Hậu phương lớn của nam điều dưỡng xin lỗi vợ con nếu lỡ nhiễm COVID-19

27/03/2020 - 11:00

PNO - "Em và con hiểu những trăn trở của anh ở tuyến đầu chống dịch. Anh yên tâm với niềm đam mê công việc của mình. Nhà luôn là chỗ dựa vững chắc”, chị nhắn anh.

Nhà luôn là chỗ dựa vững chắc

Đề phòng điều không hay có thể đến với mình, khi viết những dòng xin lỗi vợ và xin lỗi con nếu lỡ nhiễm COVID-19, anh Đặng Quốc Bảo - điều dưỡng khoa Cấp cứu tim mạch can thiệp Bệnh viện Trung uơng Huế không ngờ mình lại được dư luận trân quý đến thế.

 

Những dòng nhật kí của nam điều dưỡng nơi tuyến đầu chống dịch Covid đang nhận được tình cảm yêu quý của dư luận(Ảnh NVCC)
Những dòng nhật kí của nam điều dưỡng nơi tuyến đầu chống dịch nhận được tình cảm của dư luận (Ảnh NVCC)

Khi bạn bè gửi những đường link báo chí viết về chồng vào trang Facebook cá nhân, chị Phan Thị Hiếu chỉ khiêm nhường “gia đình hiểu những trăn trở của anh cũng như đồng nghiệp ở tuyến đầu chống dịch. Anh yên tâm với niềm đam mê công việc của mình. Nhà luôn là chỗ dựa vững chắc”.

Vừa là đồng nghiệp, vừa là vợ chồng, họ cùng chung chí hướng diệt dịch (Ảnh NVCC)
Vừa là đồng nghiệp, vừa là vợ chồng, họ cùng chung chí hướng diệt dịch (Ảnh NVCC)

Là đồng nghiệp của nhau, đợt dịch 1(16 ca đầu tiên), anh chị đã có suy nghĩ “là điều dưỡng, nếu khi cần mình cũng sẵn sàng đi”. Sang đợt 2, tình hình phức tạp hơn, sau ca trực tối anh Bảo trở về nói với vợ “anh sẽ đi cơ sở 2 để chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19”.

Dù đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nhưng nỗi lo về lây nhiễm chéo như các nước trên thế giới khiến chị Hiếu có chút lo sợ. Nhưng vốn rõ chồng mình  “muốn học hỏi và cống hiến”, đồng thời bản thân chị cũng ý thức trách nhiệm và vinh dự khi góp một phần nhỏ  với cộng đồng nên đã  động viên anh “anh yên tâm, có Đảng, chính phủ, ban ngành cùng chung sức, dịch sẽ qua mau thôi”.

Mỗi ngày 12 tiếng làm việc

“Dậy chưa, chúc ba một ngày làm việc đầy năng lượng nhé”, “chúc ông xã ngày mới vui vẻ, ngủ dậy mở cửa thấy khung cảnh xanh mát chưa nè”, “ăn ngon miệng nhé, trực cố gắng an toàn”… Những dòng tin nhắn của chị lúc sáng sớm hay đêm khuya đã trở thành nguồn động viên tinh thần để anh chạy đua với cường độ làm việc 12 tiếng trên ngày với 2 ca cùng 3 kíp trực.

Ba ở xa nhưng vẫn rất gần bên các con (Ảnh NVCC)
Ba ở xa nhưng vẫn rất gần bên các con (Ảnh NVCC)

Đáp lại anh cũng khéo nịnh vợ bằng những tin nhắn mộc mạc khi biết gia đình đang chuẩn bị cúng đất (một phong tục của người Huế mỗi dịp đầu năm) “chuẩn bị cúng chưa nàng… Nhìn món là biết em đảm đang rồi… Vợ anh quá được luôn”.

Dịch sẽ qua mau thôi

Phía sau anh Bảo không chỉ có người vợ giỏi, đảm đang mà còn có 2 đứa con ngoan ngoãn, tự giác và tự lập. Thời điểm này, chị Hiếu cũng phải đi làm cả tuần, kể cả thứ 7 và chủ nhật, 2 anh em Phú, Thanh ở nhà với bà ngoại nhưng biết nấu nướng, làm việc nhà. Dù ý thức được công việc của ba đang làm nhưng con gái vẫn ao ước “con mong ba trở về khỏe mạnh để chơi cùng con” lại khiến mắt chị Hiếu cay cay.

