắng, thắng mưa” chạy đua với tiến độ công trình, những người thợ điện xem công trường là nhà, còn đồng đội chính là gia đình mới, là niềm an ủi để phần nào vơi đi nỗi nhớ vợ, thương con.
Vị trí cột 119-120, nằm trong đoạn Nam Định 1 - Phố Nối, bắc qua sông Hồng, được xem là một trong những cột cao nhất, thi công phức tạp nhất toàn tuyến. Với độ cao lên đến 145m, tương đương tòa nhà 35-40 tầng, đội ngũ thi công nơi đây được chọn lọc kỹ từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thế nhưng sự khác biệt về xuất thân, hoàn cảnh cũng không khiến mối thâm tình vừa mới thắt của các anh kém đi phần bền chặt.
“Mình ở Tuyên Quang, còn các anh em đến từ khắp nơi như: Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La…; dân tộc Kinh, Mường, Thái, Tày… đều đủ cả. Cách phát âm không ai giống ai, đôi khi mình nói mà anh em không hiểu, chỉ biết ra ký hiệu thôi. Thế nhưng ra đến công trường là cùng nhau san sẻ công việc. Về đến chỗ trọ là cùng nhau ăn cơm, uống trà” - anh Hoàng Văn Quý - người dân tộc Mường, ngụ tỉnh Tuyên Quang, công nhân Công ty cổ phần Sông Đà 11 - vui vẻ kể.
Ở một số tổ, đội thi công trạm biến áp, lán trại đơn sơ được dựng ngay công trường trở thành nơi trú mưa, tránh nắng, nơi sinh hoạt của rất nhiều kỹ sư, công nhân, lao động. Không những vậy, đây còn là nơi lắng nghe bao nỗi niềm của anh em sau những giờ làm việc vất vả, giúp các anh vơi đi nỗi nhớ vợ con, cha mẹ ở quê nhà.
Theo anh Huỳnh Thanh Phong - thành viên đội xung kích DVKT4, làm việc tại trạm biến áp 500kV Thanh Hóa - vì công tác dài ngày, đa phần anh em không mang đủ dụng cụ sinh hoạt nên cứ “í ới” nhau, lúc thì mượn cái khăn, lúc thì dùng chung chai dầu gội, tình cảm cũng từ đó mà trở nên gắn kết.
Mỗi một ngày bám công trường, họ lại tự nhủ lòng: “Khi nào cờ Tổ quốc phấp phới tung bay trên khắp các đỉnh cột của đường dây, khi ấy mỗi người sẽ được về với mái ấm nhỏ thân yêu của mình”.
Nhã Chân