Anh cứ việc chống dịch, ở nhà các con ngoan(Ảnh NVCC)
Anh cứ việc chống dịch, ở nhà các con ngoan(Ảnh NVCC)

Chẳng có người phụ nữ nào muốn xa chồng, nhất là đi vào nơi nguy hiểm, nhưng đây là việc cần làm, mỗi lần gặp nhau qua điện thoại, chị lại cất lên lời bài hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai” để động viên chồng mà cũng cho chính bản thân.

Có hậu phương vững chắc, anh yên tâm chiến đấu cùng đồng đội
Có hậu phương vững chắc, anh yên tâm chiến đấu cùng đồng đội. (Anh Bảo ngồi bìa trái, ảnh NVCC)

Không chỉ ủng hộ chồng viết đơn tự nguyện đi chống dịch mà bản thân chị cũng đã sẵn sàng tâm lý khi được điều động. Chị nói “lúc còn nhỏ, nghe mẹ kể những trận đánh, nhưng mình không hình dung được. Còn thời điểm này, y bác sĩ như chúng mình đã xác định được đối tượng cần tiêu diệt là COVID - 19. Vì thế, nếu được điều động đi vào vùng dịch, mình cũng đã sẵn sàng”.

Dù hoàn cảnh nào các anh vẫn lạc quan chống dịch(Ảnh NVCC)
Dù hoàn cảnh nào các anh vẫn lạc quan chống dịch (Anh Bảo ở bìa trái. Ảnh NVCC)

Khi được hỏi “nếu anh chị cùng tham gia chống dịch, các con sẽ thế nào”, chị Hiếu không chút đắn đo “tự khắc chúng sẽ biết ở trong nhà, nghe lời bà ngoại, ba mẹ đi rồi ba mẹ trở về mà không đưa con virus về cùng”.

Bố mẹ đừng lo, anh em con sẽ rất ngoan (Ảnh NVCC)
Bố mẹ đừng lo, anh em con sẽ rất ngoan (Ảnh NVCC)

Còn anh Bảo, trước giờ vội vã bước vào ca vẫn lưu luyến nhắn nhủ vợ rằng “cảm ơn em đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để anh làm được những điều mình muốn”. Hạnh phúc của anh và các đồng đội không gì hơn là bệnh nhân mau chóng khỏe mạnh, càng vui hơn khi nhận được dòng chữ viết vội của họ trước khi xuất viện như một lời tri ân .

Thư cảm ơn của bệnh nhân ngoại quốc giử tới các anh (Ảnh NVCC)
Nôi dung lá thư cảm ơn của bệnh nhân ngoại quốc gửi tới anh và các đồng nghiệp y bác sĩ (Ảnh NVCC)

Một bệnh nhân người Anh viết cảm ơn anh Bảo và đồng đội: "Bảo, Xi, Ngọc, Trung và tất cả đội ngũ y bác sĩ kính mến! Cảm ơn các bạn thật là nhiều về sự chăm sóc và quan tâm chu đáo cho tôi. Các bạn chăm sóc tôi thật tốt. Tôi rất buồn khi phải rời xa Garry. Cảm phiền các bạn hãy chăm anh ấy giùm tôi, vì anh ấy là người rất quan trọng đối với tôi. Tôi thực lòng có ý này: nếu các bạn có dịp tới London, hãy liên lạc với tôi....  Thân ái: Angela. Tái bút: Xin cảm ơn bác sĩ khoa vì món quà là một quyển sách".

Mai này hết dịch, anh lại về chở em đi tới những nơi quen thuộc phải không anh!(Ảnh NVCC)
Mai này hết dịch, anh lại về chở em đi tới những nơi quen thuộc phải không anh!(Ảnh NVCC)

Cả nước đang sống những ngày rất khác, từ tiền tuyến tới hậu phương đều căng mình chống dịch. Có những người như anh Bảo chị Hiếu, chúng ta đủ tự tin vào một ngày mai tốt đẹp. Vợ chồng như anh chị lại chở nhau đi trên những con đường quen thuộc chụp một tấm hình, ăn một món ngon và chăm sóc bệnh nhân mỗi ngày.

                                                               Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI